Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoa đã nở trên nền đất dữ

06:12, 01/12/2016

Sáng mai 2-12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp.

Sáng mai 2-12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp.

Toàn cảnh khu di tích Nhà lao Tân Hiệp sau khi dự án bảo tồn, tôn tạo hoàn thành.
Toàn cảnh khu di tích Nhà lao Tân Hiệp sau khi dự án bảo tồn, tôn tạo hoàn thành.

[links()]Đã trở thành truyền thống, hàng năm cứ đến ngày 2-12, những cựu tù chính trị, lãnh đạo tỉnh, các tầng lớp nhân dân, thanh niên, học sinh lại tề tựu về nơi này để tưởng nhớ, thắp nén nhang cho những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và để người còn sống gặp gỡ nhau sau thời gian xa cách. Ngày 2-12 năm nay, lần đầu tiên lễ tưởng niệm được tổ chức trong một khung cảnh mới trên nền đất cũ.

Hoa đã nở

Dự kiến có gần 600 đại biểu về tham dự lễ kỷ niệm 60 năm cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, trong đó có 334 cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại Nhà lao Tân Hiệp, hiện đang sinh sống tại 19 tỉnh, thành trong cả nước (từ Quảng Trị trở vào).

Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH Đồng Nai.

Sau gần 3 năm thực hiện với nhiều giai đoạn khác nhau, dự án trùng tu, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa gần 3,5 tỷ đồng, còn lại từ nguồn tiền ngân sách.

Tổng thể công trình mới đã được tính toán hợp lý với chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự đóng góp ý kiến của chính các cựu tù chính trị để công trình vừa mang dáng dấp mới mẻ nhưng vẫn hòa hợp với những gì còn sót lại của nhà giam năm xưa.

Trong đó, những hạng mục được xây dựng mới, gồm: miếu thờ liệt sĩ với diện tích 20m2, bên trong có hương án cùng bia đá khắc tên 22 liệt sĩ hy sinh; đài tưởng niệm cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp Biên Hòa 2-12-1956; nhà trưng bày 2 tầng với diện tích 430 m2 dùng làm nơi trưng bày hình ảnh của cựu tù chính trị, phương thức tra tấn của giặc đối với chiến sĩ cách mạng; nhà họp mặt truyền thống của các cựu tụ chính trị với diện tích 240m2...

Bên cạnh hạng mục mới, những dấu tích cũ, công trình phụ của nhà tù còn tại với thời gian, như: kho súng, phòng ngủ của lính, đoạn nền móng trại giam, cổng nhà tù... đều được giữ lại nguyên vẹn để tu bổ, tôn tạo, xử lý chống đổ sập chứ không phá bỏ làm lại.

“Khi đơn vi thi công xử lý những công trình còn sót lại trước kia, chúng tôi luôn có mặt tại chỗ để giám sát vì muốn yên tâm rằng những hạng mục này sẽ được giữ gìn kỹ lưỡng hay kịp thời nhắc nhở công nhân nhẹ tay với những dấu tích xưa” - ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, nói.

Ông Ngô Đức Anh (Công ty cổ phần mỹ thuật Trung ương), Chỉ huy trưởng công trình, thì cho hay: “Công việc khó nhất khi trùng tu, tôn tạo lại di tích này là nâng nền cho những công trình phụ trước kia còn sót lại. Vì tường gạch đã mục nên khi đổ đất nâng nền, chúng tôi vừa phải đổ đất ở bên trong và bên ngoài cùng lúc, bởi nếu chỉ thực hiện ở một vị trí thì phía còn lại do bị sức ép sẽ làm tường sụp đổ hoàn toàn. Do vậy, công nhân khi thi công đều rất cẩn trọng, cố gắng không làm rơi, vỡ dù chỉ là một viên gạch cũ, làm việc trung thực, có thái độ thành kính với di tích linh thiêng này”.

Thỏa lòng mong ước

Từ khi hay tin Đồng Nai thực hiện dự án và chính thức tham dự vào lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp vào năm 2014 và 2015, những cựu tù chính trị đều hân hoan, phấn khởi. “Đây là niềm mong ước chung của anh chị em cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại Nhà lao Tân Hiệp trước kia” - bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai, nói.

Cũng theo bà Trần Thị Hòa, hàng năm những cựu tù chính trị đều có mặt tại Nhà lao Tân Hiệp để tổ chức lễ kỷ niệm, họp mặt, lễ giỗ... Những lúc như vậy, các cựu tù chính trị phải ngồi sinh hoạt ngoài sân, chịu cảnh nắng mưa mà ai cũng đã lớn tuổi nên rất bất tiện. Nay thì đã có nơi họp mặt trang trọng, sạch đẹp nên ai cũng mừng, đặc biệt là nơi từng thử thách lòng trung thành của chiến sĩ cách mạng với Đảng trước những năm tháng bị địch giam cầm, tra tấn, nay đã được bảo tồn sau nhiều năm tháng bị nắng mưa bào mòn.

