Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức sống mới ở Chiến khu Đ

10:12, 21/12/2016

Trong những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, vùng đất Chiến khu Đ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nay là các xã: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu) được mệnh danh là "vùng đất chết" bởi bom mìn dày đặc, hố bom ngổn ngang.

Trong những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, vùng đất Chiến khu Đ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nay là các xã: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu) được mệnh danh là “vùng đất chết” bởi bom mìn dày đặc, hố bom ngổn ngang. Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, vùng đất xưa đã có sự hồi sinh…

Thầy và trò Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) trong giờ học. Ảnh: V.TRUYÊN
Thầy và trò Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) trong giờ học. Ảnh: V.TRUYÊN

Nhớ về những năm tháng chiến tranh, ông Nguyễn Đình Biên, dân tộc Chơro,  Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, kể ông vốn được sinh ra và lớn lên ngay trong vùng Chiến khu Đ nên rành rẽ từng tấc đất, ngọn cây ở đây. Năm 14 tuổi, ông đã làm giao liên cho cách mạng. Khi đó, khẩu súng còn to và nặng hơn cả người nhưng việc gì cách mạng giao, ông cũng hoàn thành.

Một thời ác liệt

Hàng ngày, ông Biên có nhiệm vụ chuyển tài liệu cho cách mạng. Nhưng chuyển cho ai, cho đơn vị nào, ông không hề biết và người nhận cũng không biết ông là ai. Vì chiến tranh, mọi thứ đều phải bí mật. Cũng vì bí mật, ông thường xuyên phải hoạt động về đêm trong rừng nên chỉ những người sống ở rừng như ông mới biết lối đi.

Cuộc sống của bà con ngày ấy vô cùng khó khăn. Ban đầu, bà con sống tập trung ở khu vực Bà Hào, sau đó để tránh càn quét, bắn giết của giặc, bà con phải vào rừng sâu. Sống trong rừng sâu phải đối mặt với bệnh sốt rét, đói khát triền miên và không biết đã cướp đi bao sinh mạng của biết bao người.  Để cầm hơi, bà con đi đào củ mài, củ chụp, hái đọt mây, rau rừng ăn và chia cho bộ đội cùng ăn, lấy sức chiến đấu.

Nông dân mạnh dạn đầu tư làm giàu bằng cây có múi trên vùng đất chiến khu xưa. Ảnh: V.TRUYÊN
Nông dân mạnh dạn đầu tư làm giàu bằng cây có múi trên vùng đất chiến khu xưa. Ảnh: V.TRUYÊN

Sau khi đất nước thống nhất, bà con trở về làng sinh sống ở ấp Lý Lịch 1 như ngày nay. Lúc đầu bà con chưa quen cuộc sống mới, vẫn du canh du cư, phát nương làm rẫy, sống bằng nghề rừng là chủ yếu. Để giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống, năm 1984 mỗi hộ dân ở ấp Lý Lịch 1 được tỉnh cấp 1 hécta đất nông nghiệp, xây dựng cho nhà ở, đào giếng nước. Tiếp đến năm 1996, Lâm trường Vĩnh An đầu tư toàn bộ hệ thống điện thắp sáng cho các hộ, đồng thời ưu tiên nhận nhiều người dân địa phương vào lâm trường làm công nhân. Năm 2005, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng ấp Lý Lịch 1 thành làng dân tộc phát triển bền vững. Những năm qua, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư khoảng 3 tỷ đồng xây dựng Nhà dài cho ấp để làm nơi bảo tồn các hiện vật, hình ảnh văn hóa Chơro và là nơi truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho lớp trẻ.

Bí thư Chi bộ ấp Lý Lịch 1 Nguyễn Đình Biên, xúc động nói: “Việc đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Chiến khu Đ như một cách để Đảng và Nhà nước tri ân bà con trong những năm tháng chiến tranh đã đùm bọc, chở che cho cách mạng”.

Hồi sinh sự sống

Thiếu nhi tại xã Phú Lý vui chơi trong khuôn viên Trường mầm non Phú Lý (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).
Thiếu nhi tại xã Phú Lý vui chơi trong khuôn viên Trường mầm non Phú Lý (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).

“Đất lành chim đậu”, giờ đây ở xã Phú Lý không chỉ có đồng bào Chơro sinh sống mà có nhiều thành phần dân cư đến xây dựng kinh tế mới. Để người dân cùng chung sống hòa thuận, chăm lo xây dựng cuộc sống mới, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Trước đây, người dân sống chủ yếu vào khai thác rừng, từ khi tỉnh đóng cửa rừng, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân tập trung vào trồng trọt. Hiện nay, bình quân mỗi hộ trong xã có 5 sào đất trồng trọt, cá biệt nhiều hộ có từ 50 hécta đất trở lên. Một mẫu đất trồng trọt hiện nay ở Phú Lý cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Những cây trồng chủ yếu ở Phú Lý là xoài, quýt, cao su, điều và mía.

