Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để "bà hỏa" xâm phạm rừng

07:03, 19/03/2018

Cháy rừng luôn gây những thiệt hại nghiêm trọng và khó lường. Vì vậy, phòng cháy và chữa cháy (PCCC) rừng rất cần sự hợp tác, liên kết của nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Cháy rừng luôn gây những thiệt hại nghiêm trọng và khó lường. Vì vậy, phòng cháy và chữa cháy (PCCC) rừng rất cần sự hợp tác, liên kết của nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở tại các địa phương thường xuyên luyện tập để xử lý tốt các tình huống cháy khi vừa xảy ra. ảnh: Tư liệu
Các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở tại các địa phương thường xuyên luyện tập để xử lý tốt các tình huống cháy khi vừa xảy ra. ảnh: Tư liệu

Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (phụ trách 2 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TX.Long Khánh) tăng cường nhiều biện pháp để chủ động phòng ngừa, bảo vệ an toàn cho diện tích rừng trong cao điểm mùa khô.

* Phát huy phương châm “4 tại chỗ”

Với nguyên tắc “phòng cháy hơn chữa cháy”, hàng năm Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tham mưu cho UBND huyện ban hành phương án quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng; phương án tác chiến mùa khô với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) về lực lượng, phương tiện, dụng cụ, nguồn nước và đường đi đến các khu vực trọng điểm, nhằm chủ động trong công tác chỉ huy chữa cháy rừng nếu xảy ra trên địa bàn.

Trung tá Đặng Doãn Thành, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, cho hay: “Toàn huyện Xuân Lộc có hơn 15.718 hécta rừng, trong đó có trên 546 hécta rừng tự nhiên, 15.172 hécta rừng trồng. Do làm tốt công tác PCCC rừng nên từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng vào quý I-2016 tại khu vực núi Chứa Chan. Vì núi nằm cao 837m so với mực nước biển, sườn dốc 30-35 độ, một số chỗ là vách đá dựng đứng, địa hình hiểm trở nên lực lượng PCCC không thể đưa các phương tiện chuyên dụng lên núi dập lửa; mọi người chỉ dùng dao rựa phát quang, dùng cây xanh và các bình xịt nước nhỏ mang trên người để dập lửa”.

Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm gồm: Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện làm phó ban, cùng với một số cơ quan, ban, ngành, chủ tịch UBND các xã, thị trấn của huyện làm thành viên. Ban chỉ huy phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ huy.

Hàng năm, các xã (thị trấn) có rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện đều xây dựng và tổ chức thực tập các phương án quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng; phương án tác chiến và thành lập các tổ, đội chữa cháy.

Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh, cho biết với những vùng có nguy cơ cháy cao, vào cao điểm mùa khô, lực lượng PCCC được phân công lịch trực 24/24 giờ để theo dõi, tiếp nhận thông tin cháy rừng; đồng thời chủ động về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

“Cùng với việc phân công rõ trách nhiệm tới từng tổ chức, cá nhân liên quan chuẩn bị các phương án chủ động đối phó và khắc phục nếu cháy rừng xảy ra, tăng cường lực lượng thường trực ở các chốt, trạm bảo vệ rừng để có thể phát hiện nhanh nhất các đám cháy xảy ra..., chúng tôi còn thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác trực PCCC rừng theo lịch” - ông Dũng cho hay.

Để làm tốt công tác PCCC rừng, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tham mưu cho UBND huyện ban hành danh mục các số điện thoại để liên lạc khi xảy ra cháy rừng. Nguồn nước phục vụ cho công tác PCCC rừng quan trọng nhất là hồ Núi Le và hồ Gia Ui, nguồn nước tự nhiên tại khu vực núi Chứa Chan và những giếng nước của người dân sinh sống và sản xuất quanh khu vực núi Chứa Chan.

Các cơ quan chức năng còn thường xuyên phối hợp kiểm tra công tác thi công các công trình phục vụ công tác PCCC rừng của các đơn vị, nhằm chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm.

* Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng

Cùng với các hoạt động chuyên môn, các đơn vị chức năng còn tổ chức tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn và người dân sống ven rừng; tổ chức tập huấn PCCC rừng cấp huyện; phối hợp Đài Truyền thanh huyện tổ chức tuyên truyền trên đài, loa công cộng; tuyên truyền lưu động các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức phổ biến và ký cam kết PCCC rừng cho các hộ dân sinh sống và sản xuất gần rừng, trong rừng và ven rừng tại khu vực núi Chứa Chan và khu vực rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Đoàn kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy rừng đi kiểm tra tại núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc. ảnh: Cảnh sát PCCC tỉnh cung cấp
Đoàn kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy rừng đi kiểm tra tại núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc. ảnh: Cảnh sát PCCC tỉnh cung cấp

Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, cơ quan chức năng của huyện phát 300 tờ rơi tại khu vực núi Chứa Chan, nhằm nâng cao nhận thức của khách tham quan. Các biển cấm lửa, pa-nô tuyên truyền pháp luật về các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt liên quan đến rừng và sử dụng lửa trong rừng được dựng lên khá dày.

Các cơ quan trong Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng phân công cán bộ theo dõi tình hình cấp dự báo cháy rừng được đăng trên website của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai và thông báo đến các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện; thực hiện xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn huyện, nhất là khu vực núi Chứa Chan.

Anh Huỳnh Văn Cảnh (ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, hộ gia đình giáp khu vực rừng núi Chứa Chan) chia sẻ: “Gia đình tôi sống giáp rừng nên thường xuyên được cán bộ các cấp đi nhắc nhở, tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa, tránh xảy ra cháy. Tôi cũng nhắc nhở các thành viên trong gia đình nếu phải sử dụng lửa ngoài trời, như: đốt rác, đốt cỏ… thì phải canh chừng và dập hẳn lửa trước khi rời đi”.

Anh Nguyễn Hoàng Trung (du khách tham quan núi Chứa Chan) cho biết anh thường xuyên nhận được sự nhắc nhở bằng biển tuyên truyền, hay trực tiếp từ các cán bộ làm công tác bảo vệ tại điểm tham quan về việc không để xảy ra cháy từ sự bất cẩn. Bởi, rừng không chỉ là lá phổi xanh cho khu vực, mà còn là nơi kiếm sống, nơi trồng trọt của rất nhiều người; nếu bất cẩn sẽ xảy ra sự cố khó lường.

Để đảm bảo an toàn trong PCCC rừng trong mùa khô cũng như trong thời gian tới, ngoài ý thức của các chủ rừng, bảo vệ rừng và Hạt Kiểm lâm liên huyện còn tổ chức tuần tra, canh gác, kiểm soát lửa rừng thường xuyên; chủ động xây dựng sớm các phương án, kế hoạch PCCC rừng, bảo vệ rừng đảm bảo tính khả thi cao; duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội xung kích chữa cháy cơ sở; đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra về PCCC rừng với các tổ chức, cá nhân có sử dụng rừng và đất rừng; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều