Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng vốn nhỏ, tác dụng lớn

11:08, 25/08/2017

Với khoản vay nhỏ không lãi suất từ 5-10 triệu đồng trong 3 năm, nhiều hộ nghèo của huyện Định Quán đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để kéo giảm hộ nghèo.

Với khoản vay nhỏ không lãi suất từ 5-10 triệu đồng trong 3 năm, nhiều hộ nghèo của huyện Định Quán đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định.

Nhờ có vốn vay không lãi suất từ Ủy ban MTTQ huyện Định Quán mà bà Trương Thị Phụng (ngụ ấp 3, xã La Ngà) đã có vốn buôn bán ve chai.
Nhờ có vốn vay không lãi suất từ Ủy ban MTTQ huyện Định Quán mà bà Trương Thị Phụng (ngụ ấp 3, xã La Ngà) đã có vốn buôn bán ve chai.

Cách làm này được Ủy ban MTTQ huyện Định Quán khởi xướng và triển khai từ năm 2013. Đây được xem là giải pháp hiệu quả “đồng vốn nhỏ nhưng có tác dụng lớn” để kéo giảm số hộ nghèo ở địa phương.

* Những câu chuyện từ thực tế

Theo ông Nguyễn Chánh Tám, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Quán, với việc triển khai giai đoạn 2 của dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh, đây được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để kéo giảm hộ nghèo của huyện hiện đang ở mức cao với 1.922 hộ nghèo và 840 hộ cận nghèo.

Chồng mất, một mình bà Trương Thị Phụng (ngụ ấp 3, xã La Ngà) nuôi 4 con nhỏ với nghề mua bán ve chai. Trước đây, do thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống của 5 người trong nhà bà Phụng thiếu trước hụt sau.

“Nhiều lúc túng quá không có tiền đi mua ve chai, tôi phải qua hàng xóm mượn mấy trăm ngàn làm vốn. Cũng có khi buôn rồi hụt mất vốn luôn vì phải đưa cho mấy đứa con đóng tiền học” - bà Phụng nói.

Nắm bắt được hoàn cảnh của bà Phụng, Ủy ban MTTQ huyện Định Quán, xã La Ngà đã đến khảo sát, lắng nghe nhu cầu thực tế của hộ nghèo này. “Tôi mong có 7 triệu đồng làm vốn và mua xe máy cũ để chở hàng phế liệu” - bà Phụng chia sẻ về nhu cầu của mình.

Nguyện vọng của người phụ nữ góa bụa này nhanh chóng được đáp ứng. Nhờ sử dụng số tiền đúng mục đích, đến nay bà Phụng đã trả hết tiền vay và tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Cũng có chung niềm vui được thoát cảnh hộ nghèo, có cuộc sống gia đình ổn định như bà Phụng là hộ ông Hoàng Ngọc Khang (ngụ ấp 5, xã Phú Tân). Gia đình ông Khang thuộc diện nghèo nhất xã, không đất sản xuất, không nghề, nên cả nhà đi làm thuê kiếm sống. Muốn có một số vốn nhỏ để mua gà, mua dê về chăn nuôi thêm nhưng với ông vẫn quá khó khăn.

Năm 2013, Ủy ban MTTQ huyện Định Quán, xã Phú Tân đồng ý cho gia đình ông vay 10 triệu đồng để nuôi dê. “4 năm qua, từ 2 con dê ban đầu tôi đã gây dựng được 10 con dê cái cùng đàn dê thịt. Cũng nhờ bán dê thịt mà mấy năm qua gia đình đỡ thiếu thốn. Nay tôi đã trả hết vốn vay và gia đình đã tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã” - ông Khang chia sẻ.

Đây chỉ là 2 trong số 73 hộ nghèo được Ủy ban MTTQ huyện Định Quán cho vay vốn theo dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo.

Theo ông Nguyễn Chánh Tám, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Quán, qua thực hiện giai đoạn 1 của dự án (2013-2016), có 73 hộ nghèo trong huyện được vay vốn với số tiền 657 triệu đồng. Đến nay có 65 hộ đã thoát nghèo. Những gia đình còn lại chưa thoát nghèo đều do gặp những tình cảnh kém may mắn (bệnh nan y, tai nạn giao thông, vật nuôi, cây trồng bị thiệt hại do dịch bệnh...).

Bên cạnh việc giao vốn hỗ trợ kịp thời theo nhu cầu của người dân, một điểm sáng của dự án này chính là có sự giám sát chặt chẽ giữa người cho vay với người vay. Người cho vay kịp thời tư vấn người vay sử dụng đồng vốn có hiệu quả để tránh mất vốn.

* Để có thêm người thoát nghèo

Nhận thấy hiệu quả tích cực của dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để giảm nghèo bền vững, năm 2017 huyện Định Quán tiếp tục mở rộng triển khai trong toàn huyện. Ông Nguyễn Chánh Tám cho hay năm 2017 huyện tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2017-2020) của dự án.

Theo đó, thay vì chỉ sử dụng kinh phí từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện như trước đây, giai đoạn 2 được bổ sung thêm nguồn vốn từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh, vận động các doanh nghiệp và nguồn tài trợ... Ngoài ra, đối tượng vay cũng được mở rộng với hộ cận nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu thay vì chỉ dành cho hộ nghèo như trước. Số tiền vay dành cho mỗi hộ cũng tăng lên từ 10-20 triệu đồng thay vì chỉ từ 5-10 triệu đồng như giai đoạn 1.

Thời gian này, huyện đang khảo sát, lập danh sách 340 hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh để trao vốn theo nhu cầu. Trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Sỹ Quân (ngụ ấp Hòa Hiệp, xã Ngọc Định). Ông Quân cho biết: “Tháng 6-2017, tôi được vay 20 triệu đồng để mua dê và bò về nuôi. Có vốn làm ăn tôi và gia đình sẽ cố gắng để thoát cảnh nghèo”.

Sông Thao

Tin xem nhiều