Báo Đồng Nai điện tử
En

Fidel Castro - con người của những huyền thoại

10:12, 02/12/2016

Tháng 9-1973, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ còn ở giai đoạn ác liệt nhất, Chủ tịch Fidel Castro đã đến thăm vùng đất lửa Quảng Trị mới vừa được giải phóng, còn ngổn ngang xe tăng bị bắn cháy, pháo gãy nòng, bom mìn dày đặc

Tháng 9-1973, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ còn ở giai đoạn ác liệt nhất, Chủ tịch Fidel Castro đã đến thăm vùng đất lửa Quảng Trị mới vừa được giải phóng, còn ngổn ngang xe tăng bị bắn cháy, pháo gãy nòng, bom mìn dày đặc. Lúc đó, con người cao to, có bộ râu rậm và đôi mắt sáng như đèn pha ấy mới 47 tuổi nhưng đã đảm nhận nhiệm vụ Thủ tướng, Tổng tư lệnh Quân đội cách mạng Cuba.

Đại tướng V. Nguyên Giáp tặng lãnh tụ Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ,” nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam, tháng 9-1973.
Đại tướng V. Nguyên Giáp tặng lãnh tụ Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ,” nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam, tháng 9-1973. Ảnh: TTXVN

 Ông đến miền Bắc Việt Nam với lịch trình đã được 2 nước xếp đặt trước qua con đường ngoại giao, nhưng khi đến Hà Nội, Fidel tha thiết đề nghị vào thăm vùng giải phóng miền Nam.

Chuyến đi không tưởng

Tôi kính trọng và quý mến Fidel Castro, không chỉ khi ông mang trái tim sôi sục tình cảm cách mạng đến vùng giải phóng miền Nam, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra. Trước hết, tôi kính trọng ông như một thần tượng, bởi lúc Fidel mới 27 tuổi đã hiên ngang đứng trước phiên tòa của chế độ độc tài Batista phát biểu suốt 2 tiếng đồng hồ để tự bào chữa cho mình. Lúc bấy giờ, chàng luật sư trẻ ấy đã biết lợi dụng phiên tòa để đưa ra những lập luận đanh thép, tố cáo chế độ độc tài và ca ngợi sự nghiệp chính nghĩa của những người cách mạng Cuba với câu nói cuối cùng: “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi”.

Các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp thật sự lo lắng. Lo lắng trước hết là Đài Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo sẽ có một cơn bão lớn sắp đổ bộ vào miền Trung. Nhưng đặc biệt quan trọng hơn là tính mạng của lãnh tụ Fidel và các đồng chí Cuba cùng đi. Bởi dù là vùng giải phóng nhưng phía Nam sông Mỹ Chánh vẫn do quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, có thể bắn pháo sang phía bờ Bắc và các phi đoàn không quân tiêm kích F5A ở Đà Nẵng sẵn sàng xuất kích, ném bom xuống vùng giải phóng, nếu họ phát hiện... Song, trước quyết tâm của người anh em Cuba đã đi nửa vòng quả đất sang thăm đất nước của Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo Việt Nam quyết định thay đổi kế hoạch.

Thế là lịch trình đi thăm Hải Phòng của đoàn cấp cao Cuba về mặt công khai vẫn giữ nguyên như Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin. Nhưng thực tế, Fidel bí mật đi máy bay vào Đồng Hới, rồi đi ô tô vào vùng giải phóng Quảng Trị. Ông đã đi qua cầu Hiền Lương dài 178m, được ghép bằng 894 thanh gỗ, bắc qua sông Bến Hải, vượt qua các hàng rào điện tử Mc Namara đã bị phá tan tành, đến thị trấn Cam Lộ, nơi đặt các tiền đồn của quân đội Hoa Kỳ trước đây, như: Cồn Tiên, Dốc Miếu... Đặc biệt, vị lãnh tụ của cách mạng Cuba cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến điểm cao 241. Nơi đây, từng là căn cứ của 4 tiểu đoàn pháo binh của Hoa Kỳ, dưới sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng trong “mùa hè đỏ lửa” 1972, hơn 1.500 tay súng đã kéo cờ trắng đầu hàng.

Khi đặt chân đến vùng giải phóng Quảng Trị, Fidel Castrol trở thành nhà lãnh đạo cao cấp của nước ngoài đầu tiên đến với cách mạng miền Nam. Từ điểm cao 241, Fidel có thể nhìn bao quát cả vùng đất kiên cường với những hình ảnh những chiếc xe tăng bị bắn đứt xích, những khẩu pháo 175 ly gãy nòng, cụp xuống đất. Fidel đã giương cao ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và nói một câu nói mạnh mẽ, quyết liệt: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm vào sào huyệt của chính quyền ở Sài Gòn”. Lời nói đầy khích lệ của người bạn lớn thủy chung, luôn đứng bên cạnh Việt Nam, đã thôi thúc quân dân miền Nam hăng hái tiến lên, để 2 năm sau lá cờ bách chiến bách thắng này được cắm lên nóc Dinh Độc Lập, đỉnh cao quyền lực của Việt Nam Cộng hòa.

