Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc phục tình trạng xét xử kéo dài đối với các vụ tham nhũng kinh tế

10:11, 18/11/2017

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, sáng 18/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến các đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử trong năm 2017...

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, sáng 18/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến các đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử trong năm 2017; giải pháp để khắc phục tình trạng xét xử kéo dài đối với các vụ án tham nhũng kinh tế, chức vụ lớn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã tham gia giải trình thêm về vấn đề này. 

* Tăng cường phối hợp nghiệp vụ giữa các cơ quan tư pháp 

Chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ giải pháp để khắc phục tiến độ chậm, kéo dài trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại án kinh tế tham nhũng. 

Giải trình về vấn đề này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua còn có một số hạn chế, chưa đáp ứng được mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân; một số vụ án điều tra còn chậm về thời gian. 

Lý giải nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm tham nhũng là tội phạm đặc biệt, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng, nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra. 

Tham nhũng thường được nhiều người thực hiện, thời gian diễn ra khá lâu, được che đậy bởi nhiều hình thức khác nhau, đối tượng tham gia có liên kết chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín. Các đối tượng thường cất giấu tài sản, tài liệu chứng cứ khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. 

Việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, qua nhiều cơ quan chức năng nên thời gian kéo dài. 

Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định kế toán, tài chính... còn nhiều bất cập, vướng mắc dẫn đến thời hạn điều tra kéo dài, đặc biệt có vụ chưa xử lý được. 

Một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu, chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong xác định hướng xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, phải trả hồ sơ điều tra, bổ sung nhiều lần. 

Bên cạnh đó công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn một số hạn chế. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán, tòa án, kiểm sát, hải quan... đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, đẩy nhanh điều tra các vụ án, tránh tình trạng vụ án kéo dài, điều tra lại nhiều lần. 

Về vấn đề đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng đưa ra quyết định khởi tố, theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc cơ quan Công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn là thực hiện quy định của pháp luật. 

Sau khi có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng truy bắt bằng được đối tượng để phục vụ công tác điều tra, xét xử, thi hành án. 

Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện đối tượng nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trong tổng kết thực tiễn đấu tranh chống tội phạm cho thấy đã có một số trường hợp đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố đã bỏ trốn ra ngoài cũng gây khó khăn trong điều tra. 

Chính vì thế, trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung, sửa đổi một số quy định. 

* Ngăn chặn lạm dụng giám định để kéo dài xử lý án tham nhũng 

Tham gia giải trình, làm rõ hơn phần tranh luận của đại biểu Lê Thị Nga vì sao có tình trạng nhiều án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ chuyển tội danh, liệu có bỏ lọt tội phạm hay không và đặc biệt tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua có sự chuyển biến rõ nét, nhiều vụ án đưa ra đã được xét xử nghiêm minh. 

So với các án khác, án tham nhũng chức vụ hiện nay đang là loại án bị kéo dài, trả hồ sơ bổ sung nhiều lần. Thực trạng này do trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, trong đó có Viện Kiểm sát. 

Lý do Viện trưởng Lê Minh Trí đưa ra là các vụ án này thuộc án truy xét (hành vi thực hiện phạm tội tới thời điểm phát hiện dài, xảy ra trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước), đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể quan hệ để tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án... 

Vấn đề này đặt ra khó khăn phổ biến là giám định tư pháp, ví dụ như vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở. 

Theo Viện trưởng, tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, kiến thức chuyên môn của các cơ quan tố tụng còn hạn chế. Có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được. 

Vì thế Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra chủ trương: Điều tra rõ tới đâu, truy tố, xét xử tới đó, phần còn lại đưa vào vụ án khác. Xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm. 

Ngoài ra, việc kéo dài án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án... 

Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau.

"Những quy định mới trong quản lý kinh tế, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đặt ra yêu cầu thực thi cao hơn cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi nhận thức việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát... Ngoài ra, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình," Viện trưởng nói. 

Để giải quyết tình trạng kết quả giám định ngăn cản, gây kéo dài thời gian xử lý nhiều vụ án tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết Viện Kiểm sát nhân dân tối c​ao đã có kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng; chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng thông tư liên tịch quy định hướng dẫn về các trường hợp cần thiết giám định trong giải quyết án tham nhũng kinh tế chức vụ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này; đặc biệt là ngăn chặn việc lạm dụng giám định để ngăn trở, kéo dài việc giải quyết vụ án, quyết định không chính xác, không khách quan, giám định bổ sung, giám định lại. 

Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành trước 1/1/2018. 

* Khởi tố tại tòa chỉ có 12 vụ 

Về vấn đề chống bỏ lọt tội phạm, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đặt câu hỏi qua xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp phát hiện được bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà hội đồng xét xử khởi tố tại tòa và trong năm 2017 tòa án nhân dân tối cao đã khởi tố được bao nhiêu vụ để chống bỏ lọt tội phạm.

Sau khi khởi tố, ngành tòa án có theo dõi được các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo không và đến nay các vụ án do tòa án khởi tố đã đạt được kết quả như thế nào. 

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, trong quá trình xét xử, tòa có quyền khởi tố vụ án, bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố. 

Việc khởi tố mặc dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ các điều kiện mới khởi tố. Do đó, hội đồng thẩm phán thường chọn kiến nghị viện kiểm soát khởi tố, trừ những vụ có dấu hiệu rõ ràng. 

"Đây là giải pháp an toàn của thẩm phán. Riêng khởi tố tại tòa từ trước đến nay là 12 vụ, đây là con số khá khiêm tốn," Chánh án cho biết. 

Trong quá trình xét xử, theo dõi quyết định khởi tố, Tòa án nhận được sự hợp tác của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đối với các vụ việc tòa khởi tố ngay tại tòa.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ như vụ Oceanbank, tòa đã thực hiện khởi tố ngay tại tòa. 

Hay vụ Trịnh Xuân Thanh, tòa bổ sung khởi tố Trịnh Xuân Thanh ở tòa phúc thẩm về hành vi tham ô hàng chục tỷ đồng. Ngoài Trịnh Xuân Thanh cũng bổ sung khởi tố thêm 3 bị can khác. 

* 4 vấn đề rút ra từ công tác xét xử vụ Hà Văn Thắm 

Đánh giá liên quan đến công tác xét xử vụ Hà Văn Thắm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định dư luận đánh giá tòa đã công khai, minh bạch, tranh luận đến cùng; xử nhân văn, nhân đạo với những người làm công ăn lương nhưng rất nghiêm khắc với những người chỉ huy, cầm đầu. 

Đây là vụ án kinh tế lớn, Hội đồng xét xử đã tuyên đến 34 án treo. Đây là những người trẻ, mới ra trường, làm công ăn lương, không được hưởng lợi về tài sản, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục sai phạm.... 

Theo đánh giá của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, có 4 vấn đề được rút ra từ vụ án này. Đó là xác định đúng tội danh. Tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất, Tòa đã trả lại hồ sơ để Viện kiểm sát xác định đúng tội danh.

Và lần thứ 2, Viện kiểm sát đã xác định được đúng tội danh tham ô. Việc tranh tụng trong vụ án này là công khai, minh bạch, không hạn chế số lượng người tham gia. 

Bản án rất nghiêm minh đối với bị cáo đứng đầu và nhân văn đối với những người lần đầu phạm tội và ở mức độ nhẹ, thành khẩn khai báo. 

Hội đồng xét xử đã làm hết chức năng của mình, bên cạnh tuyên bản án rất nghiêm minh, trách nhiệm dân sự cũng trọn vẹn, khởi tố vụ án ngay tại tòa và kiến nghị các cấp xử lý các cán bộ khác. 

* Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình liên quan đến lời khai của bà Châu Thị Thu Nga 

Về vụ án Châu Thị Thu Nga (nguyên đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án giải trình về việc "có thông tin cho rằng tại phiên toà bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, nhưng toà không cho khai; cần nói rõ cho người dân hiểu."

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết việc Chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra, theo quy định của luật là được phép. 

Trên thực tế, Tòa đã tách án rất nhiều. Nếu tình tiết mới xuất hiện trong phiên tòa mà không có quyết định tách án thì trách nhiệm của Hội đồng xét xử phải làm rõ tình tiết. 

Nhưng do đã được tách án, nên Hội đồng thẩm phán được phép không cần làm rõ nữa. Đây là quy định pháp luật, thông lệ bình thường, không có gì khác biệt.

Với tình tiết như vậy, cơ quan điều tra tách án là cần thiết. Cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ liên quan vấn đề này, sau đó sẽ có phiên tòa công khai khác - Chánh án cho biết. 

* Chánh án đã trả lời thẳng thắn, cụ thể, rõ ràng 

Kết luận phiên chất vấn đối với Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, trong thời gian qua, công tác tư pháp nói chung, công tác của ngành Tòa án nói riêng luôn dành được sự quan tâm của Quốc hội cũng như cử tri cả nước. Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về lĩnh vực này. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân tối cao đã nắm chắc nhiều tình hình và thực trạng, trả lời thẳng thắn, cụ thể, rõ ràng, không né tránh và làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu. 

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, công tác xét xử của Tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành Tòa án đã được nâng lên. 

Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn không ít những tồn tại hạn chế xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành Tòa án cần phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là các ý kiến chất vấn để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến các nội dung đã được chất vấn. 

Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: khẩn trương, chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo kịp thời quy định mới sớm được thực thi đầy đủ và được áp dụng thống nhất. 

Các cơ quan chức năng tuân thủ nghiêm nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng công khai tại tòa; có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án và hạn chế tối đa các bản án quyết định bị hủy, bị sửa do vi phạm quy định của pháp luật. 

Về vụ án, vụ việc phải xử đi, xử lại nhiều lần, cơ quan chức năng phải phấn đấu để không xảy ra việc kết án oan sai người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; khắc phục triệt để việc tuyên án không rõ ràng và chấm dứt sớm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định.../.

XUÂN TÙNG-PHÚC HẰNG (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều