Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất đảng viên nhập ngũ

10:09, 06/09/2017

Chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 nhằm tăng cường chất lượng chính trị đầu vào cho các đơn vị lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã được thực hiện 15 năm qua.

Chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 nhằm tăng cường chất lượng chính trị đầu vào cho các đơn vị lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã được thực hiện 15 năm qua.

Tặng quà cho đảng viên nhập ngũ của tỉnh năm 2016.
Tặng quà cho đảng viên nhập ngũ của tỉnh năm 2016.

Việc sử dụng, giải quyết việc làm cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ đã được quan tâm, song quá trình thực hiện đang bộc lộ những hạn chế.

* Vượt chỉ tiêu nhưng không vui

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh, nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy có kết luận về những vấn đề còn là điểm nghẽn, từ đó đề ra chủ trương nhất quán thuộc thẩm quyền của tỉnh để nâng chất tuyển chọn đảng viên nhập ngũ và quan tâm đầu ra của bộ đội xuất ngũ. Coi bộ đội xuất ngũ là đối tượng cần được chăm sóc.

Từ năm 2013-2017, Đồng Nai đã kết nạp và chọn cử gần 800 thanh niên là đảng viên nhập ngũ, đạt 5,42%, vượt 3,42% chỉ tiêu quân khu giao, tăng 1,16% so với năm 2012.

Ban TVTU và các cấp ủy trong tỉnh đều đánh giá chủ trương tuyển chọn đảng viên nhập ngũ của Quân khu 7 là hoàn toàn đúng đắn, vừa nâng chất lượng chính trị thanh niên nhập ngũ, vừa tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở.

Bởi thế các cấp ủy trong tỉnh không chỉ nỗ lực thực hiện đạt 2% như chỉ tiêu quân khu giao mà còn vượt đáng kể về tỷ lệ đảng viên nhập ngũ. Tuy nhiên, một số nơi không xem đây là niềm vui mà cho rằng, số liệu trên mới chỉ phản ánh về mặt số lượng, chưa thể hiện đầy đủ chất lượng đảng viên nhập ngũ.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghị, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch, thừa nhận chất lượng đảng viên ở một số trường hợp đảng viên nhập ngũ chưa đạt yêu cầu do phải thực hiện nhiệm vụ trước mắt. Hiện nay nguồn để phát triển Đảng nhập ngũ có giới hạn, do các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn ít biên chế nên phải xem xét nguồn là học sinh, sinh viên nhưng số này chưa đủ điều kiện tham gia công tác theo quy định.

Tại hội nghị sơ kết tuyển chọn đảng viên nhập ngũ do Ban TVTU tổ chức mới đây, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, kể có đảng viên sau khi nhập ngũ, lên đơn vị hỏi “cho tôi gặp đồng chí chỉ huy Đảng”. Chuyện nghe khôi hài nhưng không ít người xót xa, người đứng đầu một tổ chức Đảng mà đảng viên không biết gọi là gì, “bí thư” thì gọi thành “chỉ huy”!

Thực tế còn cho thấy, con số 31 đảng viên quân nhân xuất ngũ trên địa bàn Đồng Nai đã bỏ sinh hoạt và xin ra khỏi Đảng từ năm 2013-2017 tuy được Quân khu 7 đánh giá không nhiều, chỉ chiếm hơn 3%, trong khi có tỉnh chiếm hơn 40%. Dẫu ít nhưng phần nào làm ảnh hưởng đến bản chất, uy tín của Đảng và thể hiện việc kết nạp Đảng chưa đúng nguyên tắc, làm vội, chạy theo chỉ tiêu là nguyên nhân làm cho chất lượng đảng viên chưa tốt.

* Khó giữ chân quân nhân tại địa phương

Lý do các đảng viên xin ra khỏi Đảng và bỏ sinh hoạt thời gian qua được các địa phương thống kê, đa phần vì đi làm ăn xa.

Đồng chí Trần Bá Đạt, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nói: “Mỗi lần tuyển quân, lãnh đạo địa phương đều động viên anh em hoàn thành nghĩa vụ, hứa hẹn hỗ trợ vật chất, tinh thần, chăm lo cho anh em khi xuất ngũ trở về. Song, lời hứa đó mình chưa làm tròn, cảm thấy rất bứt rứt".

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, thì cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có kế hoạch đào tạo nghề lâu dài cho bộ đội xuất ngũ. Về phần bộ đội xuất ngũ, hầu hết chỉ mới có trình độ THPT nên khi về địa phương rất khó bố trí công việc.

"Nếu bố trí cũng chỉ ở các chức danh không chuyên trách, nhưng chế độ chính sách cho các chức danh này đang bất cập, không được hưởng lương, chỉ hưởng phụ cấp 1,5-1,7 triệu đồng/tháng, do đó họ phải đi tìm việc ở nơi khác có thu nhập cao hơn” - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú chia sẻ.

Theo đồng chí Huỳnh Tấn Đạt, Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa, vừa qua Biên Hòa đã động viên thanh niên đang công tác ở các đơn vị, trong đó có giáo viên trong các trường học đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự, nhằm mục đích nâng số thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học tham gia nhập ngũ lên cao nhưng chưa đạt kết quả. Lý do, khi anh em xuất ngũ trở về, liệu có được cơ quan cũ tiếp nhận, có còn giữ được việc làm như trước?

Đồng chí Đạt cho biết, từ năm 2013 đến nay Biên Hòa đã đón 115 đảng viên xuất ngũ, nhưng chỉ bố trí công việc được 4 đảng viên trong hệ thống chính trị địa phương. Muốn bố trí nhưng trình độ chuyên môn của đảng viên xuất ngũ còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc, anh em phải có bằng cấp chuyên môn mới dự thi công chức và bố trí công việc được. Do vậy, phần lớn anh em tự tìm việc làm, chủ yếu trong các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Mỗi khi quân nhân xuất ngũ, địa phương đều gặp gỡ nắm tâm tư, xem ai có nhu cầu học nghề, học văn hóa, vay vốn làm ăn… để địa phương có hướng giải quyết giúp đỡ. Tuy nhiên, bất cập hiện nay, quân nhân xuất ngũ nếu học nghề ngắn hạn thì mới được hỗ trợ học phí, còn học trung cấp, cao đẳng, đại học lại không được hỗ trợ. Điều này vô hình trung, khuyến khích người học thấp, không hoan nghênh người học cao?

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết tỉnh đang xây dựng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân. Khi đề án được thông qua là cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề trên. Muốn làm tốt việc này, cơ quan chức năng phải xây dựng cơ sở dữ liệu về quân nhân xuất ngũ trên địa bàn tỉnh. Hàng năm từng huyện phải xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến của quân nhân xem ai muốn học gì để có hướng đào tạo sát nhu cầu.

Phương Hằng

Tin xem nhiều