Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp

09:03, 03/03/2017

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh vào ngày 2-3, cử tri đã đóng góp rất nhiều ý kiến liên quan đến các dự án luật, luật của Quốc hội cần được ban hành mới, chỉnh sửa, bổ sung để tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp hoạt động.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh vào ngày 2-3, cử tri đã đóng góp rất nhiều ý kiến liên quan đến các dự án luật, luật của Quốc hội cần được ban hành mới, chỉnh sửa, bổ sung để tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp hoạt động.

Cử tri đại diện doanh nghiệp trẻ phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Cử tri đại diện doanh nghiệp trẻ phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Một trong những vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều nhất là Quốc hội cần sớm ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo cơ chế cho khối doanh nghiệp này lớn mạnh lên. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

* Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đánh giá cao vai trò tích cực của doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước. Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Do đó, tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất - kinh doanh phù hợp với tình hình luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế.

Cử tri Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho rằng hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, như: tiếp cận mặt bằng, nguồn vốn vay tín dụng, trình độ quản trị... Thực tế trong thời gian qua, Quốc hội có ban hành một số nghị định về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng khi đi vào thực tiễn đã có những bất cập, một số chính sách còn mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có quy định hỗ trợ rõ ràng và kết quả hỗ trợ còn hạn chế.

Đồng tình với quan điểm này, cử tri Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cũng đề nghị phải có chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí “siêu nhỏ” vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Một số doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhu cầu rất nhỏ về mặt bằng sản xuất, chỉ cần khoảng 500m2 là đủ, nhưng nếu vào khu công nghiệp thì chi phí thuê mặt bằng giá thành rất cao, dẫn đến việc ký gia công với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp khó khăn vì không đủ điều kiện về mặt bằng sản xuất, dẫn đến có hợp đồng ký rồi phải dừng lại. Do đó, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thể hiện chi tiết các điều khoản hỗ trợ từng lĩnh vực ngành nghề, từng đối tượng cần được tạo điều kiện. Vì nếu không tạo điều kiện thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa không bao giờ “lớn” được.

Cử tri đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan kiến nghị Quốc hội xem xét những khoản quyên góp của doanh nghiệp hỗ trợ xây cầu, làm đường được khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, cử tri thuộc Hiệp hội Gốm mỹ nghệ tỉnh kiến nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp cho việc sản xuất dòng gốm đen vì trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh không cho xây lò củi, nếu không sẽ không thể bảo tồn và phát triển được dòng gốm này…

* Tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh. Đối với những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh có giải đáp và sẽ thông tin lại cho cử tri. Những ý kiến, kiến nghị liên quan đến các luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để đưa ra thảo luật tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Riêng với kiến nghị về thuê mặt bằng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cho là hợp lý, nên sẽ đề nghị UBND tỉnh quan tâm. Sở Công thương cần rà soát và  làm việc lại với các huyện có quy hoạch cụm công nghiệp chưa triển khai hạ tầng xem có khả thi hay không, khả thi ở mức độ nào. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai phải có đề xuất Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp vào cụm công nghiệp nào cho nhanh chóng và thuận lợi.

Về kiến nghị bảo tồn dòng gốm đất đen, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đề nghị Sở Công thương lưu ý lại vấn đề này vì tỉnh đã có đề án bảo tồn, phát triển dòng gốm truyền thống của tỉnh. Mục đích di dời các cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để tập trung doanh nghiệp sản xuất ngành gốm nhằm quản lý về môi trường. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu xem xét cho sản xuất dòng gốm đất đen trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, với điều kiện phải kiểm soát môi trường một cách chặt chẽ hơn. 

Ngọc Thư

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích