Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam không phân biệt tôn giáo

07:12, 09/12/2017

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chủ đề "Trí tuệ - kỷ cương - hội nhập - phát triển" vừa thành công tốt đẹp. Trước và sau khi đại hội diễn ra, trên một số diễn đàn đã xuất hiện luận điệu cho rằng Nhà nước Việt Nam phân biệt tôn giáo, rằng chính quyền Việt Nam ưu ái cho Phật giáo và đàn áp các tôn giáo khác...

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chủ đề “Trí tuệ - kỷ cương - hội nhập - phát triển” vừa thành công tốt đẹp. Trước và sau khi đại hội diễn ra, trên một số diễn đàn đã xuất hiện luận điệu cho rằng Nhà nước Việt Nam phân biệt tôn giáo, rằng chính quyền Việt Nam ưu ái cho Phật giáo và đàn áp các tôn giáo khác...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới gặp gỡ, động viên đoàn đại biểu Đồng Nai tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới gặp gỡ, động viên đoàn đại biểu Đồng Nai tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.

Không thể phủ nhận rằng từ khi du nhập vào` Việt Nam và gắn bó với quá trình phát triển của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã có công lao to lớn đối với đất nước và dân tôc và luôn đồng hành cùng dân tộc. Thế nhưng, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là cả sự hy sinh vô bờ bến của các thế hệ người Việt Nam, trong đó có đồng bào của các tôn giáo khác như: Công giáo, Hồi giáo... Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chủ trương và chính sách luôn luôn nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân và tôn trọng tất cả các tôn giáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động và phát triển.

Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố trước thế giới về quan điểm, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của mình, đó là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng tôn giáo. Hành vi bị nghiêm cấm: cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân…

Về quy định điều kiện thời gian để công nhận tổ chức tôn giáo: tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ được công nhận. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo.

Thực tế, ở Việt Nam hiện nay tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Nhiều ngày lễ trọng của nhiều tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng. Mọi người dân Việt Nam đều có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. Ở Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Tất cả các tôn giáo được Nhà nước cấp phép và hoạt động đúng pháp luật đều được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, truyền đạo, in ấn, phát hành kinh sách, đào tạo - giáo dục...

Vì vậy, không thể nói Việt Nam ưu ái tôn giáo này mà kỳ thị và gây khó khăn cho tôn giáo kia và ngược lại. Có thể nói, chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở Việt Nam sôi động như hiện nay.

Viết Phước

Tin xem nhiều