Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó tinh giản biên chế

10:04, 17/04/2017

Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, khối lượng giải quyết công việc của các cơ quan hành chính ngày một tăng lên nhưng biên chế không tăng khiến việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn...

Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, khối lượng giải quyết công việc của các cơ quan hành chính ngày một tăng lên nhưng biên chế không tăng khiến việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Bài 1: Cấp xã cũng quá tải!

Đồng Nai có nhiều xã, phường có dân số gấp nhiều lần các xã, phường ở các địa phương khác nhưng số lượng biên chế vẫn không nhỉnh hơn bao nhiêu, nên tạo áp lực lớn trong công tác quản lý địa bàn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Công chức sẽ luôn làm việc với áp lực lớn khi công tác ở một phường có hơn 100 ngàn dân như Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Công chức sẽ luôn làm việc với áp lực lớn khi công tác ở một phường có hơn 100 ngàn dân như Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Cụ thể như ở TP.Biên Hòa, nhiều phường, xã có địa bàn rộng, dân số đông từ 50 ngàn dân đến hơn 100 ngàn dân, như phường Long Bình, Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình Tân… nhưng cũng chỉ có biên chế 25 cán bộ, công chức. Với số lượng cán bộ này, nhiều phường, xã không đáp ứng hết nhu cầu công việc nên phải tự “bỏ tiền” để thuê thêm người.

* Hợp đồng thêm người

Hơn 4,6 ngàn cán bộ không chuyên trách nghỉ việc

Theo thông tin từ Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có hơn 3,6 ngàn công chức cấp xã, hơn 9,8 ngàn cán bộ không chuyên trách cấp xã, trong đó có hơn 3,6 ngàn người hoạt động ở ấp. Trong 5 năm qua (2011-2016), toàn tỉnh có khoảng 4,6 ngàn cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc, trong đó có đến 3 ngàn người là công an viên, dân quân tự vệ, quân sự. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp hơn so với mặt bằng chung, không đảm bảo cuộc sống gia đình.

Chủ tịch UBND phường Trảng Dài Trần Thị Chung cho biết với dân số hơn 103 ngàn dân và diện tích hơn 1.459 hécta, về hành chính phường không quản lý nổi khi số lượng biên chế chỉ có 25 công chức, 79 cán bộ không chuyên trách, trong đó có 24 người làm ở các khu phố.

Do đó, UBND phường đã phải hợp đồng thêm với 22 người giao phụ trách lĩnh vực trật tự đô thị, ủy nhiệm thu thuế, công chứng... vì những lĩnh vực này, cán bộ, công chức của phường làm không xuể.

Tương tự, nhiều địa phương khác có số dân nhập cư đông cũng tạo ra một áp lực công việc rất lớn đối với cán bộ phường, xã. 

Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho rằng hiện nay, Nhơn Trạch đang là đơn vị hành chính cấp huyện loại I, số lượng khu công nghiệp nhiều, dẫn đến dân số cơ học tăng nhanh. Người dân càng nhiều, công việc càng tăng, quản lý hành chính rất vất vả, nhất là ở các xã gần khu công nghiệp là: Hiệp Phước, Phước Thiền, Long Thọ, Phú Hội…

* Thu nhập chưa đủ sống

Một vấn đề đặt ra cho cán bộ, công chức cấp xã hiện nay chính là chế độ cải cách tiền lương còn chậm. Chế độ phụ cấp hàng tháng của cán bộ không chuyên trách cao nhất là 1,7 mức lương cơ bản và thấp nhất là 1,46 mức lương cơ bản.

Sẽ có chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách

Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Dũng cho biết mặc dù Đồng Nai đã triển khai một số chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, như: 4 chức danh bí thư, trưởng ấp, phó trưởng ấp, trưởng ban công tác Mặt trận ấp hưởng hệ số phụ cấp 1.0 mức lương cơ bản; 2 chức danh: bí thư, trưởng ấp, khu phố còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu có nguyện vọng, nhưng nhìn chung mức hỗ trợ còn thấp so với mức sống…

Hiện Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo đề án điều chỉnh mức khoán phụ cấp đối với hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố. Dự thảo đề án này đang lấy ý kiến các sở, ngành và sẽ hoàn thiện trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường kỳ giữa năm 2017. Theo đó, địa phương có quyền quyết định số người làm việc không chuyên trách, cùng mức hỗ trợ thù lao phù hợp.

Mức lương này hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách ở các phường, xã. Nhiều cán bộ, công chức phải làm thêm để trang trải cuộc sống, chưa thực sự tập trung vào công việc chuyên môn được giao, đồng thời không có ý định gắn bó lâu dài. Đây cũng là đối tượng nghỉ việc nhiều nhất hiện nay ở cấp xã, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành của địa phương.

