Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống tham nhũng không thể ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý"

09:11, 08/11/2017

Sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng chống tham nhũng.

Sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng chống tham nhũng.

Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo dõi phiên họp qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp, cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hưng Yên đánh giá cao sự thảo luận thẳng thắn của các đại biểu. 

Không tiếp tay cho "tham nhũng vặt" 

Đối với cán bộ tham nhũng là người đứng đầu, cần đưa ra khỏi Đảng, cách chức vụ không cho làm quản lý, thu hồi tài sản thất thoát. Với cán bộ "tham nhũng vặt," cần có hình thức xử lý triệt để ngay từ ban đầu." Đây là những ý kiến tâm huyết của cử tri Hưng Yên qua theo dõi phiên thảo luận.

Cử tri Nguyễn Văn Ba (cựu chiến binh ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho rằng ý kiến thảo luận của các đại biểu về hiện tượng "tham nhũng vặt" là vấn đề nhức nhối mà dư luận quan tâm. Hiện nay, phòng chống tham nhũng vẫn chỉ "nóng trên lạnh dưới," Trung ương làm mạnh nhưng cấp dưới chưa quyết liệt. 

Bên cạnh những vụ việc vi phạm lớn, vấn đề nhân dân quan tâm là xử lý cán bộ "tham nhũng vặt” làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. 

Để ngăn chặn nạn "tham nhũng vặt," cần có chế tài, vận động người dân mạnh dạn tố cáo, không tiếp tay cho cán bộ có hành vi nhũng nhiễu. Bởi tâm lý nhiều người dân khi đến với các cơ quan công quyền là muốn cho được việc, không muốn bị làm khó nên buộc phải "lót tay, bôi trơn." Kéo theo "tham nhũng vặt" ban đầu chỉ là hiện tượng, lâu dần thành bản chất và khó ngăn chặn. Hiện nay, tình trạng "tham nhũng vặt" tràn lan ở ngành nào, địa phương nào cũng có. Dù ai cũng biết nhưng không được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát và xử lý. 

Ông Nguyễn Văn Ba đề nghị các cơ quan chức năng cần kỷ luật nghiêm đối với cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, hạch sách để "tham nhũng vặt," đưa ra các hình thức xử lý như: đuổi việc, điều chuyển sang vị trí công việc không có cơ hội để tiếp xúc với dân... 

Mặt khác, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Đáng chú ý là do chưa được bảo vệ nên người đấu tranh chống tham nhũng thường bị đơn độc, phần lớn người dân khi gặp "tham nhũng vặt" đều né tránh do chưa được khuyến khích mạnh dạn tố cáo hoặc đã có tố cáo nhưng không được xử lý, vì đối tượng tham nhũng khi bị phát hiện lại có hành vi chạy tội và được bao che, gây mất niềm tin trong nhân dân. 

Không xử lý theo hình thức "phạt cho tồn tại" 

Về xử lý các vi phạm trong phòng chống tham nhũng, cử tri Phạm Ngọc Huy (cán bộ hưu trí ở phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên) nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề "phạt cho tồn tại," trong đó, chế tài xử phạt còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe, dẫn đến nhờn luật. 

Các đối tượng vi phạm cứ nhận hình thức kỷ luật và khi có cơ hội lại tiếp tục vi phạm bằng thủ đoạn tinh vi hơn. Ông Huy bày tỏ lo ngại khi cán bộ vi phạm, việc xử lý là điều chuyển công tác, người dân không tâm phục khẩu phục, bởi tài sản tham nhũng vẫn không bị thu hồi, tài sản của Nhà nước vẫn thất thoát. Với những cán bộ vi phạm, cần phải đưa ra khỏi Đảng, cách mọi chức vụ; đồng thời thu hồi tài sản tham nhũng để làm gương cho cán bộ khác.

Cái khó trong phát hiện, xử lý tham nhũng hiện nay là việc né tránh, bao che cho nhau xảy ra ở không ít cơ quan đơn vị cấp cơ sở. Một phần do ngại va chạm, muốn "dĩ hòa vi quý" nên dễ dàng bỏ qua, hoặc có xử lý cũng chỉ là "rút kinh nghiệm sâu sắc." Ở nhiều nơi, hiện tượng cả nhà làm quan, cả họ làm lãnh đạo, rồi mối quan hệ dây dợ, thân hữu, lợi ích nhóm cũng làm cho vấn đề chống tham nhũng khó thực hiện. 

Với hiện tượng trên, ông Phạm Ngọc Huy cho rằng các tổ chức Đảng cần coi trọng việc kiểm tra giám sát để phát hiện đảng viên, cán bộ trong cấp ủy có vi phạm hay không, để kịp thời uốn nắn và ngăn chặn. Đấu tranh chống tham nhũng đối với người đứng đầu cần phải có sự đoàn kết trong tập thể cấp dưới, có sự nghiêm minh của cơ quan cấp trên. 

Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, thi hành án dân sự 

Theo cử tri Hoàng Điệp (phường 7, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về các vấn đề "nóng" của xã hội giúp người dân theo dõi, thêm hiểu các vấn đề và cùng Quốc hội tìm giải pháp. 

Quan tâm về công tác thi hành án dân sự, cử tri Hoàng Điệp cho rằng các quy định của pháp luật về công tác thi hành án dân sự đều đã được quy định cụ thể, tuy còn một số bất cập nhưng việc bất cập đó có thể được kiến nghị sửa đổi từ thực tiễn. Quan trọng nhất vẫn chính là những người trực tiếp thực hiện việc thi hành án. Nếu những người có trách nhiệm làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không vô cảm với người dân, công tác thi hành án mới hiệu quả. 

Đối với tình trạng các vụ xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em có dấu hiệu gia tăng, cử tri Hà Thị Thúy Lan (cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) nêu các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề này là rất cấp bách. 

Cụ thể, cần hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục. Thầy cô giáo và các bậc phụ huynh có vai trò rất quan trọng, thường xuyên giáo dục, chia sẻ, quan tâm, cảm thông với trẻ để phát hiện các biểu hiện của hành vi xâm hại tình dục trẻ em. 

Công tác tuyên truyền cần có sự đổi mới, đa dạng. Việc tổ chức phiên tòa giả định về chuyên đề xâm hại tình dục đối với trẻ em, được tổ chức dành cho các em học sinh từ độ tuổi 11-15 tại một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ, cần được nhân rộng.

Cử tri Hà Thị Thúy Lan cho rằng đối với loại tội phạm này, việc thu thập chứng cứ là rất khó khăn. Trong thời gian qua, các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án đã rất tích cực trong đấu tranh phòng chống tội xâm hại tình dục trẻ em. 

Cử tri tán thành với đề xuất của các cơ quan tư pháp rằng cần xây dựng một cơ chế đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này./.

MAI NGOAN-THÀNH CHUNG (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều