Báo Đồng Nai điện tử
En

Trưởng ấp Bàu Chim

10:05, 31/05/2017

Bằng sự tận tụy, trách nhiệm với cộng đồng, ông Trần Hồng Nhiễm (ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) đã được nhân dân tin tưởng bầu giữ chức Trưởng ấp suốt 5 nhiệm kỳ.

Bằng sự tận tụy, trách nhiệm với cộng đồng, ông Trần Hồng Nhiễm (ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) đã được nhân dân tin tưởng bầu giữ chức Trưởng ấp suốt 5 nhiệm kỳ.

Ông Trần Hồng Nhiễm, Trưởng ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú (người ngồi), chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cùng các hộ khác tại vườn cây của mình.
Ông Trần Hồng Nhiễm, Trưởng ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú (người ngồi), chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cùng các hộ khác tại vườn cây của mình.

Trong hơn 12 năm tham gia công tác của ấp, ông Nhiễm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương về tinh thần hăng hái với công việc; đề cao vai trò, lợi ích của tập thể lên trên sự được mất của bản thân, gia đình.

* Có mặt ở những điểm nóng

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phú Đinh Văn Án, sau khi lắng nghe những luồng thông tin tích cực từ phía người dân, lãnh đạo Huyện ủy đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần trưởng ấp Nhiễm. Qua quá trình phấn đấu lâu dài và dù nay đã gần 60 tuổi, người giáo dân - cựu chiến binh Trần Hồng Nhiễm có nguyện vọng được tham gia vào tổ chức Đảng. Hiện địa phương đang xem xét kết nạp Đảng cho ông Trần Hồng Nhiễm.

Đang cùng vợ cắt sầu riêng ngoài vườn để chuẩn bị giao cho thương lái, nhưng khi người dân gọi điện báo tin trong ấp có vụ việc tranh chấp đường thoát nước ở khu ruộng, ông Nhiễm lại bỏ chuyện nhà để tìm đến nơi xảy ra sự vụ. “Cảnh này hay xảy ra lắm, nhưng nhiệm vụ của ổng thì mình cũng thông cảm, hơn nữa bà con tin tưởng nên mới gọi điện nhờ giải quyết nên tôi cũng phải chiều theo”- vợ ông Trần Hồng Nhiễm nói.

Sau khi đến khu vực ruộng, nắm bắt được nội tình sự việc là người trồng bắp nằm ở chân ruộng cao muốn tháo nước để ngăn không cho ruộng bị ngập, nhưng người trồng lúa ở chân ruộng phía dưới không đồng tình vì sợ nước chảy hư lúa. Do không ai nhường ai nên 2 bên xảy ra cự cãi. Ông Nhiễm thuyết phục cả 2 phải vì tình làng nghĩa xóm cần hòa hợp trong quá trình sản xuất, song không có kết quả.

Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, ông Nhiễm gợi ý: nếu người trồng lúa chịu làm một đường thoát nước trên phần đất của mình rộng 0,5m và chạy dọc theo chiều dài của ruộng lúa (gần 50m) thì mỗi mùa lúa ông sẽ dùng tiền của mình hỗ trợ cho 20kg gạo. Vậy là nhờ có cách làm của ông Nhiễm mà người trồng lúa đã đồng ý. Tình làng nghĩa xóm giữa 2 người nông dân canh tác liền thửa vẫn được giữ vững như xưa.

“3 mùa lúa thì tôi mất 60kg gạo nhưng được cái bà con ai cũng vui vẻ, trên dưới thuận hòa. Điều này tôi thấy mình phải giải quyết cho thật nhanh khi mới nhen nhóm, tránh để sự việc đi quá xa dễ gây mâu thuẫn, xô xát không đáng có” - ông Nhiễm chia sẻ.

Vậy nên, dù mỗi tháng nhận được tiền hỗ trợ gần 2 triệu đồng nhưng không lần nào ông Nhiễm đem về nhà mà còn lấy thêm tiền gia đình đi lo việc làng xóm. May sao là vợ và các con ông đều thông cảm và động viên ông tham gia việc của cộng đồng.

* Tấm gương về nghị lực sống

Bên cạnh giải quyết các khúc mắc của người dân, ông Nhiễm còn đóng vai trò lớn trong việc gây dựng lại phong trào Đoàn thanh niên của ấp. Để động viên tinh thần cho đoàn viên, ông Nhiễm đã ủng hộ tiền mua 11 áo đồng phục đoàn viên tặng cho đoàn viên Chi đoàn ấp Bàu Chim. Hay khi Chi đoàn ấp tổ chức sinh hoạt, kết nạp đoàn viên mới là ông Nhiễm đều làm bữa cơm thân mật tại nhà chúc mừng.

 “Chi đoàn chỉ mới gầy dựng lại từ cuối năm 2016 với 11 thành viên, do vậy việc làm của ông Nhiễm đã có tác dụng động viên rất lớn tinh thần của mọi người. Đồng thời để cho những thanh niên còn đang đứng ngoài tổ chức thấy được sự quan tâm đối với đoàn viên, từ đó cùng tham gia vào tổ chức. Ngoài ra, mỗi buổi sinh hoạt của đoàn ấp, ông Nhiễm đều đến nói chuyện truyền thống, phát biểu ý kiến đóng góp”- anh Phan Văn Thắng, Bí thư Chi đoàn ấp Bàu Chim, nói.

Không chỉ tận tâm trong công tác được nhân dân giao phó, ông Nhiễm còn là tấm gương sáng về nghị lực sống khi sẵn sàng đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã trong lao động, nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Nhiễm cho hay: “Cách đây 30 năm, gia đình tôi từ Bến Tre đến xã Phú Xuân lập nghiệp. Thuở đó với 3,5 sào đất mua được, tôi cùng vợ canh tác những cây ngắn ngày. Sau khi có chút vốn tôi mua thêm đất và đầu tư trồng quýt. Những vụ quýt đầu tôi thắng lớn và xây được căn nhà cấp 4”. Những tưởng vườn quýt của ông Nhiễm sẽ cho thu hoạch ổn định thì bất ngờ cây quýt bị bệnh rồi chết dần, cây nào không chết thì chất lượng trái kém nên chẳng ai mua. Ông Nhiễm cố gắng cầm cự chạy chữa cho vườn quýt nhưng rồi chẳng xoay chuyển được gì.

 Năm 2009, khi trên đất chỉ còn trơ những thân cây quýt đã chặt chờ khô làm củi đốt thì ông Trưởng ấp Bàu Chim thiếu nợ gần 40 triệu đồng. Được sự động viên, giúp sức của xóm làng cùng nghị lực vươn lên trong cuộc sống, người cựu chiến binh từng có nhiều năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đã bắt đầu lại từ con số 0. Từ đồng vốn vay được, ông Nhiễm xuống giống sầu riêng, tận dụng lúc sầu riêng còn nhỏ ông trồng xen các loại rau củ quả theo mùa. Để vườn sầu riêng phát triển tốt, ông Nhiễm đã không ngần ngại đi nhiều nơi trồng sầu riêng có tiếng ở trong và ngoài tỉnh để học kinh nghiệm chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc men. Khi sầu riêng cho trái bói vào năm 2016 thì gia đình ông cũng trả hết nợ.

Với những nỗ lực của bản thân, hiện gia đình ông Nhiễm có cuộc sống khá giả, ổn định. “Tôi mong sao mình tiếp tục có điều kiện về vật chất, sức khỏe để làm tốt việc của cộng đồng”- ông Nhiễm nói. 

Văn Truyên

Tin xem nhiều