Báo Đồng Nai điện tử
En

Vang vọng lời hịch non sông

10:12, 14/12/2016

Từ Hà Nội đi về hướng Hà Đông khoảng 10km, qua cây cầu trắng sẽ tới được làng lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng.

Từ Hà Nội đi về hướng Hà Đông khoảng 10km, qua cây cầu trắng sẽ tới được làng lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng. Nơi đây 70 năm trước, trên căn gác của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, một cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “dệt nên lời hịch non sông” bất hủ - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Ngày 19-12-1946 phát lệnh toàn quốc kháng chiến.
Ngày 19-12-1946 phát lệnh toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi đã nhanh chóng được phát đi và lan tỏa trong toàn quốc dân đồng bào nhất tề đứng dậy thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ, giành thắng lợi oanh liệt bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chôn vùi mộng tái xâm lăng của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Đề ra sách lược đấu tranh sáng suốt

Điểm lại lịch sử, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhà nước Việt Nam còn non trẻ, lực lượng vũ trang cách mạng đang trong quá trình xây dựng, tổ chức và trang bị còn thô sơ; nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu, bị kiệt quệ, tiêu điều bởi hậu quả của chính sách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ở phía Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch lợi dụng cơ hội vào đòi giải giáp quân Nhật; ở phía Nam, quân Pháp theo gót quân đồng minh vào chiếm đóng Sài Gòn. Tình hình đó đã đặt vận mệnh đất nước đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng, “ngàn cân treo sợi tóc”. Vấn đề cơ bản nhất đặt ra cho Đảng và nhân dân ta lúc này là phải giữ vững chính quyền cách mạng trước sự tiến công của những kẻ thù rất mạnh, độc ác và nguy hiểm. Vụ nổ súng gây hấn ở Sài Gòn ngày 23-9-1945, máu nhân dân Nam bộ đã đổ xuống, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược lại lần nữa nước Việt Nam do thực dân Pháp tiến hành. Ngọn lửa chiến tranh nhanh chóng lan rộng khắp vùng Nam bộ và Nam Trung bộ.

Tự vệ thành Hà Nội sẵn sàng đánh địch.
Tự vệ thành Hà Nội sẵn sàng đánh địch.

Trong tình hình phức tạp, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sách lược đấu tranh sáng suốt nhằm bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian để tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới. Thực hiện sách lược “Hòa để tiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, cho 15 ngàn quân Pháp vào thế chân 20 vạn quân Tưởng. Khi quân Tưởng rút về nước, bọn tay sai còn lại bị tan rã. Như vậy, ta đã gạt được quân Tưởng - là một kẻ thù nguy hiểm ra khỏi vòng chiến đấu để tập trung lực lượng chống thực dân Pháp.

Những cuộc đàm phán tiếp theo với Pháp ở Hội nghị trù bị Đà Lạt từ tháng 4 đến tháng 5-1946 và Hội nghị chính thức ở Fontainebleau bên Pháp từ tháng 7 đến tháng 9-1946 không đem lại kết quả. Thực dân Pháp vẫn ngoan cố không công nhận nền độc lập thực sự và chủ quyền toàn vẹn của dân tộc ta. Ta kiên quyết giữ vững lập trường hòa bình trong tự do, bình đẳng chứ không hòa bình trong nô lệ. Để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, ta ký với Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946. Đảng ta nhận định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta và ta nhất định phải đánh Pháp.

Đầu tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Công việc khẩn cấp bây giờ đặt nền móng tư tưởng chỉ đạo đường lối kháng chiến trong cả nước. Cũng trong tháng 11-1946, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành mở rộng các cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn và quyết liệt đối với miền Bắc Việt Nam. Đến đầu tháng 12-1946, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thực dân Pháp tăng thêm quân, chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng và Hải Dương, đưa thêm viện binh vào Hải Phòng, mở rộng đánh chiếm Đồ Sơn, Đình Lập và liên tiếp gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.

Nhận thấy rõ những âm mưu và hành động phá hoại của kẻ thù, nhưng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vẫn kiên trì đường lối hòa bình theo tinh thần Hiệp định sơ bộ ngày 6-3 và Tạm ước ngày 14-9 đã ký kết, nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng và những điều kiện tốt nhất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong khi đó, dù chúng ta đã thi hành nghiêm chỉnh hiệp định như đã ký kết, nhưng quân Pháp vẫn liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi của ta ở Hà Nội trong các ngày 15 và 16-12-1946. Trưa ngày 17-12, Pháp cho xe phá công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.

Nhằm xúc tiến việc mở rộng chiến tranh bằng hành động quân sự, sáng ngày 16, tướng Valluy từ Sài Gòn ra Hải Phòng triệu tập cộng sự, gồm: Morlière, Saintenyi, phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và các thành phố, thị xã từ Bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Ngày 18-12-1946, tướng Morlière gửi cho Chính phủ ta 2 tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại vật trên các đường phố, đòi để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng còn trắng trợn tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được đáp ứng thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946, chúng sẽ ra tay hành động. Và chính thức vào sáng 19-12, Pháp gửi tiếp cho ta một tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến và để cho chúng giữ trật tự toàn thành phố.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Ngay tại miền Đông Nam bộ, nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt đã nổ ra và giành thắng lợi to lớn. Nổi bật là trận phục kích đoàn cán bộ sĩ quan cao cấp quân Pháp và chư hầu từ Sài Gòn lên Đà Lạt đầu xuân năm 1948 tại cầu La Ngà trên quốc lộ 20 của Chi đội 10 do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy, ta phá hủy 59 xe quân sự của địch, diệt 150 binh lính hộ tống, 25 tên sĩ quan chỉ huy, hậu cần, tham mưu đi dự hội nghị quân chính, bắt sống Trung úy Jefferey, chỉ huy đại đội hộ tống. Trận đánh đã góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, là nỗi khiếp đảm cho quan quân Pháp thời bấy giờ và là một trong những trận phục kích đạt hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Về phía ta, ngày 17-12-1946, Hội đồng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự có mặt của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo diễn biến tình hình chiến sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng. Căn cứ vào Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 9-11-1946 về việc “tuyên chiến hay đình chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo với Hội đồng Chính phủ và Thường trực Quốc hội để thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Ngày 18 và 19-12-1946, tại gác hai căn nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Bác đã khởi thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và chủ tọa hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng. Lời kêu gọi nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Đây là một trong những văn kiện lịch sử, đánh dấu mốc mở đầu trường kỳ kháng chiến và cũng được coi sự cáo chung, kết thúc chế độ thực dân kiểu cũ và mới ở Việt Nam, mở thêm một trang mới trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược của dân tộc. Cũng từ đây, mùa đông năm 1946, mỗi góc phố, mỗi con đường đã trở thành chiến hào của người Hà Nội, với tinh thần cao độ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Hà Nội đã  thực hiện “vườn không nhà trống” để rồi sau 9 năm ròng rã kháng chiến trường kỳ và thắng lợi huy hoàng. Ảnh hưởng của lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lan tỏa trên cả nước.

Nguyễn Minh Đức

 

 

Tin xem nhiều