Anh Hà Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây trồng có múi của xã Phú Lý, chia sẻ hiện nay nhiều người trong xã đang trồng quýt đường. Nhiều người đã trở thành tỷ phú từ quýt.

Hàng năm, xã còn trực tiếp liên hệ các công ty để nhận lao động của xã vào làm việc. Hiện nay, mỗi ngày ở Phú Lý có 6 chuyến xe chở lao động của xã ra làm việc trong các công ty ở 2 huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom. Có việc làm, có thu nhập, số hộ nghèo của Phú Lý hiện chỉ còn 43 hộ.

Nếu Phú Lý được thành lập cách đây 40 năm thì Mã Đà chỉ mới được thành lập 13 năm. Lúc mới thành lập, Mã Đà được liệt vào dạng “nhiều không”: không đất, không sổ đỏ, không hộ khẩu, không điện, không nước, không có nhà xây dựng kiên cố, không trụ sở làm việc… Những ngày đầu thành lập, Mã Đà là xã có nhiều hộ nghèo nhất huyện, với hơn 800 hộ nghèo.

Hiện nay, tuy vẫn còn khó khăn nhưng Mã Đà đã có nhiều đổi thay. 5/7 ấp đã có điện; cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, trụ sở xã, trung tâm văn hóa học tập cộng đồng được xây dựng khang trang; các tuyến đường trong xã cơ bản được trải nhựa và bê tông hóa. Mới đây, huyện tiếp tục có chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, chợ, nhà văn hóa ấp, trường mầm non, nhà làm việc cho Công an xã. Tới đây, trên địa bàn xã sẽ còn được đầu tư xây dựng nhà máy nước, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Không chỉ thay đổi bộ mặt bên ngoài, chất lượng cuộc sống người dân ở Mã Đà cũng từng bước chuyển biến. Từ chỗ chỉ trồng cây tạp, nay người dân đã biết trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, xoài được xác định là cây chủ lực của xã. Xã đang triển khai dự án ghép, cải tạo nhanh xoài 3 mùa sang xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, đồng thời nhân rộng các mô hình trồng bưởi, quýt, cam… Ngoài ra, trên địa bàn xã đang có nhiều hộ nuôi ba ba, nai, gà thả vườn, nuôi cá ở lòng hồ Trị An… cho thu nhập khá cao. Qua đó, số hộ nghèo trên địa bàn xã ngày càng giảm, hiện chỉ còn hơn 200 hộ. Mã Đà đang phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt các tiêu chí về nông thôn mới.

Chia tay với vùng đất Chiến khu Đ, trong lòng chúng tôi ai cũng mừng vui. Vùng đất khốc liệt đầy hố bom, vỏ đạn xưa kia nay là những màu xanh ngút ngàn của sự sống. Sự sống đang được hồi sinh mạnh mẽ ở nơi đây...

Lý giải về việc vì sao đồng bào Chơro lại có họ Nguyễn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý Phan Thanh Chương giải thích, đúng ra đồng bào Chơro ở đây mang họ “Hồng”, họ “Điểu” nhưng đồng bào lại chọn họ “Nguyễn” - họ của Bác Hồ. Đồng bào Chơro ấp Lý Lịch 1 chỉ một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Cứ thấy người lạ vào làng, bà con thông báo cho nhau cảnh giác, rồi báo cấp ủy, chính quyền biết. Hầu như trong làng không có ai vướng vào tệ nạn xã hội.

Không chỉ phát triển về kinh tế, những năm qua Phú Lý còn được đầu tư mạnh mẽ điện, đường, trường, trạm. Trước năm 2005, cán bộ xã muốn về huyện họp phải đem theo 1 bộ quần áo vì phải đi đường đất đỏ, khi đi bụi bám đầy người, xuống tới nơi phải thay bộ khác mới có thể ngồi họp được. Nay, đường ở Phú Lý đã được trải nhựa phẳng lì. Trong xã có đầy đủ các bậc học, từ trường mầm non đến THPT. Hàng năm, tỷ lệ học sinh của xã thi đậu cao đẳng, đại học chiếm 30-35%. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của xã giờ đây đã trở thành cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp.

Phương Hằng
 

 

 

 

 

Tin xem nhiều