Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối thoại để tốt hơn

07:02, 22/02/2018

Với những vấn đề khó, bức xúc của người dân, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa trực tiếp đối thoại, cùng tìm cách giải quyết. Đó là nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền ở Biên Hòa trong thời gian gần đây.

Với những vấn đề khó, bức xúc của người dân, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa trực tiếp đối thoại, cùng tìm cách giải quyết. Đó là nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền ở Biên Hòa trong thời gian gần đây.

Đồng chí Phạm Anh Dũng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, trao đổi ý kiến với cán bộ Công đoàn và người lao động thành phố trong buổi đối thoại năm 2017.
Đồng chí Phạm Anh Dũng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, trao đổi ý kiến với cán bộ Công đoàn và người lao động thành phố trong buổi đối thoại năm 2017.

Chỉ trong năm 2017, Bí thư và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đã có đến 5 cuộc đối thoại với nhân dân và doanh nghiệp, xoay quanh các vấn đề “nóng” của thành phố, như: kẹt xe, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thoát nước đô thị, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tai nạn giao thông… Sau mỗi cuộc đối thoại, nhiều vấn đề đã được giải quyết.

* Tích cực chống ngập

Theo đồng chí Đoàn Việt Bách, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Biên Hòa, để đối thoại thành công và có ý nghĩa, thời gian tới TP.Biên Hòa tiếp tục lựa chọn những nội dung được đa số nhân dân quan tâm và những vấn đề liên quan đến chủ trương của địa phương mà nhân dân chưa đồng thuận cao, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Trong quá trình đối thoại, sẽ tạo không khí gần gũi, xóa khoảng cách giữa người lãnh đạo với người dân để cuộc đối thoại được thoải mái, cởi mở, chân tình, thẳng thắn, thu được nhiều ý kiến hay cho cấp ủy, chính quyền. Sau đối thoại, các ý kiến chính đáng của người dân phải được giải quyết thỏa đáng, nhanh chóng, không kéo dài làm giảm lòng tin của nhân dân.

Sau cuộc đối thoại với người dân về vấn đề trật tự đô thị, thoát nước diễn ra đầu năm 2017, cộng với trước đó vào năm 2016 đã có cuộc đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với người dân Biên Hòa về tình trạng ngập nước mùa mưa, lãnh đạo TP.Biên Hòa đã đẩy mạnh việc xử lý các điểm ngập nước trên địa bàn thành phố. Nếu như năm trước chỉ cần một trận mưa vừa là nhiều tuyến đường ở Biên Hòa như biển nước thì đến nay dù trời mưa to nhưng các điểm: ngã tư Lạc Cường, cầu Ông Gia trên đường Phạm Văn Thuận; khu vực cầu Săn Máu; cầu Xóm Mai; KP.11, phường Tân Hòa; KP.3, đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long; trên đường Nguyễn Ái Quốc - khu vực vào UBND phường Tân Tiến, chợ Tân Phong… đã hết ngập. Các điểm khác, như cuối đường Nguyễn Văn Tỏ (phường Long Bình Tân); hẻm Ngọc Hà (KP.1, phường Quyết Thắng); tổ 22, ấp Cầu Hang (xã Hóa An) đã hạn chế ngập. Hiện nay thành phố đang tiếp tục xử lý 30 điểm ngập nặng khác. Kinh phí xử lý ngập của thành phố thời gian qua lên tới cả trăm tỷ đồng.

Nhà bà Nguyễn Thị Hoàn (KP.3, phường Bình Đa) nằm gần giao lộ Trần Quốc Toản và Vũ Hồng Phô là khu vực khá trũng. Khi trời mưa, nước chảy về chỗ trũng làm tràn vào nhà cửa các hộ dân sống trên đường Trần Quốc Toản. Hôm nào người nhà bà Hoàn đi vắng, không di dời được đồ đạc là coi như hư hết. Nước còn cuốn theo rác thải sinh hoạt của các hộ dân 2 bên đường làm tràn ngập mặt phố. Từ tháng 8-2017 khi thành phố xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Trần Quốc Toản, các hộ dân KP.3 không còn lo sợ khi mưa vì đã hết ngập.

Bên cạnh đó, thời gian qua Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và phường, xã tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị. Kết quả có 6.685 trường hợp bị xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, từng bước xây dựng vẻ đẹp mỹ quan thành phố.

* Không còn học ca 3

Tại buổi đối thoại với công chức, viên chức và người lao động, nhiều ý kiến mong muốn lãnh đạo thành phố quan tâm nhà ở, chỗ học hành, vui chơi... cho công nhân và con em. Đồng chí Thi Văn Dũng, Phó bí thư Thành ủy Biên Hòa, cho biết những năm trước đây Biên Hòa “nóng” với việc học ca 3 vì tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, tạo áp lực cho địa phương. Thành phố đã đầu tư khá nhiều ngân sách để xây dựng trường lớp cho học sinh học tập.

Năm học 2017-2018, một loạt trường học ở Biên Hòa đã được xây mới, như các trường tiểu học: Tam Phước 2, Phan Chu Trinh, Phước Tân, Hòa Bình, Nguyễn Thị Sáu, Tam Phước 4; các trường THCS: Trảng Dài 2, Tân Hạnh, Bình Đa. Thành phố cũng có các giải pháp tạm thời, như bố trí 16 lớp học của Trường tiểu học  Phan Đình Phùng (phường Long Bình) sang học tại cơ sở cũ của Trường THCS Bình Đa; Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình) tiếp tục mượn Trường THCS Hoàng Văn Thụ để bố trí chỗ học cho 6 lớp trong khi chờ triển khai xây thêm 12 phòng học trên đất hiện hữu... Từ các nỗ lực trên, đến nay Biên Hòa đã xóa được tình trạng học ca 3.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai sử dụng phần mềm quản lý theo dõi hoạt động của cán bộ, công chức và phần mềm quản lý đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa của thành phố và phường, xã. Theo đó, đã giải quyết đúng hạn hơn 93% hồ sơ tại bộ phận một cửa liên thông hiện đại của thành phố và phường, xã.

Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Biên Hòa Đoàn Việt Bách cho hay thời gian tới Biên Hòa sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định 728 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân để kịp thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, xem xét giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

Phương Hằng

Tin xem nhiều