Báo Đồng Nai điện tử
En

10 năm làm việc nghĩa

07:03, 10/03/2018

Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày, nhưng đã 10 năm qua khi biết tin có ai đi trên đoạn đường từ xã Lộ 25 đến xã Xuân Thạnh, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) bị thủng lốp xe mà không tìm được chỗ vá lốp ven đường là ông Nguyễn Hữu Dũng tìm đến để vá hay thay ruột xe miễn phí.

Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày, nhưng đã 10 năm qua khi biết tin có ai đi trên đoạn đường từ xã Lộ 25 đến xã Xuân Thạnh, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) bị thủng lốp xe mà không tìm được chỗ vá lốp ven đường là ông Nguyễn Hữu Dũng tìm đến để vá hay thay ruột xe miễn phí.

Ông Nguyễn Hữu Dũng (ngụ ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) chuẩn bị bộ đồ nghề vá xe di động để đem theo lúc đi làm mướn phòng khi có ai thủng lốp xe để vá giúp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng (ngụ ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) chuẩn bị bộ đồ nghề vá xe di động để đem theo lúc đi làm mướn phòng khi có ai thủng lốp xe để vá giúp.

Việc làm của ông Dũng tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn vì giúp cho nhiều người thoát cảnh lo lắng, mệt nhọc khi chẳng may xe gặp sự cố trên đường vắng.

* Sẵn lòng làm việc nghĩa

“Khi tôi đi trên đoạn đường song hành với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) thì xe máy bị thủng bánh. Đoạn đường này vắng, nhà cửa thưa thớt nên không có tiệm sửa xe dọc đường. Khi thấy tôi gặp sự cố, người dân sống ven đường cho số điện thoại để gọi ông Dũng. Chỉ hơn 10 phút sau, ông Dũng đã có mặt để vá xe cho tôi. Khi vá xong, tôi hỏi tiền công thì ông Dũng nói chỉ vá giúp chứ không nhận tiền, dù tôi năn nỉ”- bà Nguyễn Thị Dung (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) kể.

Hành động của ông Dũng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bà Dung và những người từng được giúp đỡ vì vẫn còn đó những người có lòng tốt trong cuộc sống. Khi nghe bà Dung chia sẻ câu chuyện từng được mình giúp vá xe miễn phí, ông Dũng cười tươi rói. Ông tâm sự: “Mỗi khi vá xe, thay ruột xe giúp cho một người bị hư xe dọc đường để họ kịp về nhà, đi làm đúng giờ tôi vui lắm. Tôi làm việc này cũng xuất phát từ ý muốn như vậy thôi chứ không mong được ai đền đáp, trả tiền công bao giờ”.

Bên cạnh những chuyện vui, 10 năm qua ông Dũng cũng gặp không ít trường hợp “làm ơn mắc oán” khiến ông buồn phiền và đôi khi nản thôi không muốn làm việc nghĩa nữa. “Cách đây 2 năm, khi có việc đi ngang qua đoạn đường vắng trong lô cao su nối xã Xuân Thạnh qua Nông trường cao su Ông Quế (huyện Cẩm Mỹ), tôi thấy có một phụ nữ đẩy xe đi vì bánh sau xe bị thủng. Sẵn có đồ nghề vá xe lúc nào cũng mang theo nên tôi đến ngỏ lời giúp. Vậy nhưng người phụ nữ liếc mắt nhìn tôi và từ chối với giọng nói rất khó chịu” - ông Dũng nhớ lại.

Lúc đó ông Dũng cảm thấy tự ái nên có ý định bỏ đi. Nhưng nghĩ tới chuyện bản thân trước đây vì xe hư từng đẩy bộ một đoạn đường dài vừa mệt vừa sợ chuyện không may xảy ra dọc đường nên ông Dũng quyết định ở lại giúp. Ông giao điện thoại di động, bóp tiền, giấy tờ tùy thân cho người phụ nữ giữ, khi đó người bị thủng lốp xe mới chịu để ông giúp. Khi sửa xong, người này mới hiểu rõ việc làm tốt của ông và tỏ ý xin lỗi, trả tiền công nhưng ông nhất định không lấy.

* Mong được tiếp tục giúp người

Khi được hỏi suốt 10 năm vá xe miễn phí thì lấy tiền đâu mà mua đồ nghề vì cả 2 vợ chồng phải làm mướn để chạy ăn từng bữa, bà Trương Thị Lan Hương, vợ ông Nguyễn Hữu Dũng, cho hay: “Tiền làm mướn chồng tôi để dành rồi mua những miếng keo dán ruột. Còn ruột xe thì chồng tôi xin những cái ruột mới lủng một lỗ nhỏ về vá lại để thay cho những xe nào bị bể bánh. Đôi lúc có tiền thì chồng tôi cũng mua hẳn ruột mới để dành sẵn. Những việc này tôi luôn ủng hộ chồng mình”.

Cũng theo bà Trương Thị Lan Hương, vợ chồng bà vẫn chăm chỉ lao động để đảm bảo cuộc sống hàng ngày đồng thời thực hiện được điều mà cả 2 hằng mong muốn. “Vợ chồng chúng tôi chỉ mong cuộc sống được ổn định để có thể đi vá xe di động giúp cho người gặp sự cố trên đường”- bà Lan Hương nói.

Để thực hiện được nguyện vọng vì cộng đồng này, vợ chồng ông Dũng đã có tích góp để nuôi một bầy dê gần 20 con và trồng 2  sào tiêu. Cả 2 đều ước mơ khi nào tiêu cho thu hoạch và dê phát triển tốt, gia đình sẽ có của để dành. Lúc đó cuộc sống không phải lo lắng từng ngày nữa thì sẽ có thời gian tiếp tục làm việc nghĩa nhiều hơn.

Riêng ông Dũng có thêm mong muốn là mọi người hãy đối xử với nhau thật tốt, chân thành và trước khi hiểu rõ sự việc, dù sự cảnh giác không để bọn xấu lợi dụng là cần thiết nhưng hãy có những câu nói, thái độ, hành động chừng mực, đừng làm những người tốt sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn cảm thấy chạnh lòng.

Sông Thao

Tin xem nhiều