Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới để không tụt hậu

10:11, 29/11/2017

Ngày 29-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Ngày 29-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.
Lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương...

Tại điểm cầu Đồng Nai, có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên ủy viên Ban TVTU; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương...

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, nêu rõ các nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 6 ban hành là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước, vừa cơ bản vừa cấp bách, là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết đại hội XII của Đảng đề ra… Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu quán triệt các nghị quyết không chỉ đòi hỏi phải nắm chắc, sâu sắc các nội dung nghị quyết mà mỗi tập thể, cá nhân liên hệ tình hình cụ thể địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch hành động, nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống.  Trong quá trình học, cần kiên quyết đấu tranh những ý kiến không mang tính xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, gây trở ngại cho quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết.

*  Bộ máy cồng kềnh

Chiều 29-11, các đại biểu nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, quán triệt Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Sáng 30-11, hội nghị tiếp tục học tập quán triệt Nghị quyết 20 về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết 21 về “Công tác dân số trong tình hình mới”.Lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.

Sau phần khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính đã quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng chí cho biết, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về tổ chức bộ máy, kết quả đạt được rất quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tổ chức bộ máy của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, còn cồng kềnh, chồng chéo nhiều tầng lớp và hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Sau 30 năm đổi mới đất nước, từ chỗ cả nước có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nay có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (tăng 19 tỉnh). Số đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã cũng tăng (tăng 178 đơn vị cấp huyện và 1.136 đơn vị cấp xã). Những năm gần đây, đã giảm được 1 đơn vị cấp tỉnh là Hà Tây nhưng xu hướng chung chỉ có tách ra chứ không nhập vào. Một thực trạng nữa là số bộ và cơ quan ngang bộ hiện nay quá nhiều; số cục cũng nhiều, đến 42 tổng cục, tăng 2 lần so với năm 2011. Các cơ quan tham mưu giúp việc ở địa phương cũng tăng đến 162 đầu mối cấp phòng.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan không rõ, có việc mà đến 3 cơ quan cùng quản lý. “Ai cũng muốn cống hiến, muốn làm việc, muốn thể hiện nhưng cống hiến thế nào, hiệu quả ra sao mới là điều quan trọng, điều này nên suy nghĩ”- đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng chí còn nêu, hiện nay ở đâu cũng có bộ máy như nhau là điều chưa phù hợp thực tế. Việt Nam có 80 huyện đảo, ở những huyện này, ví dụ tòa án, viện kiểm sát cả năm không có việc gì làm nhưng bộ máy tổ chức như đất liền. Đồng chí nêu tiếp ví dụ, trước đây quyết định Hà Tây vào Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng rất khó khăn nhưng quyết tâm làm, đến nay thấy là chủ trương đúng đắn, thành công, hiệu quả. Đây là bài học sinh động, việc lớn như vậy còn làm được thì cái nhỏ chúng ta cũng làm được.

* Biên chế phình ra

Bộ máy cồng kềnh, tất yếu biên chế không thể giảm. Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết 39, ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Theo nghị quyết, đáng lẽ mỗi năm phải giảm 70 ngàn biên chế thì mới theo đúng tiến độ, nhưng 2 năm qua, biên chế không giảm mà lại tăng đến 96 ngàn người.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương quán triệt quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW
Đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW. Ảnh: Huy Anh

Tính đến ngày 1-3-2017, cả nước có 4 triệu người (chưa tính quân đội, công an) hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách. Nhiều nơi hiện nay có tình trạng thừa cấp phó, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó. Thậm chí có đơn vị 44/46 người là lãnh đạo; có nơi lại 100% là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Chúng ta đang lạm phát cấp phó, hiện cả nước có khoảng 21,7 ngàn cấp phó, trong khi nhiều nước đã bỏ cấp phó để nâng cao sự điều hành của người đứng đầu, không phải qua khâu trung gian, cứ có khâu trung gian là phải qua một khớp, mà nhiều khớp khó chạy.

Con người tăng, biên chế tăng làm cho nền kinh tế rất vất vả. Những năm qua, chi lương và phụ cấp chiếm 53% chi thường xuyên. Chi thường xuyên tăng làm cho chi đầu tư phát triển giảm, trong lúc nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước rất lớn, bắt buộc phải đi vay. Chỉ có giảm chi thường xuyên để không tăng nợ công, nếu không giải quyết được vấn đề thì cái yếu kém này níu kéo cái kia.

Đồng chí Phạm Minh Chính đưa ra phép tính, theo mục tiêu Nghị quyết của Trung ương từ nay đến năm 2021, giảm 10% biên chế, nếu vậy sẽ giảm được 400 ngàn biên chế và giảm chi thường xuyên khoảng 5%, sẽ được 45 ngàn tỷ đồng. Nếu giảm được như vậy, thì việc xây dựng Sân bay Long Thành nhẹ nhàng.

Trong tình hình mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải đổi mới tổ chức bộ máy, thích ứng với hội nhập sâu rộng, không đổi mới thì tụt hậu. Bộ máy của chúng ta phải khai thác được thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, nếu không thích ứng điều kiện mới, người dân dễ bị thiệt thòi.

Phương Hằng

Tin xem nhiều