Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời nhắc nhớ Gạc Ma

12:07, 17/07/2017

Ngày 15-7 tại bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau hơn 2 năm thi công.

Ngày 15-7 tại bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau hơn 2 năm thi công.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Nhiều thân nhân, đồng đội liệt sĩ có mặt tại lễ khánh thành công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã vô cùng xúc động khi thấy sự hy sinh của các liệt sĩ đã được tri ân một cách trân trọng nhất.

* Những người con dũng cảm

Bà Trần Thị Huệ là mẹ của liệt sĩ Lê Thế (hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988) nhớ lại, trước lúc nhập ngũ anh Thế có một tật nhỏ ở mắt trái nên đi khám nghĩa vụ mấy lần không đậu. Bà Huệ đã đưa con đi phẫu thuật và nhờ đó anh Thế đậu nghĩa vụ, được cử ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Bà Huệ xúc động chia sẻ: “Thế nhanh và hoạt bát lắm. Ngày Thế trúng tuyển nghĩa vụ đã chạy về khoe mẹ, khoe khắp xóm làng. Ngày lên đường làm nhiệm vụ, Thế còn ôm vai hứa với mẹ là nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ trở về”. Anh Thế đã không thể thực hiện lời hứa với mẹ, anh đã mãi mãi nằm lại Gạc Ma để khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bà Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế, trao bức thư của con gửi về từ đảo Gạc Ma trước ngày hy sinh cho Phòng Trưng bày Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Bà Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế, trao bức thư của con gửi về từ đảo Gạc Ma trước ngày hy sinh cho Phòng Trưng bày Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Ông Hán Văn Bảng là anh trai liệt sĩ Hán Văn Khoa, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Anh em ông Bảng ở cùng một đơn vị, ông Bảng làm nhiệm vụ ở phòng kỹ thuật, còn anh Khoa là thợ máy trên tàu HQ604. Trong thời điểm căng thẳng đầu tháng 3-1988, anh Khoa xung phong lên tàu HQ604 ra bảo vệ Trường Sa.

Ngày lên tàu anh Khoa nói với anh trai ở lại đất liền: “Em nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ trở về như những lần đi trước. Anh có biên thư về thăm mẹ thì nói là em mạnh khỏe để mẹ an lòng”. Những ngày anh Khoa ra bảo vệ Trường Sa, từ đất liền ông Bảng liên tục nhận được thông tin tình hình căng thẳng, đặc biệt là cuộc tấn công ác liệt của hải quân Trung Quốc lên đảo Gạc Ma. Ngày 14-3, ông Bảng đau đớn nhận tin báo có tới 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma, trong đó có em trai mình là Hán Văn Khoa. “Đó là giờ phút đau thương nhất với tôi, khi tôi báo tin thì mẹ tôi đã khóc ngất đi. Nhưng tôi tự hào về sự hy sinh của em trai và các đồng đội của mình” - ông Bảng xúc động nói.

Ông Lê Văn Xuân từ TP.Đà Nẵng vào tỉnh Khánh Hòa dự khánh thành công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma mang theo chiếc áo hải quân đã ngả màu và tấm huân chương của con mình là liệt sĩ Lê Văn Xanh để tặng cho Phòng Trưng bày của khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ông Xuân cho biết: “Tôi có nhận lại được những kỷ vật của con từ các đồng đội. Những kỷ vật đó luôn ở bên tôi như vật bất ly thân. Đêm nào không ngủ được là tôi lại đem ra ngắm để bớt nhớ con. 29 năm qua cứ tới ngày 14-3 là gia đình tôi lại có mâm cơm rất lớn với 64 chiếc chén, 64 đôi đũa để giỗ con, cũng là giỗ các đồng đội của con hy sinh cùng ngày tại Gạc Ma. Tôi luôn đau đáu một nỗi nhớ con và thương các đồng đội còn nằm nơi nào đó ở Gạc Ma. Tôi tin Tổ quốc và nhân dân sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh của những người như con tôi”.

