Báo Đồng Nai điện tử
En

40 phút làm nên lịch sử

10:11, 27/11/2016

Đầu tháng 12-1956, khi tên lính trực khám Tân Hiệp ở Biên Hòa vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô: ''Xung phong!'' vang dậy khắp nơi.

Đầu tháng 12-1956, khi tên lính trực khám Tân Hiệp ở Biên Hòa vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô: ‘’Xung phong!’’ vang dậy khắp nơi. Các tù nhân nhanh chóng chia làm 4 mũi, tiến thẳng đến các mục tiêu khống chế binh lính địch, tịch thu vũ khí, mở cổng và 462 người thoát ra ngoài.

Cứ đến ngày 2-12 hàng năm, ông Nguyễn Ngọc Yển lại lật giở kỷ yếu in hình ảnh, thông tin của những người bạn tù trong quá khứ.
Cứ đến ngày 2-12 hàng năm, ông Nguyễn Ngọc Yển lại lật giở kỷ yếu in hình ảnh, thông tin của những người bạn tù trong quá khứ.

60 năm đã qua, những cựu tù phá khám năm xưa nay đã ở tuổi 85-90, nhưng ‘’những thước phim cuộc đời’’ của cuộc phá khám vẫn cứ quay chầm chậm trong tâm tưởng.

Cuộc nổi dậy phá khám lịch sử

Là người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử, ông Trần Quang Toại cho rằng cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp cách đây 60 năm là cuộc nổi dậy phá khám để tự giải phóng có quy mô lớn nhất trong lịch sử Đảng cũng như lịch sử Việt Nam, có Đảng lãnh đạo và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.

Lớn lên trong cái nôi gia đình có truyền thống cách mạng, năm 12 tuổi, ông Nguyễn Văn Thông (tên thường gọi là Hai Thông, hiện ở phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) tham gia cách mạng và trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đêm 11-10-1955 trên đường đi công tác, ông Hai Thông bị địch phục kích và bị bắt. Sau hơn 3 tháng tra tấn mà không ‘’ăn thua’’, đầu năm 1956 địch đưa ông về khám Tân Hiệp - một trong 6 nhà tù lớn của địch ở miền Nam lúc bấy giờ. Ông Hai Thông cho biết ngay từ khi bị bắt, ông đã mang trong mình tư tưởng vượt ngục trở về tiếp tục phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Vì thế, khi địch chuyển ông từ Gia Định về Tân Hiệp và nhất khi có Đảng ủy nhà tù, đồng thời biết được Đảng ủy có chủ trương vượt ngục, đối với ông Hai Thông như “thuyền cập được bến”.

Được phân công tổ chức một mũi xung kích tấn công vào kho súng, đánh địch lấy súng, kiềm chế lô cốt số 1 và 2, tổ chức mở cổng, ông Hai Thông cùng với những tù nhân khác theo dõi và phát hiện một số quy luật cũng như sơ hở của bọn lính canh, đồng thời ông làm việc với từng tổ trưởng trong mũi xung kích phân công từng mục tiêu cụ thể.

Để không bị lộ, kế hoạch nổi dậy phá khám chỉ được Đảng ủy nhà lao phổ biến trong nội bộ và những người được phân công nhiệm vụ.

Bị địch đưa về khám Tân Hiệp từ đầu năm 1956 nhưng vì thời điểm ấy ông Lê Kim Tiến (hiện ngụ xã Xuân Lập, TX.Long Khánh) không được biết đến chủ trương nổi dậy phá khám. Tuy nhiên, hàng ngày trong giờ lao động chăm sóc vườn rau, làm vệ sinh..., ông phát hiện một số anh em tù tập chạy, đi chân đất… để rèn luyện sức khỏe nên ông cũng dần hiểu được chuyện gì sắp diễn ra. Bản thân ông Tiến trong thời gian này cũng nhắn gia đình gửi cho bộ quần áo để đề phòng khi cần thiết.

Kế hoạch nổi dậy phá khám và công tác chuẩn bị gần nửa năm, nhưng thời khắc định mệnh ấy chỉ diễn ra trong vòng 40 phút. Ông Hai Thông lúc đó là Tổ trưởng Tổ Đảng Trại E kể: 17 giờ 50 phút, khi tên lính trực vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô: “Xung phong!” vang dậy khắp nơi, các tù nhân tham gia phá khám nhanh chóng chia thành các mũi tiến thẳng đến các mục tiêu khống chế binh lính, tịch thu 47 khẩu súng (số liệu theo báo cáo của địch). Theo kế hoạch, mũi xung kích của ông còn có nhiệm vụ bảo vệ anh em trong quá trình phá khám nên sau khi lấy được súng, ông lập tức cùng với một số anh em khác nhanh chóng vòng qua Trại E khống chế lô cốt 1 và 2 để anh em bớt phần thương vong trong quá trình phá khám.

Vào khám Tân Hiệp chưa lâu, ông Nguyễn Ngọc Yển (hiện ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã có cơ hội vượt ngục. Những hình ảnh còn in đậm trong tâm trí ông cách đây 60 năm là sự cố xảy ra trước cổng nhà lao sau tiếng hô: “Xung phong!”. Cánh cổng nhà lao thiết kế mở vào phía trong, nhưng do tình thế cấp bách mọi người xúm nhau đẩy cửa mở ra phía ngoài nên chỉ mở được một cánh, cánh còn lại hé một phần. Do đó, có sự ùn tắc, chen lấn gây trở ngại trên đường thoát ra, một số anh chị em phải công kênh nhau nhảy vọt qua hàng rào chạy ra quốc lộ 1 và đi theo nhiều hướng tìm về với cách mạng.

Thêm tiềm lực cho cách mạng

Theo như các tài liệu sử cũng như hồi ký của một số cựu tù chính trị, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp chỉ diễn ra trong vòng 40 phút. Mặc dù có nhiều tổn thất, hy sinh nhưng cuộc nổi dậy ngày 2-12-1956 được đánh giá là một chiến công vô cùng to lớn.

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh, cho biết hệ thống nhà tù trong tỉnh và cả nước bắt đầu phát triển từ khi có thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Đây được coi là công cụ để thực dân, đế quốc thực hiện âm mưu tiêu diệt tinh thần, ý chí bất khuất của những người cộng sản và những người yêu nước, tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Khám Tân Hiệp (hay còn gọi là Trung tâm huấn chính Biên Hòa) thực chất là trạm trung chuyển để phân loại tù nhân đưa đi các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc... Đây chính là một trong những sức ép khiến cho những người tù yêu nước, đảng viên cộng sản bị giam cầm tại khám Tân Hiệp sôi sục ý chí nổi dậy, vượt ngục trở về với cách mạng, với nhân dân.

Bên cạnh đó, cuộc nổi dậy còn là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai còn mơ hồ về bản chất thực sự của chế độ Mỹ - Diệm, đồng thời cổ vũ toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước và phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, cuộc nổi dậy phá khám đã giải thoát được 462 cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, thu được 47 khẩu súng. Đây là nguồn bổ sung người, vũ khí quan trọng đối với lực lượng cách mạng ở miền Nam nói chung và cách mạng ở miền Đông Nam bộ nói riêng trong những ngày đầu chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa vũ trang tiến lên đồng khởi ở miền Nam.

Trở về với cách mạng, với nhân dân, hầu hết những cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước đều một lòng kiên trung với Đảng, với nhân dân, tiếp tục hoạt động cách mạng góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi vượt ngục, trở về Nông trường cao su Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), ông Lê Kim Tiến phát hiện địch dán hình truy nã khắp nơi nên ông tìm đường lên Tây Nguyên tạm lánh. Các năm 1959 và 1960 được địa phương giới thiệu, ông tham gia làm nhiệm vụ điệp báo cho ngành công an, nắm tình hình địch, trừ gian diệt ác. Năm 1971, một lần nữa ông bị bắt. Đầu năm 1972, ông bị địch đày đi Côn Đảo cho đến ngày giải phóng. Trong thời gian bị giam cầm tại Côn Đảo, ông tiếp tục cùng anh em trong nhà tù làm nhiệm vụ truyền tin, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ... Sau ngày đất nước giải phóng, ông là một trong những người ở lại Côn Đảo làm nhiệm vụ chấp pháp, đến năm 1985 mới trở về đất liền...

Trong cuốn sách Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 của Nhà xuất bản Đồng Nai (tái bản lần thứ I) năm 2011 có ghi: “Đến trước ngày 2-12-1956, nhà tù Tân Hiệp có 1.872 người bị giam giữ. Trong đó, Trại A: 301 người; Trại B: 317 người; Trại E: 372 người; Trại D: 379 người; Trại G: 372 người; Trại phụ nữ: 79 người; Trại an dưỡng: 26 người; Trạm xá: 24 người và Trại kỷ luật: 2 người. Phần lớn trong số này là những người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản bị chúng bắt qua các trận càn quét lớn nhỏ từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, đưa về đây để chúng điều tra, phân loại trước khi đưa qua các nhà tù khác ở đất liền hoặc đày ra Côn Đảo, Phú Quốc...”.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều