Báo Đồng Nai điện tử
En

Xông pha ra trận cứu đồng chí, đồng bào

09:04, 07/04/2017

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, y tá của quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ đã không ngại gian khó, hy sinh, quyết xông pha ra trận để điều trị, cấp cứu, mang lại sự sống cho nhiều đồng chí, đồng bào trong các trận đánh ác liệt.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, y tá của quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ đã không ngại gian khó, hy sinh, quyết xông pha ra trận để điều trị, cấp cứu, mang lại sự sống cho nhiều đồng chí, đồng bào trong các trận đánh ác liệt.

Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (thứ 2 từ phải qua) mổ cấp cứu cho thương binh trong một phòng mổ dã chiến giữa rừng Chiến khu Đ năm 1966.
Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (thứ 2 từ phải qua) mổ cấp cứu cho thương binh trong một phòng mổ dã chiến giữa rừng Chiến khu Đ năm 1966.

Ở giai đoạn vô cùng gian khổ đó, lực lượng quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ đã lấy chiến hào làm nơi cấp cứu, lấy địa đạo làm phòng mổ để cứu sống kịp thời nhiều cán bộ, chiến sĩ trong những giờ phút sinh tử.

* Những ca mổ đặc biệt

Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Văn Nhị, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Liên lạc quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ, cho biết trong 2 cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ vai mang túi cứu thương, tay mang súng xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn để giành giật hơi thở, mạng sống từng đồng chí, đồng đội và nhân dân mãi mãi in sâu vào tâm khảm của các thế hệ và trở thành huyền thoại của dân tộc. Tinh thần nhiệt tình cách mạng và sự anh dũng hy sinh ấy đã trở thành tấm gương sáng ngời cho các thế hệ ngành y và tuổi trẻ ngày nay noi theo.

Nhớ lại những năm tháng đã qua, bác sĩ Dương Thị Mùi (còn gọi là Tư Mùi), nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, kể lại: sau khi tốt nghiệp Trường đại học y dược ở Hà Nội, bà được điều động vào làm việc cho Ban dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ. Một trong những ca mổ khiến bác sĩ Mùi nhớ nhất, đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ đó là vào cuối năm 1970, tại chiến trường ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An), đơn vị của bà đã tiếp nhận một thanh niên bị thương rất nặng, đã hôn mê. Theo thông tin báo về thì người thanh niên này thuộc đội biệt động, khi mang tin tức từ thành ra thì bị địch bắn bị thương ở chân. Khi kiểm tra, bác sĩ Mùi thấy vết thương chỉ bằng đầu đũa nhưng sờ quanh vết thương đến đâu thấy thịt bẹp đến đó nên chẩn đoán bị nhiễm vi trùng kỵ khí, nếu không xử lý kịp trong vòng 24 giờ sẽ không qua khỏi.

Lúc đó là 3 giờ chiều, phải bằng mọi giá cứu sống bệnh nhân trước khi trời tối. Ngay lập tức phòng mổ dã chiến được dựng lên bằng một cái màn giăng dưới lùm tre giữa cánh đồng. Người thì được cử đi tìm cái cưa thợ mộc về hơ đỏ lửa rồi sát trùng bằng cồn. Người lấy cây tre bắt chéo để đỡ chân bệnh nhân lên để cưa. Vừa cưa chân, bác sĩ và y sĩ vừa khóc vì thương bệnh nhân (dù lúc này bệnh nhân đã hôn mê). Đến khi cẳng chân của bệnh nhân rớt xuống đất, mạch, huyết áp đã tăng lên dần, anh em trong ê-kíp mổ mới thở phào nhẹ nhõm. “Trong giờ phút sinh tử đó, nếu bàn lùi là chết. Bệnh nhân là biệt động thành, nếu chết là cắt đứt đường liên lạc của cách mạng nên bằng mọi giá phải cứu sống” - bác sĩ Mùi bồi hồi nhớ lại.

Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Văn Nhị (phải), Trưởng ban Liên lạc  quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ, thăm hỏi tặng quà cho một cựu cán bộ quân dân y miền Đông.
Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Văn Nhị (phải), Trưởng ban Liên lạc quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ, thăm hỏi tặng quà cho một cựu cán bộ quân dân y miền Đông.

Vào những năm tháng ác liệt của chiến tranh, không phải đơn vị nào cũng có bác sĩ nên khi có bệnh nặng bác sĩ được điều động đến cứu chữa. Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (Hai Bôn), nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nhớ lại: sau khi tốt nghiệp đại học y khoa ở Hà Nội vào năm 1960, ông đã từ chối lời đề nghị của nhà trường cho qua Nga du học mà xin vào chiến trường miền Nam vì mục đích duy nhất của ông là đi học về để cứu chữa cho anh em, đồng đội. Thời điểm đó, ông được tổ chức giao về phụ trách Trưởng ban quân dân y Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Thời điểm đó, ông là một trong số rất ít bác sĩ ngoại khoa hoạt động ở chiến trường nên chỗ nào cần thì ông lại  băng rừng, lội suối để đến cứu chữa thương binh.

Ông Hai Bôn kể, khi hành quân đi xuyên rừng trên vai ông lúc nào cũng đeo ba lô nặng 30-40kg với lỉnh kỉnh dụng cụ để phẫu thuật, mà quý nhất là thuốc gây mê và gây tê nên ông có thể để cho người bị mưa ướt, nhưng không để ướt ba lô vì sợ thuốc hư hỏng. Những năm 1966-1968, chiến sĩ bị thương nhiều vô kể. Phòng mổ dã chiến thường được lập lên ở những nơi có 3 tầng cây, nếu bom đạn ác liệt thì mổ dưới hầm. Thời điểm đó ông đã phẫu thuật thành công nhiều ca chấn thương phần mềm, ruột thừa và cả những ca chỉnh hình khó, như nối mạch máu cho những ca bị đứt mạch máu để cứu bàn tay, bàn chân không bị liệt. Khi thương binh đông, phải cấp cứu nhiều, mổ nhiều nhưng bác sĩ, y tá vẫn nhường gạo nấu cháo cho bệnh nhân. “Không có khoảng cách giữa bác sĩ hay bệnh nhân gì đâu. Thời đó chúng tôi là anh em hết” - ông Hai Bôn bùi ngùi nhớ lại.

* Sáng tạo trong gian khó

Sáng ngày 9-4, tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) diễn ra buổi họp mặt truyền thống quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ lần thứ 28 với sự tham dự của trên 600 đại biểu đến từ 7 tỉnh, thành, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ y, bác sĩ gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, cùng nhau ôn lại kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp của những người thầy thuốc kháng chiến; thăm viếng, chia sẻ khó khăn với các đồng đội, đồng nghiệp khi bệnh tật hay hữu sự…

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ thường xuyên đối diện với tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, kể cả nhân sự nhưng không khó khăn nào có thể làm họ chùn bước. Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong cứu chữa bệnh nhân đã được đúc kết, truyền chỉ cho nhau rất hữu hiệu, giúp cứu sống nhiều thương binh nặng. Bác sĩ Dương Thị Mùi cho hay: “Ngày đó, sau mổ vì thiếu thuốc sát trùng nên có nhiều vết thương của thương binh còn có cả giòi, các bác sĩ đã truyền tai nhau phương pháp dùng mật ong đổ vào vết thương để chống nhiễm trùng, hoặc dùng xác ve sầu làm thuốc an thần để chữa bệnh cho chiến sĩ bị uốn ván”.

Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn thì rút kinh nghiệm từ một trường hợp bị thương nặng ở ruột nhưng do sơ cứu không đúng cách nên khi tìm được bác sĩ, toàn bộ ruột đã hoại tử do bị băng bó kín. “Tôi còn nhớ mãi, đó là một cán bộ cao cấp được khiêng từ rừng (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)  xuống. Anh em nói mừng quá, gặp được bác sĩ là được cứu sống rồi, nhưng cuối cùng muốn cứu cũng không được vì ruột của bệnh nhân đã đen hết do nhiễm khuẩn khiến bệnh nhân hôn mê. Từ đó tôi  phải căn dặn anh em quân dân y tại các đơn vị, nếu anh em nào bị thương ở ruột thì không nên băng bó kín mà phải lấy cái chén úp lại, khả năng cứu sống sẽ cao hơn”.

Cũng từng tham gia cứu chữa cho thương binh bằng các cây thuốc Nam trong rừng, bà Bùi Thị Thanh Tâm (ngụ tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), y tá ở Chiến khu Đ, khu căn cứ Minh Đạm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhớ lại cảnh cha mình bị thương mà do ở trong rừng thiếu thuốc chữa trị rồi qua đời, nên bà quyết tâm đi học y tá để vào rừng tham gia cứu chữa cho bộ đội. Năm 1973, vừa tròn 16 tuổi bà chính thức tham gia kháng chiến, làm y tá ở Đội y tá cứu thương của TX.Bà Rịa. Khi bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân, bà thường để ý và ghi nhanh các bài thuốc Nam chữa bệnh vào chân, rồi tối về ghi lại cẩn thận để học thuộc. Khi gặp các ca bị thương bà đã biết hái lá rừng cầm máu, chặt tre rừng nẹp vết thương mà bệnh nhân được cứu sống.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều