Báo Đồng Nai điện tử
En

Một thời để nhớ

10:12, 16/12/2016

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những năm tháng nơi ''rừng thiêng, nước độc'' ở vùng đất ''Mã Đà sơn cước'' vẫn còn đọng lại trong tâm trí những người chiến sĩ cách mạng, để mỗi khi có dịp trở về chiến khu, họ lại thổn thức.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những năm tháng nơi ‘’rừng thiêng, nước độc’’ ở vùng đất ‘’Mã Đà sơn cước’’ vẫn còn đọng lại trong tâm trí những người chiến sĩ cách mạng, để mỗi khi có dịp trở về chiến khu, họ lại thổn thức.

Ông Huỳnh Công Trạch (ngụ KP.2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) tìm lại những hình ảnh, tư liệu về Chiến khu Đ.
Ông Huỳnh Công Trạch (ngụ KP.2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) tìm lại những hình ảnh, tư liệu về Chiến khu Đ.

Đó là những ngày tháng hành quân, sống và chiến đấu ở rừng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt với thú dữ, rắn rết, sên, vắt, muỗi...; với những bữa ăn chỉ có rau rừng, củ chụp thay cơm... mà vẫn lạc quan yêu đời, giữ một niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ.

Gian nan đường về chiến khu

Trong suốt khoảng thời gian hoạt động cách mạng, kỷ niệm về những ngày ở rừng với bà Nguyễn Bạch Tuyết (Sáu Tuyết), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng Khu Đông Nam bộ nhiều không hết. Nhưng khi nhắc đến Chiến khu Đ, bà không sao quên được thời điểm nhận nhiệm vụ về công tác tại Liên tỉnh ủy miền Đông. Đó là năm 1960, lúc ấy do bộ phận phụ vận ở Liên tỉnh ủy miền Đông tan rã nên bà được tổ chức đều về phụ trách bộ phận phụ vận ở đây. Ngay sau khi nhận được thông tin, bà Sáu Tuyết nhanh chóng lên đường từ căn cứ Bà Rịa trở về với chiến khu.

Mặc dù được tổ chức làm thủ tục công khai, song con đường trở về chiến khu của bà gặp khá nhiều trắc trở, phải đối mặt với sự rình rập của bọn tay sai đế quốc. Bà Sáu Tuyết kể, trên đoạn đường đi Củ Chi bằng xe ngựa, qua câu chuyện của những người dân đi chung xe, bà và một người giao liên khác quyết định không đi tiếp vào căn cứ mà quay trở về Sài Gòn. Lúc này, ở Sài Gòn các cơ sở cách mạng, nhất là bộ phận giao liên đều đã bị vỡ. Được sự giới thiệu của người giao liên đi cùng, bà vào tá túc trong nhà người quen của chị giao liên. Nhưng không ngờ, chủ nhà chính là người trước đây làm ở Ty Cảnh sát Bà Rịa. Ban đầu, bà được tiếp đón khá chu đáo, nhưng đó là một âm mưu. May mắn là bà kịp thời phát hiện nên tìm được cách đối phó. Tuy nhiên, phải đến 2 lần bà mới trốn thoát khỏi sự theo dõi của địch. Trở về và ở lại một nhà người quen ở huyện Định Quán khoảng 1 tuần thì bà được người của Liên tỉnh ủy miền Đông đưa về công tác tại xã Kiến An, thuộc Bắc Bến Cát (nay thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) để chờ ngày trở về Chiến khu Đ.

Mô hình tái hiện cách thức bộ đội đào củ chụp làm lương thực.
Mô hình tái hiện cách thức bộ đội đào củ chụp làm lương thực.

Nói về những gian khổ trên đường trở về Chiến khu Đ, trong bài viết Chặng đường hành quân từ Tây Ninh về với Mã Đà của ông Trần Minh Tâm (đã mất), cán bộ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà in trong cuốn Trung ương Cục miền Nam Chiến khu Đ (1961-1962) cũng phần nào nói lên điều đó. Ông kể, đầu năm 1961, căn cứ Xứ ủy Nam kỳ đóng tại Chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Tuy nhiên, tình hình chiến sự thay đổi nên một bộ phận đóng tại Chiến khu Dương Minh Châu rời về Mã Đà. Trước khi khởi hành về với Mã Đà, mọi người được lệnh ngủ sớm. Nhưng chưa tròn giấc thì lệnh hành quân phát ra. Hành quân được vài ngày thì bàn chân của ông vừa rát vừa đau, tệ hơn nữa là gót và khớp bàn chân sưng lên, phải dùng nước muối ngâm, dần dần mới bớt đau. Cũng trên đường hành quân về Mã Đà, do căn cứ mới chưa xây dựng xong, địch đang hoạt động ở địa bàn chuẩn bị hành quân qua, phải chờ tình hình ổn mới đi tiếp nên cả đoàn hành quân của ông Trần Văn Tâm phải đóng quân cả tháng mới đi tiếp.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu

Không chỉ sản xuất mà cán bộ, chiến sĩ tại Chiến khu Đ còn kiên cường chiến đấu. Từ tháng 8 đến giữa tháng 9-1963, địch mở cuộc càn lớn vào Chiến khu Đ, đồng thời bịt kín các cửa khẩu gây khó khăn cho ta. Lúc này, các đơn vị đóng tại Chiến khu Đ không chỉ duy trì sản xuất, chuẩn bị cho những trận đánh lớn mà còn tham gia chống càn, bảo vệ căn cứ tại Chiến khu Đ.

