Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận tâm với công tác Hội

10:12, 28/12/2016

Mặc dù không còn đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Bình (huyện Long Thành), nhưng bà Nguyễn Thị Là vẫn tham gia công tác Hội với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Mặc dù không còn đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Bình (huyện Long Thành), nhưng bà Nguyễn Thị Là vẫn tham gia công tác Hội với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Bà Nguyễn Thị Là (trái) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo của các cấp Hội phụ nữ huyện Long Thành tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX chiều 28-12.
Bà Nguyễn Thị Là (trái) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo của các cấp Hội phụ nữ huyện Long Thành tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX chiều 28-12.

17 năm gắn bó với công tác Hội, bà luôn là tấm gương cán bộ Hội điển hình, năng động, thực sự là đầu tàu trong tập hợp chị em tham gia tổ chức Hội. Theo bà Nguyễn Thị Là, thời điểm xã Phước Bình tách ra từ xã Phước Thái, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Bình chỉ có khoảng 500 hội viên, đến nay hội viên đã tăng lên 2.500 người. Để chị em tham gia vào Hội, khi mới đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, mặc dù đường sá trong xã đi lại khó khăn nhưng không quản ngày đêm, mưa nắng, bà vẫn cần mẫn đến với chị em ở cơ sở. Chính việc thường xuyên đi cơ sở, gần gũi với chị em mà bà hiểu được tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Từ đó, bà đề xuất các hoạt động hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, giúp chị em có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, bà còn triển khai thành lập 8 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để làm nơi lánh nạn cho chị em bị bạo hành gia đình. Bà còn trực tiếp tham gia hòa giải các vụ bạo hành trong gia đình, góp phần giảm hậu quả mà bạo lực gia đình gây ra cho phụ nữ.

Sự tận tâm của bà Là đối với công tác Hội còn thể hiện ở chỗ, khi gặp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc con em hội viên vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường, bà đều tìm cách giúp đỡ. Điển hình, trường hợp gia đình em Dương Thị Nga là hộ nghèo. Cha của Nga bỏ đi, một mình mẹ nuôi 3 chị em Nga nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Cách đây 3 năm, mặc dù đã đến tuổi đi học nhưng Nga vẫn chưa được đến trường. Biết được hoàn cảnh của em, bà Là đã vận động hỗ trợ em tiền mua quần áo, cặp, sách vở giúp em đến trường.

Cách đây 5-6 năm, bà còn là người khởi xướng lớp học ban đêm xóa mù chữ cho phụ nữ ở làng dân tộc Chơro. Bà không chỉ dạy viết chữ, làm toán mà còn cùng với chị em chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giáo dục con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Sau 3 năm duy trì lớp học, 100% phụ nữ làng dân tộc Chơro đều biết đọc, biết viết giúp cho cuộc sống ngày càng khá lên.

Cẩm Tú

Tin xem nhiều