Báo Đồng Nai điện tử
En

Di chúc bằng thơ của đại tá Lê Bá Ước

10:12, 21/12/2016

Sáng 9-10-2014, bà Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cùng đại diện Ban Văn học của Hội đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ước.

Sáng 9-10-2014, bà Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cùng đại diện Ban Văn học của Hội đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ước. Chúng tôi đến bàn với ông việc chuẩn bị một buổi tọa đàm văn học về đề tài người lính trong những tác phẩm của ông.

Cố đại tá Lê Bá Ước
Cố đại tá Lê Bá Ước

Sinh thời, Đại tá Lê Bá Ước có 2 tác phẩm nổi bật, gồm: tập truyện ký Một thời rừng Sác (2 tập) và tập thơ Trái tim người lính. Song 2 tác phẩm này có số phận khá đặc biệt, giống như những công việc khác mà ông đã làm cho những người lính rừng Sác, nhất là với những chiến sĩ đã hy sinh.

Ngoài viết sách, làm phim tư liệu, Đại tá Lê Bá Ước còn là đồng tác giả của tượng đài “Đặc công rừng Sác” (cùng họa sĩ Trần Thanh Thanh và Đặng Sỹ Nguyên), được đặt tại Khu Di tích căn cứ rừng Sác (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch). Người Đồng Nai đã quen với hình ảnh người đại tá đầu bạc, người gầy, lưng thẳng luôn kể chuyện về đồng đội, luôn có những chuyến đi tìm kiếm đồng đội đã hy sinh. Ông đi mọi chốn, gõ mọi cửa để quy tập đồng đội về một nơi, kêu gọi mọi sự giúp đỡ để xây dựng đền thờ liệt sĩ rừng Sác (khánh thành năm 2011 tại huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh).

Tại nhà, ông lập bàn thờ đồng đội và như ông tâm sự: “…Thường thức thâu đêm suốt sáng để trò chuyện, tâm tình và ghi lại những việc cần làm cho anh em!”. Vì vậy, sách của ông thường xuyên được bổ sung những bài thơ, những câu chuyện mới, sau khi ông hoàn thành thêm một việc có ý nghĩa. Tập truyện ký Một thời rừng Sác đã tái bản 5 lần, còn tập thơ Trái tim người lính được tái bản 2 lần có chỉnh sửa, bổ sung.

Tưởng rằng những điều tâm huyết nhất ông đã ghi vào tác phẩm của mình, nhưng trong lúc trò chuyện thân tình, ông đề cập đến việc chuẩn bị cho “hành trình mới”. Theo ông, năm đó (2014) ông đã 84 tuổi, điều ông tiếc nhất trong đời là không được sống với mẹ, nhưng khi mất đi ông muốn nằm xuống bên đồng đội. Chính ông đọc lại mấy lời “di chúc” bằng thơ thể hiện nỗi ước mong đoàn tụ với những người chiến sĩ rừng Sác đã hy sinh:

“Chen lấn làm gì chốn nghĩa trang

Trở về rừng Sác sống thênh thang

Tro tàn hòa máu bao đồng đội

Sừng sững hiên ngang đước bạt ngàn”.

Ngày 18-10-2016, người lính già đã dừng bước trên con đường trường chinh nhiều chông gai, gian khổ nhưng luôn tươi thắm lý tưởng, nghĩa tình. Sau khi ông mất, theo nguyện vọng của ông, gia đình đã hỏa táng và đưa một phần tro cốt về sông Lòng Tàu, cho ông thỏa lòng gặp lại đồng đội. Di nguyện cuối cùng không khắc vào đá, mà gửi vào thơ, như một cứu cánh tinh thần và vĩnh cửu, mặc dù người anh hùng đầu bạc ấy, đồng thời là một hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, chưa bao giờ nhận mình là một nhà thơ:

“Xin về cư trú chốn đền thờ

Liệt sĩ Đoàn 10 vẫn đợi chờ

Nhân chứng anh hùng trong lịch sử

Cùng nhau nhang khói tỏa hồn thơ…”.

Hai bài thơ trên, ông đã đọc cho chúng tôi ghi âm lại bằng giọng trầm buồn, tha thiết. Những điều ông để lại đúng với câu “Văn là Người”, nghĩ sao thì ông nói vậy. Dù không chủ tâm, song ông đã tự mình viết nên một tượng đài người lính rừng Sác, trong đó có ông, một người anh hùng mang đậm chất Nam bộ.

Mai Sơn

Tin xem nhiều