Trong bài Nhớ những ngày ở Chiến khu Mã Đà, ông Trần Bạch Đằng - nhà nghiên cứu, nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (đã mất) in trong cuốn sách Trung ương Cục miền Nam Chiến khu Đ (1961-1962) đã kể lại rất nhiều câu chuyện mà bản thân ông đã trải qua tại Chiến khu Đ - Mã Đà. Theo đó, giữa mùa mưa năm 1961, Thường trực Xứ ủy Nam kỳ quyết định toàn bộ cơ quan Xứ ủy và trực thuộc chuyển sang căn cứ Chiến khu Đ, chính xác là vùng đất Mã Đà. Cái khó đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này chính là lợp cái chòi bằng chất liệu nào, bởi theo lý giải của ông Trần Bạch Đằng, Mã Đà không có lá tranh, rất ít lá trung quân nên đành phải dùng lá mây. Tuy nhiên, thân lá mây nhỏ, khi lợp chòi không trú được mưa, đêm nằm ngó thấy cả sao trên trời. Điều mà cán bộ, chiến sĩ sợ nhất là vắt, anh em chưa đổ máu bởi quân địch mà đã đổ máu bởi vắt. Rồi chưa kể đây còn là ổ của bệnh sốt rét ác tính, chưa dựng xong chòi, nhiều người đã run lập cập, sốt cao. Chưa hết, dự trữ lương thực ở đây rất mỏng, chỉ sau mấy ngày sang Mã Đà, Ban căn cứ đã tổ chức đoàn đi tải gạo. Đường đi tải gạo không xa nhưng trời mưa trơn trượt, đèo dốc nên cũng phải mất mấy ngày mới về tới căn cứ.

Có thời điểm, địch phong tỏa gắt gao, cạn kiệt lương thực, cán bộ, chiến sĩ phải đi đào củ chụp ăn chống đói. Ông Huỳnh Công Trạch (Năm Trạch), người có 13 năm sống và hoạt động tại Chiến khu Đ, từng là Phó ban Cơ yếu khu ủy (hiện ngụ ở TP.Biên Hòa), cho biết củ chụp là một dạng củ được hình thành do rễ dây leo, cho một lượng tinh bột lớn. Loại củ này thường được đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng làm lương thực trong những tháng mất mùa. Mới đặt chân đến Chiến khu Đ “bài học nhập môn” của ông là đào củ chụp. “6 giờ sáng ở trong rừng, trời còn tối tôi và đồng đội đã lên đường đi tìm củ chụp. Vào mùa mưa, loại củ này dễ phát hiện vì còn dây leo. Nhưng bước sang mùa nắng, dây khô rụng thành từng đốt, từng cọng dưới đất, phải là dân nhà nghề mới phát hiện ra được. Quá trình đào củ chụp phải đổ mồ hôi, thậm chí là máu bởi chỉ cần không để ý, vắt bám đầy chân hút máu; còn muỗi thì bay như ong. Để đối phó với vắt, chỉ có cách duy nhất lúc bấy giờ là dùng muối xát vào chân, độ mặn của muối sẽ hạn chế vắt bám và hút máu; còn đối với muỗi thì chốc chốc phải khua thật mạnh để muỗi tản ra” - ông Năm Trạch kể.

Sớm nhận thấy việc tải gạo chỉ có thể thực hiện khi không có sự vây hãm của địch, củ chụp cũng không thể ăn chống đói mãi nên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ đã đề ra việc cấp thiết trước mắt là tổ chức sản xuất tự túc trong vùng căn cứ, có dự trữ cơ sở vật chất để chuẩn bị đón cán bộ, chiến sĩ từ Trung ương vào chiến đấu, công tác.

Cố Đại tá Trần Công An, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong bài viết Sản xuất - chiến đấu trong căn cứ Trung ương Cục miền Nam, cho hay năm đầu rẫy chỉ có khoảng 40 mẫu, anh chị em khai hoang thêm tổng cộng khoảng 250 mẫu trồng mì, bắp, lúa. Cuối năm 1962, thu hoạch khoai mì và bắp dư ăn. Phần lớn mì sau khi nhổ lên, bóc vỏ, rửa sạch, xắt lát phơi hoặc sấy khô, cung cấp mấy chục tấn cho các đoàn hành quân xuống chiến trường Bà Rịa. Sau này nhờ trang bị thêm công cụ sắc bén, cả đơn vị phát thêm được 1 ngàn mẫu đất để xuống mì, bắp, lúa; chăn nuôi heo, đánh cá... đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các cơ quan tại chiến khu...

Nga Sơn

Tin xem nhiều