Còn ông Nguyễn Văn Thông (tên thường gọi là Hai Thông, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), một trong những cựu tù chính trị trực tiếp tham gia tổ chức, thực hiện phá khám Tân Hiệp vào ngày 2-12-1956 thì vui mừng cho biết: “Vậy là mong ước của anh chị em cựu tù chính trị đã thành hiện thực”.

Bên cạnh lưu giữ kỷ niệm đối với những cựu tù chính trị, việc Nhà lao Tân Hiệp được bảo tồn, tôn tạo còn là bằng chứng sống của một thời kiên cường, bất khuất của các thế hệ chiến sĩ cách mạng đối với những người trẻ. Sinh viên Trần Anh Dũng (Trường đại học Lạc Hồng) bày tỏ: “Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày phá khám Tân Hiệp, tôi và nhiều đoàn viên thanh niên khác đều được nhà trường tổ chức đến dự và thắp nén nhang tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại địa điểm này. Nghe các cô chú là cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại đây nói chuyện truyền thống, chúng tôi rất thán phục. Đây là những nhân chứng sống, bài học lịch sử sinh động để mỗi người trẻ học tập, tiếp tục cống hiến cho quê hương”.

Nhà lao Tân Hiệp được xây dựng tại ấp Tân Hiệp, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Nơi đây, vào những năm đầu thế kỷ XX còn là vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt. Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương ngày 10-3-1945, Nhật bắt đầu xây dựng một đồn nhỏ do 1 tiểu đội lính Nhật chốt đóng để bảo vệ chiếc cầu bắc qua rạch Đồng Tràm trên quốc lộ 1 (con đường huyết mạch từ miền Trung đi vào Biên Hòa và Sài Gòn).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2 và đến 10-1945, chúng tái chiếm TX.Biên Hòa. Trên cơ sở đồn binh nhỏ của Nhật, Pháp củng cố, mở rộng và đưa một trung đội lính lê dương đến trấn giữ, với nhiệm vụ bảo vệ tuyến quốc lộ 1 và cơ sở Nhà thương điên Biên Hòa.

Sau Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta. Một năm sau, chúng tiến hành cải tạo Nhà lao Tân Hiệp thành nhà tù lớn ở miền Nam để giam giữ chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước và các phe phái chống đối chế độ Diệm.

Lúc đầu, Mỹ dự định giam giữ ở Nhà lao Tân Hiệp khoảng 500 phạm nhân, nhưng đến tháng 2-1956 đã có trên 800 tù nhân bị giam giữ ở Nhà lao Tân Hiệp, phần lớn là chiến sĩ cách mạng.

Số tù nhân ở Nhà lao Tân Hiệp ngày một tăng theo chính sách đàn áp, khủng bố, chống phá cách mạng của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhất là từ khi địch mở chiến dịch Trương Tấn Bửu (tháng 5-1956), đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, số tù nhân bị giam ở Nhà lao Tân Hiệp đã tăng vọt. Từ vài trăm người trong năm 1955, đến giữa năm 1956 đã có hơn 2 ngàn người bị giam tại Nhà lao Tân Hiệp.

Sau cuộc nổi dậy của tù chính trị ngày 2-12-1956 giải thoát gần 500 tù chính trị, địch càng tăng cường củng cố các trại giam, tổ chức hệ thống bố phòng chặt hơn. Đồng thời ban hành luật phát xít, đặt “cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, lê máy chém đi khắp nơi, bắt bớ chém giết tràn lan đồng bào ta. Vì thế, số tù nhân ở Nhà lao Tân Hiệp đã tăng theo hàng tháng, khoảng 200-300 người/tháng, nâng số tù bị giam ở đây vào năm 1960 là 3 ngàn người.

Từ năm 1961, mức độ chiến tranh ngày càng ác liệt, theo đó số tù nhân bị chúng bắt giam ngày càng đông. Đến năm 1968, số tù nhân bị giam ở Nhà lao Tân Hiệp đã là 8 ngàn người.

Đến năm 1973, có lúc Nhà lao Tân Hiệp đã thu nhận 10 ngàn người bị giam cầm.

Từ năm 1954-1975, tại Nhà lao Tân Hiệp, Mỹ - ngụy đã giam giữ hơn 5 vạn lượt tù nhân, đại bộ phận là cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước các tỉnh Nam bộ.

Phương Hằng

Văn Truyên

Tin xem nhiều