Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội

11:09, 15/09/2017

Không chỉ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 17, ngày 15-10-2007 về "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới", công tác tuyên truyền miệng mới được quan tâm, mà công tác này đã được chú trọng ngay từ khi Đảng ra đời.

Không chỉ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 17, ngày 15-10-2007 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, công tác tuyên truyền miệng mới được quan tâm, mà công tác này đã được chú trọng ngay từ khi Đảng ra đời.

Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch.
Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch.

Ở Đồng Nai, công tác tuyên truyền miệng được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là phương thức quan trọng để thống nhất ý chí và hành động giữa Đảng với dân, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chung của địa phương.

* Chú trọng đội ngũ tuyên truyền

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cho rằng phải tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong công tác tuyên truyền miệng. Công tác tuyên truyền miệng là trách nhiệm của toàn đảng viên, không phải chỉ của ngành tuyên giáo, tuyên huấn. Cấp ủy phải cung cấp thông tin để báo cáo viên, tuyên truyền viên tuyên truyền tới quần chúng nhân dân biết những vấn đề của Đảng, Nhà nước, từ đó có nhận thức đúng, hành động đúng.

Theo đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng thì phải có đội ngũ báo cáo viên tốt.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4 ngàn báo cáo viên các cấp, được chọn lựa kỹ, đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định. Hàng năm, Ban TVTU đều mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, cập nhật thông tin cho báo cáo viên. Ngoài ra, hàng tháng tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo viên để đánh giá dự báo tình hình tư tưởng, tâm trạng dư luận xã hội và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp.

Trong 10 năm qua (2007-2017), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo các cấp ủy trực thuộc còn tổ chức 108 hội thi báo cáo viên giỏi các cấp. Qua đó, giúp đội ngũ này có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ về công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng trong quá trình triển khai quán triệt, tuyên truyền tổ chức thực hiện các chỉ thị, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được tốt hơn. Đồng thời, rút ra những hạn chế trong hoạt động báo cáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ này.

Phần lớn đội ngũ báo cáo viên trong tỉnh đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong từng thời kỳ, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, định hướng dư luận xã hội đúng đường lối.

* Tuyên truyền ở các vùng đặc thù

Đồng chí Dương Văn Em, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhơn Trạch, cho biết hiện nay 100% báo cáo viên của huyện có trình độ lý luận chính trị cao cấp và trình độ chuyên môn đại học trở lên. Các báo cáo viên luôn nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi cách thức tuyên truyền sao cho phù hợp từng đối tượng. Nhơn Trạch là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân nên đội ngũ báo cáo viên của huyện đã xuống vận động từng chủ doanh nghiệp bố trí thời gian cho công nhân học tập lý luận chính trị. Khi chủ doanh nghiệp đồng ý, việc tuyên truyền thường được tiến hành những lúc nghỉ giải lao giữa ca, hoặc tuyên truyền vào buổi tối, ngày nghỉ tại các khu nhà trọ.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Cửu Liêng Thất Thuyết thì chia sẻ, đội ngũ báo cáo viên của huyện rất quan tâm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với những xã vùng sâu, vùng xa như Phú Lý, Mã Đà, báo cáo viên của huyện trực tiếp đến từng cụm dân cư để tuyên truyền, trong khi có những cụm dân cư chỉ 60-70 hộ cũng phải đến để tuyên truyền. Đồng chí nhấn mạnh, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm.

Tại huyện Thống Nhất, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lê Huy Thiêm cho hay huyện đã xác định đối tượng cần được tập trung tuyên truyền là đồng bào có đạo, nhất là đảng viên là người có đạo. Thống Nhất hiện có gần 2.300 đảng viên, trong đó 549 đảng viên có đạo. Vì thế, nhiệm vụ của huyện là thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo. 

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thống Nhất cho rằng để làm tốt công tác tuyên truyền miệng hơn nữa, chất lượng đội ngũ báo cáo viên ngày càng phải được nâng cao. Nên có chế độ phụ cấp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Thời gian qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở thường xuyên biến động, một phần do tính chất công việc của địa phương nên mọi người phải hoán đổi công việc cho nhau; một phần do chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở còn thấp nên một số xin nghỉ việc hoặc tìm việc khác có thu nhập cao hơn.

Trước những sự việc được dư luận quan tâm, tỉnh và Trung ương cũng nên cung cấp thông tin kịp thời cho báo cáo viên cơ sở để có thông tin chính thống định hướng dư luận xã hội. Thời gian qua có những sự việc xảy ra cả tháng, sau đó mới có thông tin định hướng từ cấp trên là chậm, khó cho cơ sở trong công tác tuyên truyền.

Trong khi đó, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Cửu Liêng Thất Thuyết kiến nghị phải nêu cao vai trò người đứng đầu trong công tác tuyên truyền miệng, không khoán trắng công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên. Thời gian tới, Vĩnh Cửu sẽ mở lớp học tiếng dân tộc cho đội ngũ báo cáo viên. Một số báo cáo viên không biết tiếng dân tộc thiểu số nên khi bà con trao đổi với nhau bằng tiếng của dân tộc mình, báo cáo viên không hiểu, khó nắm bắt hết vấn đề. Khi biết tiếng dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con thuận lợi hơn, tạo đồng thuận xã hội cao hơn.

Phương Hằng

Tin xem nhiều