Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nóng" chuyện dân sinh

10:12, 09/12/2016

Ngày 8-12, các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp thứ 3 đã dành một ngày để tập trung thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Ngày 8-12, các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp thứ 3 đã dành một ngày để tập trung thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết

Rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh đã được các đại biểu nêu ý kiến, thảo luận để tìm biện pháp giải quyết, trong đó đáng chú ý là những lo ngại về tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan; nhiều dự án treo làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, và đặc biệt là báo động về xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. 

Xử lý triệt để tận gốc hàng giả

Đại biểu Lê Ngọc Minh, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến của người dân rất bức xúc vì vi phạm trên lĩnh vực môi trường gia tăng, trong khi mức xử phạt còn quá nhẹ. Chính vì vậy mà không ít doanh nghiệp chấp nhận đóng phạt vi phạm môi trường để trục lợi. Đây là kẽ hở trong thực thi pháp luật trên lĩnh vực môi trường, rất cần được kiến nghị lên cơ quan cấp cao hơn để sửa đổi. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng việc tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực này, nếu cơ quan quản lý chậm phát hiện vi phạm cũng phải bị xem xét trách nhiệm.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết mặc dù thời gian qua công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2016, quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát trên 2,8 ngàn vụ buôn lậu, trong đó 207 vụ hàng giả, tăng 47 vụ so với năm 2015. Cuộc đấu tranh chống hàng giả còn không ít khó khăn vì quy trình thẩm định khá phức tạp, phải có chủ sở hữu yêu cầu, hoặc chủ sở hữu có đăng ký bảo hộ mới làm quyết liệt được vấn đề này. Ngoài ra, một số chủ sở hữu, doanh nghiệp khi phát hiện trên thị trường có hàng giả thì lại e ngại, sợ người tiêu dùng biết có hàng giả sẽ giảm doanh thu nên không khai báo; việc cung cấp thông tin giữa cơ quan, ban, ngành chưa kịp thời.

Để khắc phục tình trạng này, ông Dương Minh Dũng cho biết hiện đã có lực lượng nòng cốt chuyên đấu tranh phòng chống hàng giả là lực lượng Ban Chỉ đạo 389. Trong thời gian qua, lực lượng này làm rất mạnh dạn, quyết liệt. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chuyên đề đấu tranh chống hàng giả trên từng lĩnh vực, từng giai đoạn và ra quân quyết liệt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Sở Công thương đã chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường ngay từ tháng 10 xây dựng kế hoạch tập trung vào kiểm tra thị trường trước, trong và sau tết. Trước mắt, lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra tất cả các kho, bãi nơi xuống hàng và tập kết hàng hóa; trong tết tập trung vào các cửa hàng, các chợ có hàng hóa lưu thông; sau tết tập trung vào vấn đề bình ổn thị trường sau tết.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhận định trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2017, nhu cầu của nhân dân rất lớn về thực phẩm, hàng tiêu dùng, vì thế Sở Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như người sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội (tổ đại biểu huyện Thống Nhất) cũng đề nghị Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh tập trung xem xét lại trên địa bàn tỉnh có cơ sở nào làm hàng gian, hàng giả không, nếu có phải xử lý triệt để tận gốc. Nếu hàng gian, hàng giả từ nơi khác về đây thì tập trung kiểm tra ở chợ đầu mối, những kho trung chuyển, kho lớn nếu phát hiện phải xử lý ngay.

Kiên quyết thu hồi các dự án “ôm đất chờ thời”

Thảo luận tại tổ, vấn đề quy hoạch, dự án chậm triển khai cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho rằng bên cạnh nguyên nhân khách quan về quy trình còn có yếu tố chủ quan là năng lực các nhà đầu tư. Trên địa bàn huyện Nhơn Trạch hiện có hàng trăm dự án chậm triển khai so với kế hoạch. Địa phương đã đề nghị thu hồi 14 dự án, nhưng trên thực tế mới thu hồi được 3 dự án. Từ thực tiễn ở Nhơn Trạch, đại biểu đề nghị cơ quan quản lý kiên định trong công tác quy hoạch, không chạy theo kiến nghị của chủ đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án “ôm đất chờ thời”.

Đại biểu Lâm Thanh Đức (đơn vị Xuân Lộc) tham gia thảo luận tại kỳ họp.
Đại biểu Lâm Thanh Đức (đơn vị Xuân Lộc) tham gia thảo luận tại kỳ họp.

Trả lời các vấn đề đại biểu nêu ra tại các phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết nguyên nhân chính khiến các dự án chậm triển khai, kéo dài là do nền kinh tế còn nhiều khó khăn; năng lực tài chính hạn chế của các chủ đầu tư, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Để xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, phân loại các dự án nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Theo đó, trường hợp các dự án chậm tiến độ thuộc loại không khả thi, kéo dài nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân (mới bồi thường dưới 50% diện tích đất dự án) sẽ xử lý theo hình thức chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các dự án đã bồi thường xong nhưng chủ đầu tư không có khả năng thực hiện, UBND tỉnh sẽ chuyển đổi chủ đầu tư nhằm phát huy nguồn lực, đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình của dự án. “Trong khó khăn chung của nền kinh tế, tỉnh chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp nhưng cũng có thái độ dứt khoát đối với một số chủ đầu tư chậm triển khai dự án mà không có lý do chính đáng, từng bước khắc phục tình trạng dự án treo gây bức xúc trong nhân dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.

Gia tăng trẻ em bị xâm hại

Đại biểu Huỳnh Văn Lưu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (tổ đại biểu TP.Biên Hòa), cho biết tình trạng trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê, số trẻ em bị xâm hại năm 2016 là 69 em, tăng 14 trường hợp so với năm 2015. Tuy nhiên, đây mới là con số đã được cơ quan chức năng xử lý chứ chưa phải tất cả, bởi nhiều trường hợp người bị hại không tố cáo. Do đó, việc xử lý vấn đề này còn nhiều bất cập do nhận thức của người dân, phong tục tập quán, quan hệ dòng tộc…

Đại biểu Huỳnh Văn Lưu nhấn mạnh: “Trẻ em phải được bảo vệ và tự bảo vệ. Tự bảo vệ là phải được trang bị kiến thức phòng ngừa, còn được bảo vệ cần sự vào cuộc của chính gia đình, các tổ chức, đoàn thể. Nhất định không bao che, giấu giếm, dung túng cho loại tội phạm này”.

Cùng quan điểm với đại biểu Huỳnh Văn Lưu, Phó giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Kim cho biết có đến 80% số trẻ bị xâm hại là con công nhân lao động hoặc người dân sinh sống ở vùng nông thôn. Do không được đến trường phải ở nhà một mình hoặc gửi ở nhà người quen, nhiều trẻ đã bị chính người thân của mình xâm hại. Tuy nhiên, việc xử lý những vụ án xâm hại rất khó khăn do người bị hại thường quá nhỏ, đối tượng phạm tội lại là cha ruột, anh ruột hoặc người quen biết nên thường được che giấu tội hoặc khai báo không đúng. Không ít vụ đã phải đình chỉ án do không tìm được chứng cứ phạm tội.

“Để hạn chế tình trạng này, biện pháp phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất, từ trong gia đình và có sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức để người dân có trách nhiệm hơn với con em mình” - đại biểu Nguyễn Văn Kim nói.

Nguyễn Phượng - Đặng Ngọc

 

 

 

Tin xem nhiều