* Gạc Ma hiên ngang trên đất liền

Thêm 10 tỷ đồng ủng hộ xây dựng giai đoạn 2

Ngay tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã vận động thêm trên 10 tỷ đồng của các tổ chức Công đoàn và người lao động trong cả nước ủng hộ xây dựng giai đoạn 2 của công trình. Trong thời gian tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam còn dự kiến vận động khởi công xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Sa.

Đại tá Nguyễn Văn Dân là một trong những sĩ quan trẻ đầu tiên của Học viện Hải quân Việt Nam đến Trường Sa vào năm 1975. Ông Dân có 19 năm 8 tháng gắn bó Trường Sa. Ông còn là Chỉ huy trưởng tàu HQ614 trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988 (gọi tắt là CQ88), là một trong 5 đội hình tàu của ta bảo vệ các đảo trong cuộc hải chiến tháng 3-1988. Ông Dân xúc động nhớ lại: “Trong cuộc hải chiến ngày
14-3-1988, tàu của tôi chỉ huy bị 3 tàu khu trục và tên lửa của đối phương “khóa” thành hình tam giác, cắt đứt thông tin với các tàu khác, ngăn không cho đổ bộ tiếp ứng cho Gạc Ma”.

Đại tá Nguyễn Văn Dân kính cẩn đưa tay chào tấm bia khắc tên 64 đồng đội hy sinh trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Đại tá Nguyễn Văn Dân kính cẩn đưa tay chào tấm bia khắc tên 64 đồng đội hy sinh trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Đến sáng 14-3, bất chấp súng đạn của kẻ thù chĩa vào tàu HQ614,  ông Dân và đồng đội đã bơi ra các bãi đá nổi Gạc Ma để vớt các đồng đội hy sinh và bị thương đưa lên tàu. Ông Dân còn cùng với đồng đội lặn xuống đáy biển ở độ sâu trên 30m để tìm các tàu ta bị địch bắn chìm, bên trong các tàu đó có các đồng đội hy sinh. 29 năm đồng đội nằm lại Gạc Ma, ông Dân đã nhiều lần đi tìm các con tàu từng bị Trung Quốc bắn chìm ở Gạc Ma và đã tìm được một số hài cốt đưa vào đất liền...

Bà Hà Thị Liên (quê tỉnh Hà Tĩnh) là mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương, năm nay 87 tuổi, tóc bạc trắng đứng trước Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma xúc động cho biết: “29 năm kể từ ngày con hy sinh là từng đó thời gian tôi đằng đẵng chờ đợi cái ngày được đón hài cốt con về, nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Hôm nay từ Hà Tĩnh vào đứng trước tượng đài tưởng niệm con và đồng đội, tôi như thấy lại gương mặt trẻ của con ngày nào, ánh mắt quyết tâm lên đường bảo vệ đất nước. Tôi già rồi, đây có thể là lần đầu mà cũng là lần cuối tôi đứng trước tượng đài Gạc Ma, chẳng biết có kịp tìm thấy hài cốt các con được đưa về đất liền hay không, nhưng thấy được tượng đài chiến sĩ Gạc Ma hiên ngang bên bờ biển Cam Ranh, lòng tôi vô cùng mãn nguyện”.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (trái), giới thiệu với các đại biểu hình ảnh các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (trái), giới thiệu với các đại biểu hình ảnh các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma.

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, người khởi xướng xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chia sẻ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì trước khi nghỉ chế độ tôi đã kịp đưa ra ý tưởng và khởi công Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Công trình này mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đã rất hoành tráng, thể hiện được tư thế hiên ngang bất tử của các chiến sĩ Gạc Ma. Đây chính là hành động tri ân rất cụ thể của công nhân lao động và người dân cả nước”. Ông Tùng khẳng định: “Công trình tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là một lời khẳng định các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ Gạc Ma”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều