Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ

11:11, 18/11/2016

Lần đầu tiên với tư cách Thủ tướng Chính phủ, trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 17-11 đã thay mặt tập thể Chính phủ báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của 37 đại biểu Quốc hội liên quan đến nhiều vấn đề nóng, được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Lần đầu tiên với tư cách Thủ tướng Chính phủ, trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 17-11 đã thay mặt tập thể Chính phủ báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của 37 đại biểu Quốc hội liên quan đến nhiều vấn đề nóng, được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Thu Hằng chất vấn Thủ tướng Chính phủ ngày 17-11.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Thu Hằng chất vấn Thủ tướng Chính phủ ngày 17-11.

Thủ tướng khẳng định đã cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 như báo cáo Quốc hội. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đã đề ra; đồng thời khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay từ đầu năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tập thể Chính phủ luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Quốc hội giao phó. “Bàn tay 5 ngón, có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều cùng trên một bàn tay, cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện mục tiêu chung. Nhiều đồng chí xuất sắc, các đồng chí mới thì cần phấn đấu nhiều hơn. Chính phủ đã ban hành quy chế hoạt động theo hướng công khai, minh bạch trên tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ. Các thành viên Chính phủ là tư lệnh ngành, lĩnh vực, có vai trò rất quan trọng” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

* Quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là kiên quyết xử lý những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân; quyết liệt loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Việc xử lý kiên quyết sai phạm của các cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo nền pháp trị quốc gia, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Muốn vậy, cần tiếp tục triển khai tốt các biện pháp, như: công khai minh bạch và kiểm soát tốt quyền lực; có cơ chế quản lý tốt để hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho đối với các vấn đề dễ phát sinh tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên. Song song với đó là tiếp tục cải cách tiền lương, đi liền với giảm biên chế bộ máy.

Thống nhất ý kiến của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng việc tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế quốc dân có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng cho biết hiện cả nước có 21 ngàn dự án FDI. Muốn đảm bảo tốt việc gắn kết giữa hai hệ thống doanh nghiệp này trước hết cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có sức mạnh, nhất là ưu tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ. Đồng thời trong quá trình lựa chọn dự án FDI cần chú trọng yếu tố hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất.

Với đề xuất của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về xây dựng văn hóa từ chức, Thủ tướng tiếp thu và cho rằng đề xuất này là phù hợp bởi trên thực tế có những người do sức khỏe, trình độ, điều kiện gia đình có thể vận dụng cơ chế từ chức. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng quy chế và báo cáo Chính phủ.

Về các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế sao cho không có kẽ hở để không dám, không thể và không nên tham nhũng; tăng cường cải cách hành chính; nghiêm trị các hành vi tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, hành vi tham nhũng. Một biện pháp nữa cũng được chú trọng là phát huy hơn nữa vai trò của đoàn thể và đặc biệt là nhân dân, hệ thống báo chí, MTTQ trong phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng.

Liên quan đến quy trình bổ nhiệm cán bộ, Thủ tướng cho rằng về cơ bản quy trình cũng có những điểm tốt, song Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét, bổ sung theo hướng khắc phục sơ hở, minh bạch hơn, đồng thời phải phát hiện cán bộ giỏi, năng lực cao từ cơ sở. Thêm vào đó là triển khai những giải pháp mang tính đột phá như: tuyển dụng có cạnh tranh lành mạnh, bầu có số dư, đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức ngày càng công khai minh bạch. 

* Giảm dần nợ xấu 

Về tái cấu trúc nền kinh tế, nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết hiện nợ xấu theo thống kê chưa thực sự đầy đủ. Theo Thủ tướng, trước hết phải có khung thể chế pháp lý tốt hơn đi liền với kiểm soát chặt, không để phát sinh nợ xấu mới, đặc biệt là đưa vào chế độ kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại. Chính phủ đang khẩn trương xây dựng các giải pháp toàn diện và sẽ báo cáo Quốc hội, sao cho “cục máu đông” nợ xấu ngày càng nhỏ đi, giúp cho việc điều hành nền kinh tế an toàn hơn. 

Với gánh nặng trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng cho biết, cả nước hiện có trên 5 ngàn đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó chỉ có 2,34% tự trang trải được kinh phí hoạt động. Đội ngũ công chức từ cấp huyện trở lên là hơn 500 ngàn người, nhưng có tới trên 2,2 triệu cán bộ, nhân viên đơn vị sự nghiệp công lập. Thủ tướng nêu rõ, chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công lập là nhất quán nhưng đây là vấn đề lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, phục vụ trực tiếp đời sống người dân, do đó Chính phủ sẽ xây dựng giải pháp trình Trung ương và báo cáo Quốc hội theo hướng tăng cường xã hội hóa với các đơn vị loại này, kết hợp với triển khai việc giảm biên chế theo những bước đi, lộ trình cụ thể. 

* Không dùng tiền thuế của người dân để xử lý các dự án thua lỗ

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên quyết không sử dụng tiền thuế của nhân dân để bù đắp cho hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ lớn thời gian qua. Ngoài ra, sẽ tiếp tục giải quyết theo hướng cắt lỗ nếu không sử dụng hiệu quả hoặc bán khoán, thậm chí tiến hành phá sản, không để những doanh nghiệp này trở thành gánh nặng của nền kinh tế; không kéo dài dự án  thua lỗ làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Chính phủ sẽ xem xét nhiều biện pháp phù hợp sao cho đảm bảo tối đa quyền lợi Nhà nước trong tiến trình giải quyết và trong quá trình thanh, kiểm tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân. 

Thủ tướng cũng nêu rõ, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Cần đảm bảo xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc quá nhiều vào biến động của thị trường và nhất là về năng lượng, lương thực. Muốn vậy, phải tập trung phát triển những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin; không ngừng mở rộng thị trường; khuyến khích và hỗ trợ phát triển mạnh các tập đoàn kinh tế tư nhân, tránh để tình trạng thua ngay trên sân nhà khi tham gia hội nhập. Không thể biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho doanh nghiệp nước ngoài; phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa khi ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đây là yêu cầu cấp bách trong tiến trình hội nhập. 

Thủ tướng khẳng định, nông nghiệp là một lợi thế so sánh của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được. Muốn cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, trước hết cần giải quyết tốt vấn đề thực tế như: chế độ hạn điền, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất mà nông nghiệp công nghệ cao là một hướng ra của Việt Nam đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương; đưa doanh nghiệp về nông thôn; phát triển thương mại, dịch vụ đi đôi với giải quyết tốt đầu ra của sản phẩm và triển khai mô hình bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, ngày 18-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; biểu quyết thông qua Điều 6, Điều 30 và toàn bộ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ hai ngày 21-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường luận về dự án Luật Quy hoạch và Luật Cảnh vệ.

Hà Lam


 

 

 

 

Tin xem nhiều