Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất lượng tổ chức Công đoàn

10:03, 22/03/2017

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.330 tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã làm tốt vai trò chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.330 tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã làm tốt vai trò chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bước sang năm 2017, Liên đoàn Lao động tỉnh rất chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại trong doanh nghiệp cho cán bộ Công đoàn cơ sở.
Bước sang năm 2017, Liên đoàn Lao động tỉnh rất chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại trong doanh nghiệp cho cán bộ Công đoàn cơ sở.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của công nhân lao động thì ở một số doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn chưa làm tốt vai trò đại diện cho công nhân lao động.

* Thực trạng

Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết 08 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong nghị quyết đặt ra chỉ tiêu: hàng năm phải có từ 80-85% Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; 55-60% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; trên 90% đoàn viên Công đoàn được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng…

Theo thống kê từ Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 32 vụ ngừng việc tập thể (tăng 1 vụ so với năm trước), với gần 34.300 công nhân lao động tham gia ở 29 doanh nghiệp. Trong 29 doanh nghiệp này, có 26 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn và phần lớn là doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Nguyên nhân của các vụ ngừng việc tập thể nói trên do: người sử dụng lao động chậm trả lương hoặc không tăng lương, không điều chỉnh lương theo quy định của Chính phủ cho người lao động; trừ tiền lương và thưởng cuối năm khi công nhân lao động đi trễ; không tổ chức đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và người lao động theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP; mức thưởng tết chưa thỏa đáng; chưa đóng bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ thai sản cho người lao động; chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo; tổ chức làm thêm giờ quá mức quy định…

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, chia sẻ tiếng nói Công đoàn ở nhiều doanh nghiệp đang bị chủ doanh nghiệp coi nhẹ, dẫn đến quyền lợi người lao động bị thiệt thòi. Có doanh nghiệp đã thành lập hơn chục năm nhưng chưa một lần tổ chức hội nghị người lao động. Khi Công đoàn đề xuất với người sử dụng lao động về việc tổ chức hội nghị người lao động thì nhận được câu trả lời: công nhân làm việc theo ca, theo dây chuyền nên không thể tập trung công nhân được!

Nhiều nơi lại chưa quan tâm đến xây dựng bản thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể được coi là cẩm nang để các chủ tịch Công đoàn cơ sở căn cứ vào đó mà bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng do bận công việc chuyên môn, một số cán bộ Công đoàn chưa quan tâm đến chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể. Vì thế, năm 2015-2016, số lượng doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể chỉ đạt ở con số 65-67%.

Về phía cán bộ Công đoàn cơ sở, nhiều người năng lực, trình độ, kiến thức hiểu biết chính sách pháp luật, kỹ năng tổ chức Công đoàn còn yếu, chưa phát huy được tính sáng tạo, năng động, tinh thần đấu tranh vì người lao động. Thực tế, hầu hết cán bộ Công đoàn doanh nghiệp ngoài Nhà nước đều là nhân viên cấp dưới của chủ doanh nghiệp, do chủ doanh nghiệp trả lương nên thường không hiệu quả khi thương lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động.

* Đâu là giải pháp?

Đồng chí Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng Liên đoàn Lao động tỉnh nên thí điểm thực hiện bố trí cán bộ Công đoàn hoạt động chuyên trách ở một số doanh nghiệp.

Ý kiến khác thì nêu, không nên đặt nặng vấn đề cơ cấu, hình thức đối với người đứng đầu tổ chức Công đoàn mà cần chọn người làm được việc chứ không phải cấp trên nói gì nghe đó. Cán bộ Công đoàn phải có đủ “tầm”. Bên cạnh đó, hoạt động phong trào của Công đoàn cần gắn với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, có như thế mới tạo uy tín với doanh nghiệp.

Hơn nữa, cần tăng cường chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Công đoàn cấp trên đối với hoạt động Công đoàn cơ sở. Những doanh nghiệp nào vi phạm chế độ chính sách lao động thì xử lý ngay, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ Công đoàn hoạt động. Nâng cao kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn và người lao động để các bên có cái nhìn tích cực trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ở doanh nghiệp.

Đồng chí Trương Văn Vở, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, đưa ra giải pháp, phải giải quyết được tình trạng chồng chéo trong mối quan hệ ngang dọc giữa tổ chức Đảng và Công đoàn hiện nay. Nhiều đơn vị ở Đồng Nai đang có tình trạng, tổ chức Đảng trực thuộc một nơi, Công đoàn và đoàn thanh niên trực thuộc nơi khác. Riêng Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh hiện đang có 90 tổ chức cơ sở Đảng nhưng về tổ chức Công đoàn chỉ lãnh đạo được 26 tổ chức. Các tổ chức Công đoàn còn lại do Công đoàn ngành, Công đoàn trực thuộc các cơ quan Trung ương lãnh đạo.

Do vậy, việc lãnh đạo ở Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh không được toàn diện. Mỗi khi cần lãnh đạo chỉ đạo về công tác đoàn thể, trong đó có Công đoàn, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh phải thực hiện theo kiểu “bắc cầu”, không thể lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp được mà phải thông qua tổ chức Đảng của đơn vị đó, rồi triển khai xuống. Theo Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, tỉnh và Trung ương cần nghiên cứu, sắp xếp lại: Đảng ở đâu, Công đoàn phải ở đó, có như vậy mới đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng với tổ chức Công đoàn.

Phương Hằng

Tin xem nhiều