Quả thực mặc dù hoạt động không chuyên trách nhưng khối lượng công việc và yêu cầu giải quyết công việc khá cao, nhất là tại các vị trí như: phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó ban tuyên giáo, phó trưởng khối vận, phó chủ tịch MTTQ xã, cán bộ văn phòng Đảng ủy, văn phòng UBND, cán bộ phụ trách tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết kết quả...

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền, cán bộ phụ trách tiếp dân, tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), chia sẻ mỗi tháng chị được hỗ trợ 1,46 mức lương cơ bản nhưng phải đi làm liên tục, sáng thứ bảy cũng phải vào trực, công việc còn nhiều hơn công chức, giờ giấc nghiêm ngặt nhưng thu nhập quá thấp so với mặt bằng chung, không đủ sống. Trong khi ở vùng này, đi hái tiêu một ngày cũng được 200 ngàn đồng. Vì vậy, dù rất yêu thích công việc nhưng chị cũng không biết mình còn đủ sức trụ lại làm việc đến khi nào!

Tương tự, ông Đoàn Văn Huỳnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), cho hay một tháng thu nhập của ông khoảng 2,5 triệu đồng, gồm: lương cơ bản nhân với 1,7 và cộng với 20% phụ cấp do  kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã.

Nói là kiêm nhiệm nhưng mọi việc đều phải làm hoàn toàn như một vị trí việc làm chính thức. Làm ở xã quen biết nhiều nên số tiền này chỉ có thể dùng cho chi phí đi đám tiệc chứ không đủ để lo cho gia đình. Vì vậy, ông vẫn phải chăn nuôi thêm ở nhà để kiếm sống.

“Tôi chỉ mong được nâng cao mức phụ cấp vì chỉ khi “có thực” đảm bảo cuộc sống thì người đảm nhận trọng trách mới “vực được đạo” toàn tâm toàn ý với trách nhiệm được giao” - ông Huỳnh nói.

* Cần cơ chế, chính sách linh động

Mới đây, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 ở các địa phương trong tỉnh, nhiều nơi đề nghị cần có chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã, nhất là với cán bộ không chuyên trách phù hợp với mặt bằng chung để cán bộ, công chức ổn định, có trách nhiệm, an tâm phục vụ công tác lâu dài.

Vợ chồng ông Nhỉn A Giểng (ấp 7, xã Phú Thịnh) trao đổi với cán bộ xã về lợi ích trong liên kết tiêu thụ ca cao.
Vợ chồng ông Nhỉn A Giểng (ấp 7, xã Phú Thịnh) trao đổi với cán bộ xã về lợi ích trong liên kết tiêu thụ ca cao (ảnh: minh họa)

Đặc biệt, một số địa phương như: Cẩm Mỹ, Định Quán còn có kiến nghị cần có cơ chế, chính sách tạo tính tự chủ cho người đứng đầu cấp xã để sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ phù hợp với tinh giản biên chế.

Chủ tịch UBND xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) Vũ Huy Phê kiến nghị, dựa trên biên chế được giao về cần cho địa phương tự chủ số người làm việc không chuyên trách, cần ít người nhưng hoạt động có hiệu quả, số tiền dư thì trả thêm cho những người kiêm nhiệm chứ chỉ ở mức  hỗ trợ 1,7 lương cơ bản cho người không chuyên trách và 20% cho người kiêm nhiệm như hiện nay là rất thấp, không ai chịu làm, ít nhất kiêm nhiệm phải nâng lên 50%. Nếu không thay đổi, cán bộ không chuyên trách sẽ nghỉ việc hết.

Tuy nhiên, giải pháp nói trên chỉ hiệu quả với những địa bàn ít dân, vùng nông thôn nhưng không ổn với những phường, xã đông dân.  Chủ tịch UBND phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Trần Thị Chung cho biết phường đã từng cho cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm thêm việc nhưng không hiệu quả vì việc quá nhiều nếu lo thêm việc khác sẽ buông nhiệm vụ chính, ảnh hưởng đến công việc chung.

Vừa qua, tỉnh đã cho phường chia tách từ 6 lên 11 khu phố để dễ quản lý nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào. Vì hiện nay, một khu phố cũng còn rất đông dân, như chỉ KP.4  đã có hơn 40 ngàn dân, gấp hơn 6 lần dân số của phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa). Do đó, chỉ còn một giải pháp là tách phường mới có thể quản lý và giải quyết hành chính tốt nhất.

Để giải quyết tình trạng quá tải trong quản lý, giải quyết hành chính ở các phường, xã đông dân, Đồng Nai đang hoàn tất các thủ tục đề xuất với Trung ương thành lập thêm 7 phường, xã mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, an ninh trật tự tại các địa phương được đảm bảo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngọc Thư - Văn Truyên

(Xem tiếp Bài 2: Không dễ tinh gọn)

Tin xem nhiều