Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt - Nga

10:11, 06/11/2017

Năm 1985, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Đồng Nai, khi ấy vừa tròn 23 tuổi và đang là sinh viên Trường Đoàn cao cấp Hà Nội (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) được tuyển chọn sang Liên Xô học.

Năm 1985, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Đồng Nai, khi ấy vừa tròn 23 tuổi và đang là sinh viên Trường Đoàn cao cấp Hà Nội (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) được tuyển chọn sang Liên Xô học. 5 năm học tập tại xứ sở Bạch Dương đối với ông là quãng thời gian tươi đẹp, nhiều kỷ niệm với những con người Nga hiếu khách, những bài giảng là tri thức theo ông đến suốt cuộc đời.

>>> Bài 1: Bước ngoặt lịch sử

>>> Bài 2: Ánh sáng soi đường của cách mạng Việt Nam

>>> Bài 3: Nước Nga, niềm nhớ

 

Ông Đặng Mạnh Trung.
Ông Đặng Mạnh Trung.

Dịp nước Nga kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, ông đã có dịp trở lại nước Nga, đi thăm nhiều địa danh lịch sử, trở lại trường xưa và nghiền ngẫm lại những giá trị, bài học mà cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử này mang lại cho nhân loại.

* Những ngày tươi đẹp

 Ông đã gặp những khó khăn gì khi trở thành 1 trong 3 sinh viên Việt Nam năm đó học tại Trường Đoàn cao cấp trực thuộc Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Lênin Liên Xô?

- Năm 1985, tôi cùng 2 đồng chí: Lâm Phương Thanh (hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) và Phạm Bá Khoa (hiện là Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam) được tuyển chọn đi học 5 năm chuyên ngành lịch sử và giáo dục cộng sản tại Trường Đoàn cao cấp trực thuộc Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Lênin Liên Xô. Đây là chương trình đào tạo cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do Đoàn thanh niên cộng sản  Lênin Liên Xô tài trợ .

Trước khi sang Liên Xô, tôi chỉ biết đất nước này qua cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại với một niềm kính phục và tự hào. Khi đến Liên Xô xinh đẹp, được học về lịch sử Liên Xô càng làm cho tôi thấy cảm phục, trân trọng những đóng góp của Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô trên tinh thần quốc tế vô sản cho phong trào giải phóng dân tộc, vì hòa bình trên thế giới, trong đó có Việt Nam và ngưỡng mộ trước sự nguy nga, đồ sộ, cổ kính của những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng: Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin, cung điện Mùa Đông, nhà thờ Kul-Sharif, Bảo tàng Hermitage... nguy nga. Tình cảm đối với đất nước và con người Liên Xô trong tôi lớn dần lên.

Tuy nhiên, đúng là thời gian đầu qua đây, tôi cũng như nhiều sinh viên nước ngoài khác gặp khá nhiều khó khăn về ngôn ngữ, bởi khi ở trong nước, tôi mới được làm quen với tiếng Nga, chỉ đủ để giao tiếp đơn giản.

 Ông đã vượt qua khó khăn ấy như thế nào?

- Rất may mắn, tôi nhận được sự trợ giúp chân thành của các giảng viên và bạn bè Nga. Nhà trường đã sắp xếp cho chúng tôi ở chung phòng trong ký túc xá với sinh viên Nga để các bạn vừa kèm cặp về giao tiếp, vừa tăng cường sự giao lưu văn hóa. Vì vậy mà chúng tôi hòa nhập với các bạn rất nhanh.

 Ấn tượng của ông về đất nước và con người Nga như thế nào? Có khác với tưởng tượng của ông trước khi sang Nga học không?

- Nước Nga rất to lớn, xinh đẹp, điều đó đương nhiên rồi. Nhưng tình cảm của người Nga dành cho người Việt Nam rất đặc biệt. Tôi còn nhớ thời điểm đó, người Việt đến Nga chủ yếu là cán bộ đi học, còn người dân Việt đến Nga làm ăn buôn bán chưa nhiều. Các bạn Nga luôn dành tình cảm và thái độ trân trọng với sinh viên Việt Nam bởi lẽ các bạn cũng biết ít nhiều về một đất nước Việt Nam anh hùng đã đánh đổ 2 đế quốc hùng mạnh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Người Nga xem đó là điều kỳ diệu và nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến những người anh hùng. 

Ngày đó, trong quá trình học tập tôi cũng như các sinh viên Việt Nam khác có tham gia đội sinh viên tình nguyện của thủ đô Moskva đi lao động tại các nông trường quốc doanh, nông trang tập thể. Đây là cơ hội để chúng tôi được sinh hoạt, giao lưu với sinh viên Nga và các nước ở những trường đại học khác. Ở trong môi trường ký túc xá cũng thường có chương trình giao lưu giữa đoàn Việt Nam với sinh viên các nước, trong đó có sinh viên Nga. Điều này giúp các bạn hiểu thêm về văn hóa Việt Nam và giúp Việt Nam về văn hóa Nga.

* Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác

 Theo ông, Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng lớn nhất đến cách mạng Việt Nam như thế nào?

- Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, một bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội trên thế giới, vì vậy đã cổ vũ mạnh mẽ và là hình mẫu thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều châu lục, trong đó có Việt Nam.

Ông Đặng Mạnh Trung (thứ 4, hàng đầu từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với các bạn cùng lớp khi học ở Nga.
Ông Đặng Mạnh Trung (thứ 4, hàng đầu từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với các bạn cùng lớp khi học ở Nga.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra cho cách mạng nước ta con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, mang lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo của giai cấp vô sản, về xây dựng Đảng kiểu mới, về xây dựng khối liên minh công nông, về phương pháp bạo lực cách mạng... Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và đã đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, đế quốc, xóa bóc lột, giành độc lập cho đất nước, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.

 Các thế lực thù địch lại rêu rao rằng việc Việt Nam đi theo mô hình này là sai lầm?

- Các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, càng ngày chúng càng áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm làm sụp đổ nền tảng lý luận và vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi xuyên tạc họ chú ý khai thác, thổi phồng những khuyến điểm, sai lầm của chủ nghĩa cộng sản.

Việc thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những bài học mà chúng ta rút ra được đó là sự xa rời những nguyên tắc cơ bản của Cách mạng Tháng Mười Nga như liên minh công nông, phát huy vai trò nhân tố chủ quan, trên cơ sở nắm vững các nhân tố khách quan, kinh nghiệm trong giành và giữ chính quyền...

Ở Việt Nam, những năm sau ngày thống nhất đất nước có một giai đoạn trong công tác điều hành, quản lý, cũng có những sai lầm, không chỉ về đường lối kinh tế làm cho đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, mà còn sai lầm trong công tác quản lý, lãnh đạo tư tưởng, báo chí, để xảy ra tình trạng “xét lại”, xuyên tạc lịch sử, dẫn tới sự nghi ngờ của các tầng lớp nhân dân vào lịch sử và không thấy hết được giá trị của lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga. Tuy nhiên, với bản chất của một đảng chân chính, cách mạng, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, sáng suốt, nhìn nhận sai lầm và quyết định đổi mới đất nước năm 1986.

Những thành quả quan trọng đạt được trên nhiều lĩnh vực trong những năm đổi mới đã đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, vượt qua ranh giới của một quốc gia nghèo và đã nâng cao vị thế nước ta trên trường thế giới đã là bằng chứng sinh động để phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Điều đó chứng tỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin còn sức sống không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nhiều thách thức cũng đặt ra, đòi hỏi tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên phải tự sửa mình, nâng tầm lãnh đạo, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

 Ông hiện còn là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Đồng Nai. Hội sẽ làm gì để thúc đẩy hoạt động của 2 nước trong bối cảnh mới?

- Trong chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Đồng Nai có chủ trương mở rộng hợp tác với Nga cả về kinh tế lẫn giao lưu văn hóa. Đồng Nai cũng đã có những chương trình cử cán bộ đi học ở Nga và triển khai các chuyến xúc tiến thương mại ở đất nước này năm 2016. Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Đồng Nai có kế hoạch tuyên truyền về đất nước và con người nước Nga trên địa bàn tỉnh và giới thiệu về truyền thống, những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ hội đầu tư trên quê hương Đồng Nai. Thông qua những hội viên của Hội và đặc biệt là những người đã từng học tập, làm ăn với Nga hiện đang có quan hệ với các bạn Nga và bạn bè người Việt đang sinh sống, làm ăn trên đất Nga. Mong muốn của Hội là sẽ có những đóng góp cụ thể góp phần thúc đẩy, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt - Nga nói chung và Đồng Nai nói riêng.

 Xin cảm ơn ông!

Tháng 9 vừa qua, tôi có dịp quay lại Nga. Cảm xúc rất bồi hồi, bởi sau hơn 32 năm tôi mới có dịp trở lại nơi đã học tập trong  5 năm trời. Nước Nga bây giờ cũng hiện đại hơn trước. Rất nhiều các công trình lịch sử đã được nâng cấp. 

Tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp, nồng hậu của con người Nga. Nhiều doanh nhân Nga muốn hợp tác làm ăn với Việt Nam. Nga đánh giá Việt Nam là thị trường ổn định với tình hình an ninh chính trị tốt, giữa 2 nước lại có mối quan hệ hữu nghị lâu đời. Việt Nam cũng có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nga đến Việt Nam làm ăn cũng như doanh nghiệp Việt Nam tới Nga. Đây là nền tảng thuận lợi để chúng ta tiếp tục đưa mối quan hệ Việt - Nga phát triển hơn nữa.

Nguyễn Phượng (thực hiện)

[links()]

Tin xem nhiều