Báo Đồng Nai điện tử
En

Mô hình tuyên truyền pháp luật cần được nhân rộng

07:11, 09/11/2017

Đoàn viên thanh niên đến từ Đoàn khối các cơ quan tỉnh vừa tổ chức một phiên tòa giả định đầy ý nghĩa cho học sinh Trường THPT Xuân Lộc.

Đoàn viên thanh niên đến từ Đoàn khối các cơ quan tỉnh vừa tổ chức một phiên tòa giả định đầy ý nghĩa cho học sinh Trường THPT Xuân Lộc.

Phiên tòa giả định diễn ra tại Trường THPT Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) (Ảnh: Nga Sơn)
Phiên tòa giả định diễn ra tại Trường THPT Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) (Ảnh: Nga Sơn)

Bị cáo của vụ án giả định là Nguyễn Văn Trí sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều làm kinh doanh bận rộn nên thường bù đắp tình cảm, sự quan tâm chăm sóc bằng cách đáp ứng mọi nhu cầu của Trí. Đua đòi, muốn thể hiện mình nên mới 17 tuổi, Trí đòi cha mẹ mua xe máy cho bằng bạn bằng bè. Dù biết Trí chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn, chưa có giấy phép lái xe, ông Nguyễn Văn Tý, cha của Trí, vẫn đồng ý mua và giao cho Trí điều khiển xe mô tô có phân khối lớn.

Ngay sau khi được giao xe, Trí trốn học, rủ bạn bè đi “rửa xe’’ bằng rượu bia. Khoảng 14 giờ 45 ngày 17-7-2017, Trí điều khiển xe mô tô đi ngược chiều và gây tai nạn khiến anh Nguyễn Văn Đạt đang điều khiển xe đúng phần đường quy định bị thương tật với tỷ lệ 70%. Gia đình Trí phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị thương tật cho gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Đạt số tiền 200 triệu đồng.

Theo dõi bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của Trí, em Văn Thị Thùy Trang, học sinh lớp 12A8, cho biết: “Ban đầu em cứ nghĩ sau khi gây ra tai nạn, bồi thường thương tật là xong. Nhưng khi xem tiếp phiên tòa giả định, nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện đọc cáo trạng em mới thấy không phải như vậy. Cha con Trí không chỉ phải bồi thường thương tật cho nạn nhân mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Trong bản cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện tại phiên tòa giả định, bị cáo Nguyễn Văn Trí điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép xe, sử dụng rượu bia khi lái xe và đi ngược chiều quy định... đã phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’’ theo quy định tại Điều 202, Khoản 2, Điểm a, b Bộ luật Hình sự.

Còn với hành vi của ông Tý đã phạm vào tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Khoản 1, Điều 205 Bộ luật Hình sự. Gần kết thúc phiên tòa, được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Trí được nói lời sau cùng với thái độ vô cùng ăn năn. Nhưng tất cả đã quá muộn, hình phạt 18 tháng tù giam với một bị cáo là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường như Trí là cái “giá” không hề rẻ.

Anh Vy Hoài Vũ, Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh, cho biết mô hình này được Đoàn khối các cơ quan tỉnh triển khai từ năm 2015. Đây là phiên tòa giả định thứ 3 được tổ chức. So với một phiên tòa thật thì phiên tòa giả định có thêm phần sân khấu hóa, kèm video nói về bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo nhằm tạo sự hấp dẫn với học sinh. Sau phiên tòa giả định, còn có thêm phần trả lời câu hỏi về những điều luật đã được đề cập trong phần phiên tòa giả định để đánh giá hiệu quả tuyên truyền.

Nga Sơn

Tin xem nhiều