Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu chiến binh gắn kết xóm làng

07:10, 07/10/2017

25 năm gắn bó với đất và người ở ấp 6, xã Gia Canh, huyện Định Quán, gia đình ông Nguyễn Gia Lộc (66 tuổi) và bà Đỗ Thị Phượng (62 tuổi) được xem là kiểu mẫu của ấp bởi tinh thần lao động vươn lên trong cuộc sống; các thành viên trong nhà luôn trên thuận dưới hòa, được học hành đến nơi đến chốn.

25 năm gắn bó với đất và người ở ấp 6, xã Gia Canh, huyện Định Quán, gia đình ông Nguyễn Gia Lộc (66 tuổi) và bà Đỗ Thị Phượng (62 tuổi) được xem là kiểu mẫu của ấp bởi tinh thần lao động vươn lên trong cuộc sống; các thành viên trong nhà luôn trên thuận dưới hòa, được học hành đến nơi đến chốn.

Vợ chồng ông Nguyễn Gia Lộc và bà Đỗ Thị Phượng.
Vợ chồng ông Nguyễn Gia Lộc và bà Đỗ Thị Phượng.

Bên cạnh việc xây dựng tốt đời sống gia đình, ông Nguyễn Gia Lộc còn là nhân tố gắn kết các hộ dân trong ấp cùng xây dựng kinh tế, giáo dục con em.

* Không để con thất học

Ông Nguyễn Gia Lộc chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ xây dựng gia đình văn hóa là cho chính mình và chính mình hưởng lợi. Để làm được điều này, trước hết các thành viên trong gia đình cần chấp hành tốt quy định của pháp luật. Hộ nào có con em trong độ tuổi đến trường thì cho đi học đầy đủ. Trong cuộc sống tránh bạo hành gia đình, hòa thuận với xóm làng và nhất là chăm lao động, tránh xa tệ nạn xã hội. Đây đều là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xưa đến nay chứ chẳng phải xa lạ gì”.

Nhớ về những năm tháng tần tảo nuôi cùng lúc 4 người con học đại học, ông Nguyễn Gia Lộc kể: “Tôi cùng vợ con từ Thanh Hóa đến ấp 6, xã Gia Canh vào năm 1992. Nhìn vùng đất mới heo hút, vắng vẻ với bạt ngàn rừng cây, vợ con tôi đều không muốn ở lại. Song với quyết tâm xa quê để tìm cuộc sống tốt hơn cho gia đình, tôi đã quyết định ở lại”.

Với số tiền mang theo khi bán tài sản ở quê, ông Lộc mua lại đất của những người đến định cư từ trước để trồng cây, nuôi heo, gà. Cần cù, không ngại khó, ngại khổ, từ mấy sào đất trồng điều, tiêu, cựu chiến binh Nguyễn Gia Lộc đã bắt đất trả công sức cho người bằng những mùa vụ.

“Để nuôi cùng lúc 4 con đi học là chuyện rất khó khăn. Nhiều lúc muốn làm thịt con gà cải thiện bữa ăn nhưng tôi để dành đem ra chợ bán lấy tiền dồn lại cho con làm lộ phí đi học xa nhà. Thấy cha mẹ khổ, có lúc con trai lớn của tôi xin cho nghỉ học để đi làm, nhường phần đến trường cho các em. Nhưng vợ chồng tôi không đồng ý. Vì khổ mấy vợ chồng cũng gắng cho con được đi học đến nơi đến chốn để có tương lai sau này” - ông Nguyễn Gia Lộc nhớ lại. 

Đến lúc lần lượt các con ra trường và có việc làm, ông bà đỡ gánh lo và bắt đầu có tiền đầu tư vào phát triển vườn cây, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy mà hiện nay, gia đình nông dân này đã có trong tay vài hécta đất trồng xoài, điều với thu nhập cao. Nhiều năm liền, ông được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã, huyện, tỉnh.

“Bây giờ tuổi vợ chồng tôi đã cao, các con đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Nhưng cả 2 vẫn lao động với vườn cây để nhắc nhở các con, cháu phải chăm chỉ lao động” - bà Đỗ Thị Phượng chia sẻ.

* Sống để mọi người quý mến

Không chỉ nuôi dạy con tốt, vợ chồng ông Nguyễn Gia Lộc còn là người hiếu thảo khi chăm lo tốt cho mẹ già đã 96 tuổi. Ông Lộc cho hay: “Mẹ tôi sinh 5 người con và tất cả đều tham gia kháng chiến, trong đó có một người hy sinh. Bản thân mẹ tôi đã chịu nhiều hy sinh, vất vả nên bổn phận làm con tôi phải chăm nom mẹ lúc về già là lẽ đương nhiên. Tôi chỉ mong mẹ có sức khỏe để sống đời với con, cháu”.

Không chỉ xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, chăm lo tốt cuộc sống riêng, ông Nguyễn Gia Lộc còn là người đóng vai trò gắn kết người dân trong ấp thông qua những mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau khi có sự việc bất ngờ xảy ra. Từ năm 2001 đến nay, ông Nguyễn Gia Lộc đã thành lập và duy trì hoạt động của tổ đoàn kết, tổ vần công đổi công với 30 thành viên để hỗ trợ vốn sản xuất cho nhau.

Mỗi năm, một thành viên trong tổ đóng 500 ngàn đồng vào quỹ của tổ. Số tiền này được sử dụng để cho 1-2 hộ cần vốn sản xuất vay với lãi suất thấp trong một năm. Nhờ cách làm này mà nhiều hộ nông dân khi thiếu vốn sản xuất đã được giúp vốn, gia đình nào ít người cũng có hàng xóm phụ giúp trong những ngày mùa.

“Khi ông Nguyễn Gia Lộc phát động thực hiện tổ đoàn kết, tôi tham gia. Tôi được vay vốn từ tổ đoàn kết 2 lần. Nhờ có số tiền kịp thời này mà mỗi khi cần đóng tiền học cho con, mua dầu chạy máy tưới cây trồng vào mùa khô hay mua phân bón chăm sóc vườn cây được kịp thời” - bà Trịnh Thị Gái (ngụ ấp 6, xã Gia Canh) nói.

Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh Đào Ngọc Ánh nhận xét:  “Hộ ông Nguyễn Văn Lộc là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Ngoài xây dựng kinh tế ổn định, nuôi dạy con tốt, gia đình ông Lộc còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của  địa phương”.

Văn Truyên

Tin xem nhiều