Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tin và trách nhiệm

10:07, 26/07/2017

Một ngày giữa tháng 7, căn nhà nhỏ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mùi (95 tuổi, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) tràn ngập tiếng nói cười khi có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tới thăm hỏi, tặng quà.

Một ngày giữa tháng 7, căn nhà nhỏ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mùi (95 tuổi, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) tràn ngập tiếng nói cười khi có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tới thăm hỏi, tặng quà.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mùi (TP.Biên Hòa).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mùi (TP.Biên Hòa).

Không riêng mẹ Mùi mà nhiều năm qua, hơn 56 ngàn người có công và thân nhân người có công trong tỉnh đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, tạo được niềm tin và hy vọng.

* Giải quyết kịp thời chế độ chính sách

Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho hay, với trách nhiệm của mình, ngành xác định thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ, chế độ chính sách nhanh gọn, chính xác; tham mưu Tỉnh uỷ, UBND vận động mọi người tiếp tục chung tay, góp sức hỗ trợ cho người có công; đồng thời tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý những trường hợp không đúng đối tượng mà vẫn được hưởng chế độ chính sách để đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.

Trong câu chuyện của mình, mẹ Mùi cho biết, mỗi dịp lễ, tết mẹ đều được thăm hỏi ân cần, được các cháu quây quần vui vẻ. Mẹ chẳng mong muốn sẽ được thêm gì mà mẹ chỉ mong sao đất nước ngày một phát triển, nhân dân ngày càng giàu mạnh để xứng đáng với các liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do.

Còn thương binh hạng 3/4 Hồ Sỹ Ái (84 tuổi, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) thì chia sẻ, mọi chế độ chính sách của Nhà nước ông đều được hưởng đầy đủ. Hiện nay, tính cả lương hưu và tiền thương binh của ông được 8,7 triệu/tháng. Số tiền ấy đã giúp đỡ gia đình ông cải thiện kinh tế và đời sống rất nhiều.

Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, hoạt động, chính sách liên quan đến đối tượng người có công như truy tặng, phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà ở đối với người có công, chế độ của thanh niên xung phong, cựu chiến binh, người tham gia giải phóng dân tộc sau 30-4-1975, các đối tượng là chuyên gia ở nước bạn Lào, Campuchia, lực lượng dân công hỏa tuyến… Nhìn chung đến thời điểm này, người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống trung bình hoặc cao hơn so với dân cư trên địa bàn. Đời sống tinh thần của các đối tượng người có công cũng được quan tâm, cải thiện”.

Từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho hơn 22,7 ngàn người thuộc các nhóm đối tượng. Thủ tục giải quyết hồ sơ được thực hiện nhanh, chính xác, đầy đủ đúng quy định, kịp thời. Với những trường hợp qua rà soát hồ sơ xét thấy chưa đủ điều kiện, Sở trả lời ngay cho các đối tượng biết chứ không giữ hồ sơ lâu. 3 hồ sơ liệt sĩ tồn đọng của tỉnh vừa qua đã được trình các ngành chức năng giải quyết. Hiện nay, sở đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát chặt chẽ với những hồ sơ tồn đọng từ năm 2013 trở về trước. Nếu hồ sơ nào đủ điều kiện, Sở sẽ tham mưu trình UBND tỉnh để trình Bộ Lao động - thương binh và xã hội giải quyết đầy đủ các chế độ đối với thân nhân liệt sĩ hoặc thương binh, bệnh binh.

Các đối tượng là con, cháu của thương binh, liệt sĩ, bệnh binh được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về giáo dục, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. 5 năm qua, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, huyện đã vận động được hơn 22 tỷ đồng; thực hiện 422 sổ tiết kiệm cho đối tượng người có công với kinh phí huy động được 941 triệu đồng. Hàng năm, ngân sách Trung ương chi cho Đồng Nai trên 250 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công, chính sách ưu đãi về GD-ĐT, cải thiện nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách. Ngân sách tỉnh cũng dành trên 20 tỷ đồng để tặng quà nhân ngày 27-7 và Tết Nguyên đán hàng năm.

* Cần làm tốt hơn nữa

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với nước ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi cuộc sống của nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước còn nhiều khó khăn. Điều day dứt, trăn trở hơn nữa là vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người ở lại.

Ông Nguyễn Văn Phương, cán bộ phụ trách người có công xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (con liệt sĩ) bộc bạch: “Không chỉ riêng tôi mà tất cả những người ở lại vẫn ngày ngày khắc khoải, day dứt khôn nguôi bởi còn biết bao liệt sĩ còn nằm lại ở đâu đó trong lòng đất mẹ trên khắp dải đất hình chữ S này. Tôi sẽ cố gắng cùng với mọi nguời ra sức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để các chú, các anh được hưởng hơi ấm từ người thân và những người còn sống”.

Để làm tốt hơn nữa công tác Đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị các đơn vị liên quan trong tỉnh cần rốt ráo thực hiện tốt những nội dung liên quan đến người có công. Trước mắt, Văn phòng UBND tỉnh liên hệ trực tiếp với Văn phòng Tỉnh ủy đôn đốc trình Ban TVTU danh sách phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 9 mẹ; sớm gửi ra Trung ương đề nghị trao tặng Huân chương Độc lập các hạng cho 39 đối tượng trong tỉnh để làm sao để dịp 2-9 có quyết định. Ngoài ra, công tác xây, sửa nhà ở, khám chữa bệnh cho các đối tượng nguời có công trên địa bàn tỉnh cần triển khai nhanh, hiệu quả.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Đặc biệt, quan tâm đến công tác GD-ĐT, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ. Giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần để thực hiện bằng được mục tiêu các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư. Đồng thời, tiến hành rà soát để tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống các chính sách ưu đãi ngày càng tốt hơn đối với người có công, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều