Báo Đồng Nai điện tử
En

Công bằng hơn cho đội ngũ không chuyên trách

09:06, 18/06/2017

"Tôi làm phó chủ tịch Mặt trận xã đã 14 năm nhưng chưa một lần được tăng phụ cấp. Đi làm suốt cả ngày, thậm chí cả đêm nhưng mỗi tháng chỉ được nhận hơn 1 triệu đồng…".

“Tôi làm Phó chủ tịch Mặt trận xã đã 14 năm nhưng chưa một lần được tăng phụ cấp. Đi làm suốt cả ngày, thậm chí cả đêm nhưng mỗi tháng chỉ được nhận hơn 1 triệu đồng. Số tiền này chưa nuôi nổi bản thân, nói chi đến lo cho gia đình…”.

Đó là chia sẻ không chỉ của ông Nguyễn Duy Lành, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) mà còn là nỗi lòng chung của tất cả đội ngũ không chuyên trách ở cơ sở hiện nay.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Lưu Thị Hà tiếp nhận thêm một số ý kiến của đại biểu bên lề hội nghị phản biện xã hội về chế độ chính sách cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã và ấp do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức mới đây.
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Lưu Thị Hà tiếp nhận thêm một số ý kiến của đại biểu bên lề hội nghị phản biện xã hội về chế độ chính sách cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã và ấp do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức mới đây.

Theo quy định của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã chỉ được hưởng phụ cấp không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung/tháng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tâm tư, chất lượng công việc của đội ngũ không chuyên trách cấp xã. Nhiều người phải nghỉ việc, chuyển sang làm công nhân, bảo vệ, chạy xe ôm... để có tiền lo cho gia đình.

* Từ thực tế

Ngoài điều chỉnh chế độ chính sách cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã, lần này tỉnh còn điều chỉnh chế độ chính sách đối với người hoạt động ở ấp, khu phố. Theo đó, khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động ở ấp, khu phố, hệ số 6,2 tháng lương tối thiểu, bao gồm bảo hiểm y tế. Cụ thể: bí thư và trưởng ấp (khu phố), hệ số 1,58 mức lương tối thiểu; phó trưởng ấp và trưởng ban công tác Mặt trận ấp, hệ số 1,46 mức lương tối thiểu.

Ông Lành lý giải, theo quy định của Chính phủ các chức danh phó chủ tịch MTTQ, phó các đoàn thể chính trị - xã hội, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó ban tuyên giáo, văn phòng đảng ủy, phó trưởng công an, phó chỉ huy quân sự... cấp xã bị xếp vào đội ngũ hoạt động không chuyên trách.

Đã là không chuyên trách thì không được hưởng lương theo bằng cấp chuyên môn mà chỉ được hưởng phụ cấp hàng tháng. Chế độ chính sách bất cập như thế nên các chức danh không chuyên trách ở cơ sở phần lớn do cán bộ, công chức về hưu đảm nhận, còn người trẻ có trình độ không mặn mà về công tác ở cấp xã.

Anh M.N., Phó bí thư Đoàn xã ở huyện Long Thành, bày tỏ: “Tốt nghiệp THPT, tôi được nhận vào xã làm việc với mức phụ cấp hiện tại 1,7 triệu đồng/tháng. Được làm việc, được cống hiến sức trẻ cho địa phương trong lúc này là tôi mê rồi. Tuy nhiên, bây giờ tôi chưa có vợ con thì chưa nghĩ nhiều đến thu nhập, lúc hết tiền xài vẫn ngửa tay xin cha mẹ nhưng nay mai có vợ, tôi phải tự lo cho gia đình nhỏ của mình, cha mẹ sao lo cho mình cả đời được. Cứ thu nhập như hiện nay, không biết tôi “trụ” được ở xã bao lâu nữa. Tôi đang học đại học, nếu thời gian tới chế độ chính sách cho đội ngũ cấp xã không cải thiện, tôi sẽ phải tìm công việc khác có thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống”.

Muốn giữ chân đội ngũ ở lại làm việc tại cơ sở, những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành các quy định thực hiện chủ trương hỗ trợ thêm phụ cấp chức vụ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Theo đó, từ năm 2010 đến nay tỉnh đã trích ngân sách địa phương, hỗ trợ thêm cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã với hệ số từ 0,46-0,7% mức lương tối thiểu chung/tháng, tương ứng với nhiệm vụ của từng chức danh hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định. Như vậy, mức thu nhập hiện tại của đội ngũ không chuyên trách cấp xã ở Đồng Nai đã cao hơn nhiều nơi khác nhưng vẫn không đủ đảm bảo đời sống.

* Sẽ điều chỉnh

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng dự thảo đề án quy định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp/khu phố trên địa bàn tỉnh. Đề án đã được lấy ý kiến các ngành liên quan và được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức phản biện xã hội, chờ kỳ họp tới của HĐND tỉnh để thông qua.

Theo dự thảo đề án của UBND tỉnh, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được chuyển xếp theo bằng cấp chuyên môn. Cụ thể, trình độ đại học chuyển xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên, hệ số 2,34; trình độ cao đẳng, chuyển xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên cao đẳng, hệ số 2,1; trình độ trung cấp chuyển xếp bậc 1 của ngạch cán sự, hệ số 1,86; chưa qua đào tạo, chuyển xếp hệ số 1,7 mức lương tối thiểu chung.

Trường hợp đã chuyển xếp theo trình độ chuyên môn nêu trên thì sau 5 năm kể từ ngày chuyển xếp, được nâng lên bậc 2 của ngạch đã được xếp trước đó.

Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bố trí kiêm nhiệm chức danh khác mà giảm một hoặc nhiều định suất theo quy định thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm không phải trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nếu HĐND tỉnh thông qua đề án nói trên sẽ là tin vui lớn cho đội ngũ cơ sở, khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã bằng những chế độ chính sách cụ thể.

Phương Hằng

Tin xem nhiều