Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể phủ nhận thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

10:02, 08/02/2017

Dịp kỷ niệm 87 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề "tại sao phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng đảng về mặt đạo đức?".

Dịp kỷ niệm 87 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề “tại sao phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng đảng về mặt đạo đức?”. Sau đó, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết có tính chất phê phán, phủ định, thậm chí hằn học phủ nhận những thành tựu của đất nước. Một trong những bài viết đó là Đảng Cộng sản Việt Nam cần thay đổi hay giải tán? của Phạm Hoàng Nam.

Công nhân trên dây chuyền chế biến mủ cao su. Ảnh: Nguyễn Văn Hòa
Công nhân trên dây chuyền chế biến mủ cao su. Ảnh: Nguyễn Văn Hòa

Trong bài viết của mình, Phạm Hoàng Nam phủ nhận 3 vấn đề: “1. Kinh tế, xã hội phát triển? 2. An ninh quốc phòng được giữ vững? 3. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, vị trí của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao? (tác giả giữ nguyên văn trích dẫn, kể cả các dấu câu). Cũng phải công nhận rằng trong bài viết của mình, Phạm Hoàng Nam cũng có đưa ra những dẫn chứng để có dữ liệu phản bác nhưng chủ yếu vẫn là một chiều, võ đoán và không có căn cứ.

Bài viết này phản biện luận điểm đầu tiên mà Phạm Hoàng Nam đưa ra về nội dung “Về kinh tế, xã hội phát triển”.

Trong bài viết của mình, Phạm Hoàng Nam viết: “Tờ VNExpress số ra ngày 1-11-2016 có bài “Bộ trưởng Tài chính: 15 năm, nợ công tăng gần 15 lần”. Trong đó có nêu cụ thể “Người đứng đầu ngành tài chính đưa số liệu cho thấy tỷ lệ tương đối về nợ công đã tăng từ mức 36,5% GDP năm 2001 lên hơn gấp rưỡi - 62,2% GDP vào năm 2015. Còn xét về quy mô, số liệu năm 2015 đạt 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010 và 14,8 lần năm 2001. Hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, âm vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Số nợ công bình quân đầu người hiện nay khoảng trên 30 triệu đồng/người. Để giải quyết tình trạng đó, nhà nước đã chọn giải pháp in thêm tiền tung vào trong dân khiến cho tình trạng lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá và người cuối cùng phải gánh chịu còn ai khác ngoài dân đen?”.

Đúng là nợ công của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao và mỗi người Việt Nam đang gánh số nợ nhiều chục triệu đồng. Quốc hội Việt Nam ấn định trần nợ công không được vượt quá 65% GDP. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc có thể phải nới trần nợ công bởi có thể đã vượt quá 65%GDP. Đúng là tỷ lệ nợ công cao đã gây áp lực rất lớn cho đất nước và có thể đưa đến nhiều hệ lụy không mong đợi. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những bước đi, giải pháp phù hợp để hạn chế tỷ lệ nợ công. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia nằm trong số những nước có nợ công cao trên thế giới...

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2014 vào ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ khi ấy là Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” (Báo điện tử Dân trí ngày 29-10-2014).

Như vậy có thể thấy, mặc dù nợ công của Việt Nam hiện nay có thể vượt ngưỡng an toàn mà Quốc hội cho phép là 65% GDP, nhưng Việt Nam vẫn chưa phải là những nước có nợ công cao trên thế giới theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (World economic forum).

Về vấn đề Phạm Hoàng Nam nêu “hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, âm vốn hàng chục ngàn tỷ đồng”. Đây là điều có thực và Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt ngăn chặn tình trạng này bằng tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa công khai, minh bạch, theo giá thị trường, thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Những chủ trương, chính sách quyết liệt này đã thật sự khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Năm 2016, đã có 110 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đây được xem là năm có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn nhất từ trước đến nay.

Về cái mà Phạm Hoàng Nam gọi là để giải quyết vấn đề nợ công, Nhà nước Việt Nam chọn giải pháp in thêm tiền tung vào trong dân khiến cho tình trạng lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá. Xin thưa, thông tin Nhà nước Việt Nam in thêm tiền Phạm Hoàng Nam lấy ở đâu? Trong quản lý kinh tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đang kêu gọi và khuyến khích đầu tư nước ngoài... việc in thêm tiền vào lưu thông không phải muốn là làm, nếu không muốn giữ ổn định nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhiều năm liền là điều không phải bàn cãi. Trong những năm qua, nền kinh tế tăng trưởng liên tục nhiều năm liền từ 4,4%/năm giai đoạn 1986-1990 lên gấp đôi 8,2%/năm giai đoạn 1991-1995; 7,6%/năm giai đoạn 1996-2000; giai đoạn 2001-2005 bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010 là khoảng 7%/năm. Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 5,9%/năm. Đặc biệt năm 2015, tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất với 6,68% và năm 2016 đạt 6,21%.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chăm lo các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo. Thành quả về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo kết quả điều tra, hiện cả nước có hơn 2,338 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,235 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam so các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng ở mức thấp và chỉ đứng sau Brunei Darussalam, Singapore (không có hộ nghèo) và Malaysia 0,6%.

Nếu như trước đổi mới đất nước năm 1986, lạm phát ở Việt Nam lên đến 3 con số, sau đó lạm phát đã được đưa về 12,7% năm 1995 và 4,5% năm 1996. Thu nhập bình quân đầu người năm từ 91 USD năm 1980 lên 289 USD vào năm 1995 và năm 2016 là trên 2.200 USD. Từ một đất nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới…

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam những năm qua là không thể phủ nhận.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều