Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Công đoàn cơ sở: "Cầu nối" niềm tin

03:04, 20/04/2018

Quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) bao giờ cũng có những bất đồng trong việc bảo vệ lợi ích mỗi bên và công đoàn cơ sở (CĐCS) chính là cầu nối, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cả hai phía...

[links()]Quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) bao giờ cũng có những bất đồng trong việc bảo vệ lợi ích mỗi bên và công đoàn cơ sở (CĐCS) chính là cầu nối, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cả hai phía. Từ những cuộc đối thoại, niềm tin vào tổ chức Công đoàn của NLĐ và cả chủ sử dụng lao động ngày một vững hơn. Chính điều này đã giúp giảm bớt được tình trạng đình công và tranh chấp lao động.

* Đối thoại: Tạo mối quan hệ lao động hài hòa

Lâu nay, tình trạng NLĐ bức xúc dẫn đến ngừng việc tập thể với số lượng lớn không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã trở thành một thực trạng đáng quan tâm ở nước ta. Hệ quả của việc không tìm được tiếng nói chung, đã khiến cả đôi bên mệt mỏi và thiệt hại. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nếu đối thoại giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp thành công, có thể thiết lập được cơ sở cho các mối quan hệ lao động ổn định, trưởng thành, giúp các tranh chấp được giải quyết nhanh chóng, tránh được những xung đột không cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà ăn của Công ty CP Taekwang Vina tháng 10-2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà ăn của Công ty CP Taekwang Vina tháng 10-2017

Hiểu rất rõ điều này, những năm qua, nhiều doanh nghiệp có đông công nhân trên địa bàn Đồng Nai như: Taekwang, Pouchen, Changshin, Mabuchi…đã thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi, gặp gỡ giữa lãnh đạo công ty và NLĐ. Công ty cổ phần Taekwang Vina (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc tại KCN Biên Hòa 2) là một trong những doanh nghiệp làm tốt công tác đối thoại và đã tạo được sự ổn định, thống nhất, đoàn kết trong một tập thể doanh nghiệp.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2017 toàn tỉnh có gần 900 doanh nghiệp tổ chức đối thoại nơi làm việc. Hoạt động đối thoại được tổ chức theo định kỳ hoặc đột xuất. Nội dung đối thoại tập trung vào các vấn đề tiền lương, thưởng, chế độ phúc lợi, môi trường, điều kiện làm việc, phương pháp quản lý của cán bộ chuyên gia nước ngoài...Qua đối thoại đã kịp thời giải quyết các kiến nghị của NLĐ đúng theo quy định của pháp luật, góp phần hạn chế các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và NLĐ.

Thực tế, làm được điều này không dễ dàng với một doanh nghiệp có số lượng lao động lên đến 35.000 công nhân đến từ nhiều vùng, miền khác nhau. Song, chính cách làm sáng tạo của CĐCS ở đây khi phối hợp với doanh nghiệp thiết lập hệ thống tiếp nhận và phản hồi thông tin đa chiều, kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh, giúp NLĐ và công ty tìm được tiếng nói chung.

Theo đó, CĐCS  đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa CÐCS với ban giám đốc công ty cùng các phòng ban, quy chế này nhằm thống nhất các chương trình hoạt động và phương pháp giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. Hàng tháng, CÐCS và công ty tổ chức tiếp xúc, lấy ý kiến trên 4.000 công nhân về mọi vấn đề liên quan đến đời sống, lao động, việc làm. Hàng tuần tổ chức họp mặt, tọa đàm với từ 50-100 công nhân tại các bộ phận để cùng lắng nghe ý kiến phản ánh và giải quyết thắc mắc, kiến nghị của NLÐ và hàng ngày, nhóm quan hệ lao động gặp gỡ, phỏng vấn 100 lao động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh chị em.

Cùng với đó, hàng tuần, đại diện ban giám đốc công ty cùng với ban chấp hành CÐCS tới các khu nhà trọ để tìm hiểu cuộc sống thực tế của NLÐ sau giờ làm việc; đồng thời lắng nghe, chia sẻ những khó khăn trong công việc và cuộc sống của họ. Các thùng thư góp ý được đặt ở vị trí thuận tiện để NLÐ dễ dàng đóng góp ý kiến.

Riêng Văn phòng Công đoàn luôn mở cửa và có cán bộ trực tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc của NLÐ một cách kịp thời. Cùng với việc trang bị sách báo tại phòng đọc và các xưởng sản xuất, hàng tháng công ty phát hành bản tin nội bộ đến toàn thể NLÐ với đầy đủ thông tin về tình hình công ty cũng như những chính sách, quy định mới của Nhà nước, của Công đoàn.

Ông Lee Hyung Jin, Phó tổng giám đốc Công ty CP Taekwang Vina cho biết: “Việc phát huy dân chủ tại nơi làm việc mang lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt là giúp cho công ty có được mối quan hệ lao động hài hòa, công nhân ổn định làm việc và mọi người đều phấn khởi vì tiếng nói của họ đã được công ty, Công đoàn lắng nghe và giải quyết kịp thời; họ cũng cảm thấy quyền làm chủ, quyền đóng góp ý kiến của mình được tôn trọng. Công ty CP Taekwang Vina hướng tới xây dựng tập thể hơn 35.000 NLÐ như những thành viên trong gia đình, giúp đỡ, yêu thương nhau”.

* Để “cầu nối” vững chắc

Mỗi năm ở Đồng Nai có cả trăm vụ tranh chấp lao động. Tuy nhiên, phần lớn những bức xúc, tranh chấp, khiếu nại của NLĐ thông qua đối thoại đã được giải quyết kịp thời, không để xảy ra những cuộc đình công, ngừng việc tập thể lớn, từ đó cầu nối niềm tin giữa doanh nghiệp và NLĐ ngày càng được củng cố.

Đối thoại là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa
Đối thoại là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa

Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều cán bộ CĐCS, để cầu nối niềm tin ngày một vững chắc thì trong các thỏa thuận đạt được phải sự hài hòa lợi ích giữa các bên. Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS ở Công ty CP Taekwang Vina, CĐCS phải là cầu nối cho các bên trong công tác đối thoại. Để đối thoại thành công, đặc biệt cần phải cởi mở lợi ích giữa các bên và xây dựng hài hòa mối quan hệ “kiềng ba chân” gồm doanh nghiệp – công đoàn - người lao động.

Nhiều năm làm công tác Công đoàn, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam (khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) chia sẻ, sau những gì làm được, giờ đây CĐCS công ty đã trở thành địa chỉ niềm tin của NLĐ trong các hoạt động chăm sóc và bảo về quyền lợi cho công nhân. Công ty TNHH Pousung Việt Nam là doanh nghiệp có đông lao động nhất huyện Trảng Bom với trên 25.000 người. Đảm bảo quyền lợi cho số đông lao động này là việc không dễ, nhưng bảo vệ hài hòa được lợi ích cho doanh nghiệp cũng là việc quan trọng. Xác định, CĐCS là tổ chức gần nhất với NLĐ và là kênh tiếp cận nhanh nhất với doanh nghiệp, là cầu nối tốt nhất để duy trì quan hệ lao động ổn định hài hòa và tiến bộ. Qua hiệu quả từ thực tế, tiếng nói của CĐCS công ty ngày càng có trọng lượng, chủ doanh nghiệp đã lắng nghe và giải quyết nhiều lợi ích cho NLĐ dựa trên đề xuất của CĐCS.

Để “cầu nối” ngày một vững chắc, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết: “Thực tế cho thấy, ở doanh nghiệp nào CĐCS có tiếng nói uy tín với ban giám đốc doanh nghiệp thì quyền lợi của NLĐ nơi đó được bảo vệ rất tốt”. Chính vì vậy, việc giúp cán bộ CĐCS có trình độ, kỹ năng thương lượng với chủ doanh nghiệp là rất quan trọng. Để cán bộ CĐCS có thể tự tin bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trước doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ CĐCS. Với những doanh nghiệp có đông lao động, khi xảy ra tranh chấp lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh lập tức có mặt để cùng với cán bộ CĐCS đối thoại và thương lượng với chủ doanh nghiệp.

Phương Liễu

Xem tiếp bài 3: Để trở thành mái ấm của người lao động

 

 

 

 

Tin xem nhiều