Người của những huyền thoại

Tôi nghĩ đến Fidel và liên hệ với Tướng Giáp của Việt Nam, người gầy dựng sự nghiệp quân sự chỉ với 44 tay súng trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nhưng 10 năm sau, năm 1954, đội quân chân đất từ nhân dân mà ra ấy đã lớn mạnh thành các đại đoàn đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Tướng De Castrie, hạ gục Tướng Pháp bốn sao Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Còn Fidel với 80 tay súng từ Mexico trở về Tổ quốc của mình trên con tàu Granma, đối đầu với khoảng 40 ngàn quân của Batista, một sự chênh lệch quá lớn về quân số và trang bị vũ khí. Trong những trận đọ súng không cân sức trên dãy núi Sivera Maestra, nằm ở miền Đông Cuba, nguồn vốn ban đầu của Fidel chỉ còn 20 tay súng, trong đó có Che Guevara, người bạn chiến đấu và Raul Castro, người em của Fidel.

Với ý chí kiên cường của người cách mạng, biết dựa vào lực lượng vô địch của nhân dân nên phong trào yêu nước do Fidel lãnh đạo ngày càng lớn mạnh. Quân chính phủ của nhà độc tài Fulgencio Batista lần lượt bị đánh tan tác từ các tỉnh miền núi đến đồng bằng, ven biển. Cuối cùng, đoàn quân chiến thắng của Fidel và Che Guevara tiến vào thủ đô La Habana như chỗ không người.

Lúc đầu, Hoa Kỳ nhìn thấy ở chính quyền mới của Fidel lãnh đạo có thể có lợi cho họ. Nhưng khi Fidel cho quốc hữu hóa các đồn điền của giới chủ, trong đó có các ông chủ người Mỹ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô thì chính phủ Hoa Kỳ trở mặt. Được Nhà trắng “bật đèn xanh”, CIA, FBI ra sức giúp những người Cuba lưu vong ở Florida thành lập các nhóm vũ trang, quay về đánh phá chính quyền mới. Ngoài việc cung cấp tàu thuyền, vũ khí cho bọn phản động Cuba lưu vong, chính phủ Hoa Kỳ còn sử dụng máy bay ném bom xuống thủ đô La Habana làm chết nhiều dân thường. Đỉnh cao các hoạt động của những người Cuba lưu vong dưới sự giúp sức của Hoa Kỳ là vụ tấn công vịnh Con Heo với nhận định: nhân dân Cuba sẽ nổi dậy lật đổ chính quyền Fidel. Nhưng điều đó đã không xảy ra và cuộc đổ bộ này bị đập tan. Chính phủ Hoa Kỳ bị bẽ mặt trước thế giới khiến Giám đốc CIA Dullas phải từ chức do áp lực của dư luận.

Sau sự kiện này, tháng 2-1962, Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy ban hành lệnh cấm vận toàn diện đối với Cuba và hy vọng rằng sợi dây thòng lọng kinh tế ngày càng siết chặt sẽ khiến Cuba kiệt sức, phải quỳ gối trước sức mạnh Mỹ. Nhưng không, mặc dù bị Mỹ bao vây, cấm vận trong suốt 50 năm, kinh tế Cuba bị thiệt hại trên 1.150 tỷ USD nhưng chính quyền cách mạng vẫn đứng vững. Fidel vẫn sống dù phải trải qua hơn 620 lần âm mưu ám sát từ phía Hoa Kỳ. Fidel đã kiên cường đối đầu với 10 đời tổng thống Hoa Kỳ.

Khi ông Barack Obama, Tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ, quyết định bình thường hóa và đến thăm quốc đảo Cuba cộng sản sau 88 năm cắt đứt quan hệ, có thể nói đây là một quyết định dũng cảm và đúng đắn của người đứng đầu Nhà Trắng. Mặc dù mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba vẫn còn lắm gập ghềnh ở phía trước, song các nhà bình luận, các chính khách nói với nhau rằng: chuyến thăm Cuba của ông Obama là cơ hội trăm năm có một và đó là cơ hội để Cuba hóa giải lời nguyền của các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đó khi họ chỉ mong tìm cách ám sát Fidel, người con ưu tú nhất của hòn đảo tự do, nhằm lật đổ chế độ cộng sản ở nước này...

Fidel sinh ra trong một gia đình giàu có, là chủ đồn điền trồng mía ở tỉnh Province, Cuba. Cũng giống như các ông Phạm Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Thuần của miền Nam Việt Nam, gia đình có hàng trăm mẫu ruộng nhưng đã bỏ tất cả để đi theo kháng chiến, Fidel có học vấn cao và thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng đã từ bỏ tất cả để đứng về phía nhân dân lao động, chấp nhận gian khổ hy sinh. Fidel khát khao giải phóng cho nhân dân lao động và giải phóng cho chính mình khỏi gông cùm nô lệ của chế độ độc tài lệ thuộc nước ngoài. Không có nhiều người đang sống trong cảnh giàu sang, có nhiều quyền lực như vậy đã dám ngẩng cao đầu bước qua lằn ranh của sự cám dỗ để bước đến lý tưởng giải phóng, đứng về phía những người cần lao một cách kiên gan, bền chí.

Mai Sông Bé

Tin xem nhiều