Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc phục tình trạng lười học chính trị, nghị quyết

07:03, 05/03/2018

Một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra là lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra là lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cán bộ chủ chốt của tỉnh nghiêm túc học tập, tiếp thu Nghị quyết hội nghị Trung ương 5, khóa XII tại điểm cầu Đồng Nai theo hình thức trực tuyến toàn quốc.
Cán bộ chủ chốt của tỉnh nghiêm túc học tập, tiếp thu Nghị quyết hội nghị Trung ương 5, khóa XII tại điểm cầu Đồng Nai theo hình thức trực tuyến toàn quốc.

Nơi nào cũng báo cáo tỷ lệ học tập nghị quyết đạt 97-98%, nhưng thực tế con số chưa hẳn nói lên chất lượng.

* Học đối phó

Đồng chí Nguyễn Thế Yến, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Mỹ nhận định lâu nay có tình trạng một số người đi học nghị quyết chỉ mang tính chất đối phó, đến ngồi cho có, không ghi chép, không chú ý báo cáo viên truyền đạt nội dung nghị quyết. Điều này biểu hiện qua hình thức người học nghị quyết làm việc riêng, chơi game, lướt web, nhắn tin... Một số người học được một lúc đã bỏ về với những lý do: lãnh đạo kêu về; làm việc với cơ quan cấp trên... Công tác quản lý, giám sát việc học tập nghị quyết hiện nay chưa tốt, còn nể nang nhau; khi bị nhắc nhở thì đưa ra nhiều lý do biện minh.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Yến, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Mỹ, tỉnh không nên hướng dẫn viết thu hoạch học nghị quyết như vừa qua, vì như thế chẳng khác nào là nguyên nhân khiến học nghị quyết lơ là. Cứ để người học tự viết thu hoạch xem nhận thức được gì qua việc học tập nghị quyết đó, nếu học tập nghiêm túc sẽ biết cái nào là cốt lõi, là trọng tâm, tự khắc phải động não, phải suy nghĩ. Các bài thu hoạch phải được đọc, xem người viết nêu ý kiến gì để cấp trên biết và tiếp thu, có như thế mới nâng cao chất lượng học tập nghị quyết...

Học tập nghị quyết không nghiêm túc, dẫn đến viết bài thu hoạch cũng không nghiêm túc, chiếu lệ, chung chung, sơ sài. Trong quá trình viết thu hoạch còn xuất hiện tâm lý là viết xong không ai đọc nên chỉ viết qua loa.

Nhằm nâng cao chất lượng học tập nghị quyết, Cẩm Mỹ đã có nhiều giải pháp. Trong đó, lãnh đạo chủ chốt nếu không viết thu hoạch sẽ bị hạ bậc phân loại đảng viên cuối năm. Đảng viên không giữ chức vụ, nếu không học nghị quyết hoặc học không nghiêm túc sẽ bị kiểm điểm ngay tại chi bộ đồng thời phải học lại nghị quyết. Vừa qua có 10 đảng viên khối cơ quan huyện bị kiểm điểm vì học tập nghị quyết không nghiêm túc.

Ở góc độ khác, đồng chí Phan Sương, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tân Phú nêu thực trạng nhiều nơi xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết không sát thực tế. Nghị quyết cấp trên viết thế nào, cấp dưới viết lại y như thế, chỉ thay đổi địa chỉ. Đặc biệt ở cấp xã, khi xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết thì giống nhau gần như 100%, trong khi các xã miền núi có đặc điểm tình hình khác, các xã dọc theo quốc lộ 20 có đặc điểm tình hình khác... Đồng chí cho biết việc xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết rất quan trọng, nếu xây dựng phù hợp tình hình địa phương, đơn vị có tác dụng rất lớn trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển.

* Học không nghiêm

Không chỉ lười học nghị quyết, cán bộ, đảng viên hiện nay còn lười học chính trị. Theo GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực trạng học chính trị hiện nay hết sức quan ngại. Nhiều trường hợp học đối phó, thi lấy bằng để thuận lợi trong nâng ngạch, bổ nhiệm, luân chuyển, quy hoạch. Khi ngồi học, có học viên mải lướt web, giảng viên gọi đến tên mình mà không hay biết. Nhiều lớp học có trang bị camera để giám sát, song có lúc camera bị bẻ, quay ra hướng khác.

GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết thời gian qua Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã cho biên soạn lại giáo trình, xây dựng nội dung giảng dạy bám sát thực tiễn đất nước. Song song đó, phương pháp giảng dạy cũng được đổi mới, dành nhiều thời gian cho thảo luận, hạn chế độc thoại. Mỗi đối tượng phải có một giáo án riêng, phù hợp từng đối tượng. Thi cử cũng đổi mới, ra đề mở để học viên phát huy tính tự giác, tự suy nghĩ.

“Đã đến lúc phải đẩy mạnh đào tạo tập trung để có những lớp chính trị thực sự chất lượng, nếu không khắc phục tình trạng học như vừa qua sẽ rất nguy hại. Đồng thời, phải xây dựng lại các hệ lớp đúng đối tượng, chức danh. Vì công tác đào tạo, bồi dưỡng là một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ” - GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khi đề cập đến các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đề cập: tập trung lãnh đạo chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học.

Phương Hằng

Tin xem nhiều