Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo Đảng góp phần xây dựng nếp sống văn minh

07:11, 25/11/2017

"Cần lấy cái đẹp để đẩy lùi cái xấu..." - đó là quan điểm được lãnh đạo các cơ quan báo chí đồng tình tại hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng với chủ đề "Báo Đảng góp phần xây dựng nếp sống văn minh".

Cần lấy cái đẹp để đẩy lùi cái xấu đang làm méo mó đi nếp sống văn minh vốn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đó là quan điểm được lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự hội thảo đồng tình tại hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng với chủ đề “Báo Đảng góp phần xây dựng nếp sống văn minh” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 23-11.

Lãnh đạo các báo trao đổi bên hội thảo Xây dựng nếp sống văn minh với Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Thân Thị Thư (giữa). Ảnh: C.NGHĨA
Lãnh đạo các báo trao đổi bên hội thảo Xây dựng nếp sống văn minh với Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Thân Thị Thư (giữa). Ảnh: C.NGHĨA

Hội thảo lần này ngoài 7 cơ quan báo chí miền Đông Nam bộ còn có sự tham dự của 12 cơ quan báo chí các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long với trên 150 đại biểu tham dự. Lãnh đạo các cơ quan báo chí dự hội thảo đã chia sẻ nhiều góc nhìn, cách tuyên truyền xây để dựng nếp sống văn minh trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế thị trường với nhiều thách thức.

* Trăn trở với nếp sống văn minh

Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh khẳng định xây dựng nếp sống văn minh là việc làm rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại, được nhắc nhiều nhưng tiến triển chưa nhiều. Còn rất nhiều trăn trở khi không khó để bắt gặp những hình ảnh, hành động, việc làm phản cảm trong cuộc sống hàng ngày. Đơn giản như chuyện vứt rác ra đường; việc cưới, việc tang còn tổ chức rình rang, thậm chí việc tang lễ kéo dài vài ngày, âm thanh quá lớn làm ảnh hưởng tới mọi người.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Thân Thị Thư: Văn hóa là nền tảng, là gốc rễ của sự phát triển

Để xây dựng được nếp sống văn minh thì phải chú trọng đầu tư cho phát triển văn hóa. Văn hóa là nền tảng, là gốc rễ của sự phát triển. Trong quá trình xây dựng, phát triển, nếu không coi trọng việc đầu tư phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội thì sự phát triển đó sẽ không thể nào bền vững, không thể nào xây dựng được nếp sống văn minh.

Nhà báo Trần Huy Thanh cho rằng muốn nếp sống văn minh ngày càng rõ nét hơn trong cuộc sống cần phải có nhiều con người có văn hóa, có cách ứng xử văn minh, cụ thể là cách sống biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Và báo chí cần phải là lực lượng đi đầu trong phát hiện, tuyên truyền nhân rộng điển hình trong xây dựng nếp sống văn minh.

Bên cạnh đó, báo chí cần phê phán nghiêm khắc những hành vi thiếu chuẩn mực, còn cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm “tương xứng” với hành vi thiếu văn minh trong cuộc sống hàng ngày. 

Trăn trở về nếp sống văn minh hiện nay, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhà báo Dương Trọng Dật kể một câu chuyện nóng hổi ông bắt gặp trên đường tới dự hội thảo. Tại một ngã tư xảy ra kẹt xe, một số  người đã kêu: “Sao không leo lên vỉa hè mà đi cho nhanh”, ông cho rằng đó là một câu chuyện nhỏ trong đời sống hàng ngày, nhưng lại là một biểu hiện rất cụ thể đáng để suy ngẫm.

Theo nhà báo Dương Trọng Dật, báo chí phải thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa để phân tích sâu, lý giải cặn kẽ, phản biện thấu đáo, đồng thời đưa ra các giải pháp để xây dựng nếp sống văn minh bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó tổng biên tập Báo Long An Lê Hồng Phước, nếp sống văn minh trong cộng đồng được xây dựng và hình thành bắt đầu từ những con người có văn hóa, do đó mỗi con người có một vai trò quan trọng. Việc xây dựng nếp sống văn minh cần được xây dựng từ trong mỗi gia đình, mở rộng ra cộng đồng. Báo chí cần thể hiện quan điểm đấu tranh với mỗi hành vi thiếu văn hóa không chỉ ở khu vực nông thôn mà cả khu vực thành thị, nhất là đấu tranh với hành vi mê tín dị đoan, làm mất văn minh đô thị…

* Tuyên truyền sao cho hiệu quả?

Báo chí thể hiện vai trò, cách làm cụ thể như thế nào trong cách tuyên truyền để đạt hiệu quả cao thì không phải là điều dễ. Theo nhiều đại biểu, cần phải có sáng tạo, kiên nhẫn và bền bỉ hơn trong việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh, đặc biệt là cuộc cạnh tranh thông tin xấu trên mạng xã hội đang làm ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành vi nhiều người.

Là tờ báo Đảng của một thành phố đông dân nhất cả nước, rất nhiều vấn đề lớn trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã được nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, “chủ nhà” hội thảo đưa ra. Nhà báo Lê Tiền Tuyến cho rằng việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh cần được “mềm hóa” trên các trang báo, lấy những việc làm rất cụ thể, thiết thực để tuyên truyền nhân rộng, từ đó tạo thành sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Tổng biên tập Báo Vĩnh Long Phạm Hoàng Khải nêu với đặc thù phân bố dân cư của tỉnh Vĩnh Long là có 83% dân số sống ở nông thôn, Báo Vĩnh Long đã tuyên truyền việc xây dựng nếp sống văn hóa bằng những thông tin cụ thể, làm cho người dân hiểu xây dựng nếp sống văn hóa chính là xây dựng hành vi ứng xử tốt cho chính mình, cho gia đình mình và cộng đồng nơi mình sinh sống. Từ đó, ý thức người dân đã tốt hơn, mọi người ứng xử với nhau bằng tình thương yêu chan hòa hơn.

Không ngần ngại nêu lên những thực trạng cụ thể đe dọa nếp sống văn minh của địa phương mình, một địa phương phát triển du lịch biển có tiếng, Phó tổng biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Thị Xuân cho biết vấn đề “chặt chém” khách du lịch, hay xả rác bừa bãi trên bãi biển là vấn đề nóng của tỉnh, làm ảnh hưởng tới thương hiệu du lịch Vũng Tàu. Nhận diện đây là những vấn đề không tốt, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên truyền rất mạnh, tạo được dư luận, từ đó đã góp phần dần đẩy lùi nạn “chặt chém” du khách hay nạn xả rác ra bãi biển…

Công Nghĩa

Tin xem nhiều