Báo Đồng Nai điện tử
En

Căn cứ địa cách mạng trong lòng địch

07:12, 15/12/2016

Với sự hậu thuẫn của quân Anh và Nhật, thực dân Pháp sau lần thất bại tháng 8-1945 lập tức quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tương quan lực lượng không cân sức, các đơn vị kháng chiến của ta dần rút ra vòng ngoài để bảo toàn và củng cố lực lượng.

Với sự hậu thuẫn của quân Anh và Nhật, thực dân Pháp sau lần thất bại tháng 8-1945 lập tức quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tương quan lực lượng không cân sức, các đơn vị kháng chiến của ta dần rút ra vòng ngoài để bảo toàn và củng cố lực lượng.

Quân giải phóng miền Nam trong ngày thành lập Chiến khu Đ.
Quân giải phóng miền Nam trong ngày thành lập Chiến khu Đ.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, từ cuối năm 1945 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng phải là những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ... Kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo.

Đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến

Thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào ngày 23-9-1945 với ý định ban đầu là nhanh chóng đánh chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn làm bàn đạp, chuẩn bị và mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các tỉnh Nam bộ trong thời gian ngắn, tiến hành bình định và từ đó đánh chiếm miền Bắc Việt Nam.

Nhân dân Nam bộ sau 28 ngày độc lập (kể từ đêm 24 rạng sáng 25-8-1945), một lần nữa phải đứng dậy chiến đấu bảo vệ quyền bất khả xâm phạm thiêng liêng của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn với gậy tầm vông, giáo mác và mọi vũ khí có trong tay đã đứng lên chiến đấu ngoan cường, hình thành các mặt trận xung quanh thành phố, vây hãm chúng trong tình trạng bất ngờ. Cuối tháng 10-1945, có thêm viện binh, thực dân Pháp quyết định phá vòng vây xung quanh Sài Gòn, trong đó Biên Hòa, Thủ Dầu Một - cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn, trở thành một trong những mục tiêu đánh chiếm đầu tiên của địch.

Do tương quan lực lượng không cân sức, các đơn vị kháng chiến dần rút ra vòng ngoài để đảm bảo an toàn, củng cố lực lượng. Có được căn cứ Tân Uyên đứng chân khá vững chắc sau 2 tháng kể từ khi thực dân Pháp đánh lên Biên Hòa, Thủ Dầu Một, đầu năm 1946 bộ đội ta bất ngờ nổ súng tấn công vào các trạm gác, công sở, nhà lao, đầu cầu đã gây tiếng vang lớn về chính trị. Từ đây, những người yêu nước từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, các sở cao su, các tỉnh miền Tây tìm về căn cứ Tân Uyên ngày càng đông. Lúc này, Tân Uyên trở thành một trong những trung tâm kháng chiến ở miền Đông Nam bộ.

Trở thành căn cứ cũng đồng nghĩa Tân Uyên trở thành mục tiêu đánh chiếm của thực dân Pháp. Cuối tháng 1-1946, Pháp tổ chức tiến công vào căn cứ Tân Uyên và đây cũng là lần đầu tiên bộ đội ta phải đương đầu với lực lượng và phương tiện vũ khí áp đảo. Tuy nhiên, nhờ thông hiểu địa hình, bộ đội ta rút vào căn cứ an toàn. Sau lần này, công tác xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai tương đối có hệ thống.      

Chấp hành nghiêm chỉnh tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, ở chiến trường Nam bộ, Chiến khu Đ đã được hình thành, củng cố và phát triển qua các giai đoạn của cách mạng miền Nam.

* Hậu phương tại chỗ của miền Đông

Cuối năm 1946, cuộc chiến tranh lan rộng ra toàn quốc. Trong tháng 12, Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư và điện cho Xứ ủy Nam bộ phổ biến chủ trương gấp rút chuẩn bị kháng chiến toàn quốc và chỉ thị: “Nhiệm vụ Nam bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam bộ ra đánh Trung, Bắc”. Lúc này Chiến khu Đ được ví như “thủ đô cách mạng” của tỉnh Biên Hòa và một số vùng kế cận thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Trong cuốn Hào khí Đồng Nai lịch sử Chiến khu Đ của Nhà xuất bản Đồng Nai, xuất bản năm 1997, viết: Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tác chiến kìm chân địch, trong chiến khu các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện, các bộ phận phục vụ khánh chiến, như: vận tải, quân nhu, quân giới, quân y hoạt động náo nhiệt. Cán bộ, bộ đội và nhân dân phấn khởi tham gia công tác và sinh hoạt văn hóa trong chiến khu. Điển hình, Văn phòng Chi đội 10 có phòng thông tin trưng bày sách báo và hình ảnh tuyên truyền. Các tờ báo Vệ quốc, Việt Nam của Phòng Chính trị Khu 7, tờ Tiếng rừng và sau đó là Sứ mạng của Vệ quốc đoàn, sách báo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, các loại truyền đơn in rất đẹp bằng nhiều thứ tiếng được lưu hành rộng rãi... Sách báo từ chiến khu gửi về thành thị, thư từ hàng hóa từ thành thị gửi vào chiến khu trở thành mối giao lưu thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, khích lệ họ hăng hái kháng chiến và giữ vững lòng tin sắt son với Đảng.

