Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX: Vượt qua khó khăn để phát triển

11:12, 07/12/2016

Ngày họp đầu tiên (7-12) của kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX kết thúc khá muộn vì có rất nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong năm 2016 được báo cáo tại kỳ họp. Hầu hết các đại biểu HĐND tỉnh đều phấn khởi, nhất trí cao với những kết quả tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực.

[links()]Ngày họp đầu tiên (7-12) của kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX kết thúc khá muộn vì có rất nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong năm 2016 được báo cáo tại kỳ họp. Hầu hết các đại biểu HĐND tỉnh đều phấn khởi, nhất trí cao với những kết quả tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (giữa) và Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống (trái) trao đổi với đại diện cử tri huyện Định Quán trong giờ giải lao. Ảnh: HUY ANH
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (giữa) và Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống (trái) trao đổi với đại diện cử tri huyện Định Quán trong giờ giải lao. Ảnh: HUY ANH

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng các doanh nghiệp, cùng toàn thể nhân dân tích cực chung tay góp sức xây dựng, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã đề ra trong năm 2016.

* Kinh tế tăng trưởng ổn định

Trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh - tế xã hội trong năm 2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết trong năm 2016 có nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết, xử lý kịp thời các công việc theo chương trình, kế hoạch đề ra, nhất là các vấn đề lớn, bức xúc: tập trung giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn, thuế, phí nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ đó, kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,25% so với cùng kỳ năm 2015; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng gấp 2 lần so với kế hoạch năm, ước đạt khoảng 2 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trong nước tăng 28% so với kế hoạch. Đồng Nai vẫn đứng đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 96/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 73% và 5 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nông thôn mới.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Ngọc Thư
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Ngọc Thư

Kết quả nổi bật tỉnh đã đạt và vượt 23/24 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 theo Nghị quyết HĐND tỉnh, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt so với mục tiêu nghị quyết, gồm: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi. 20 chỉ tiêu đạt so với mục tiêu nghị quyết; 1 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận tìm giải pháp cho một số khó khăn, hạn chế, như: tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chưa đạt mục tiêu nghị quyết; nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của xã hội; tình trạng vi phạm về thương mại vẫn diễn ra; xuất khẩu hàng hóa tăng chậm so với cùng kỳ năm ngoái; thời tiết diễn biến phức tạp; giết mổ trái phép, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số địa bàn...

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Huy Anh

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách năm 2016 tuy có tăng so với những năm trước, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ở đô thị cũng như nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết mặc dù ngân sách của tỉnh đã hỗ trợ hết sức cho Biên Hòa, nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu xây dựng các dự án trọng điểm. Hiện còn rất nhiều dự án đang cần vốn đầu tư. TP.Biên Hòa cũng đã có chủ trương huy động các nguồn vốn khác, trong đó có việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quỹ đất phát triển thương mại, dịch vụ, đổi lại nhà đầu tư sẽ bỏ vốn đầu tư hạ tầng giao thông cho thành phố.

Về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là chỉ tiêu duy nhất chưa đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh cũng được các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Được biết, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của năm 2016 ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2016 tăng 10-12%). Nguyên nhân là do năm 2016, giá bán và xuất khẩu trên thị trường xuất khẩu thế giới có xu hướng giảm mạnh; một số mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: may mặc, xơ sợi, sản phẩm điện tử...  bị áp lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng, đơn hàng.

Theo Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng, tuy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch, nhưng vẫn tăng trưởng khá và cao hơn so với mặt bằng chung 7,5% của cả nước. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh duy trì thường xuyên hoạt động gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; nâng cao chất lượng công tác dự đoán, dự báo thị trường để đưa ra các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường sát thực, khả thi hơn.

Trong ngày làm việc đầu tiên 7-12, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh về các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, như: quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2020; một số chế độ, chính sách cho chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã, công an, dân quân thường trực, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố; điều chỉnh, sáp nhập, thành lập ấp, khu phố tại TP.Biên Hòa, huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ; đề nghị công nhận thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) là đô thị loại IV.

Các đại biểu HĐND tỉnh sẽ dành trọn ngày 8-12 để thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Thư

Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ thu hồi dự án không khả thi

Một trong những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai thực hiện. Mặc dù UBND tỉnh đã có lộ trình đến năm 2020 sẽ thu hồi hơn 1 ngàn dự án chậm triển khai nhưng còn làm chậm quá. Vấn đề ở đây đã thực hiện thì phải nhanh lên, rõ ràng, quyết liệt và phải an lòng dân. Muốn vậy phải minh bạch, giải quyết hài hòa lợi ích của dân.

Riêng vấn đề ngập lụt cục bộ ở TP.Biên Hòa cũng được cử tri quan tâm nhiều. Giải pháp chính ở đây là phải đẩy nhanh tiến độ cải tạo, thông thoáng, tuyến thoát nước; cải tạo lại các dòng chảy ra sông, suối. Song song đó, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cũng rất quan trọng, người dân cũng phải tham gia chứ không đứng ngoài cuộc, như: không vứt rác thải ra gây ách tắc, không lấn chiếm gây ảnh hưởng dòng chảy...

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Xuân Lộc: Triển khai rộng rãi các chuỗi liên kết sản xuất

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, một trong những vấn đề cần tiếp tục quan tâm là triển khai rộng rãi các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Hiện nay, các huyện cũng đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nhưng đây chỉ là bước đầu cần phải có giải pháp, lộ trình rõ ràng hơn. Theo đó, phải có đầu tư phát triển đồng bộ, gồm các chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất; có chính sách đầu tư trong cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng giao thông nông thôn, điện, thủy lợi.

An An (ghi)

 

Tin xem nhiều