Hơn thế, Chiến khu Đ còn là nơi vừa sản xuất vừa gầy dựng cơ sở cách mạng trong các buôn sóc, trong đồng bào dân tộc; vừa đảm bảo nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo vừa chiến đấu. Chiến khu Đ đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững và mở rộng địa bàn của mình, trở thành nơi dưỡng quân, huấn luyện, nâng cao chất lượng bộ đội và du kích, đáp ứng nhu cầu kháng chiến của miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ.

Là căn cứ chính của Nam bộ, Chiến khu Đ ngoài các nhiệm vụ chính của mình như trước đây, từ ngày 1-5-1952 còn được Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa của Trung ương do Liên khu V chuyển giao từ Bình Thuận vào Chiến khu Đ và phân cho các đơn vị trên chiến trường.

Lịch sử Chiến khu Đ là lịch sử xây dựng căn cứ địa và hoạt động đáp ứng những nhu cầu của một căn cứ địa kháng chiến, một hậu phương chiến lược tại chỗ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với ưu điểm về điều kiện địa hình, vốn mang sẵn những yếu tố có ý nghĩa tiền đề cho việc xây dựng căn cứ, ngay sau ngày thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, vùng rừng núi Tân Uyên đã dần dần trở thành một căn cứ kháng chiến. Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến về xây dựng chỗ đứng chân, tích trữ lực lượng mọi mặt, Chiến khu Đ ngày càng được xây dựng mở rộng và phát triển hoàn chỉnh. Từ một khoảnh rừng nhỏ thuộc huyện Tân Uyên nằm trên bờ Bắc sông Đồng Nai phát triển thành vùng đất đai rộng lớn phía Đông đường 13, nối liền với các căn cứ và vùng đất quan trọng trên các chiến trường xung quanh. Từ là nơi ẩn giấu một bộ phận vũ trang nhỏ phát triển thành căn cứ của tỉnh Biên Hòa, của Khu 7, Phân liên khu miền Đông và toàn Nam bộ...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ nổi bật như là một trung tâm kháng chiến của toàn chiến trường miền Đông. Đó là nơi các lực lượng kháng chiến rút về củng cố xây dựng và tập hợp lực lượng làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài, là “Chiến khu Việt Bắc” của miền Đông Nam bộ, nơi có các cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở và từ đó phát đi những chỉ thị, mệnh lệnh đến các vùng, các chiến trường; nơi xây dựng một xã hội mới, độc lập và dân chủ, nơi gửi gắm niềm tin, lòng tự hào của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở miền Đông Nam bộ nói riêng. Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận đến Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ, trong đó thường xuyên nhất là tỉnh Biên Hòa, tỉnh Thủ Dầu Một và Khu 7.

Chiến khu Đ - nơi ra đời Trung ương Cục miền Nam

Một cuộc họp triển khai nhiệm vụ trong căn cứ.
Một cuộc họp triển khai nhiệm vụ trong căn cứ.

Tháng 1-1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ cũ. Ngày 10-10-1961, lễ thành lập Trung ương Cục được long trọng tổ chức tại Mã Đà (Chiến khu Đ), đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương Cục; các ủy viên: Võ Chí Công, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Lê Quang Xô, Trương Công Thuận, Phạm Thái Bường. Các cơ quan tham mưu của Trung ương Cục được thành lập để đẩy nhanh tốc độ phát triển lực lượng cách mạng. Từ đây, những chủ trương, đường lối của Trung ương, của Bộ Chính trị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được tỏa đi khắp nơi. Các chủ trương xây dựng phong trào, mệnh lệnh tác chiến cũng từ vị trí lịch sử này phát ra.

Ngay từ khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo mà Trung ương Đảng phân công, đồng thời thể hiện bước phát triển trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam.

Nga Sơn (tổng hợp)

 

 

 

Tin xem nhiều