Báo Đồng Nai điện tử
En

Trưởng thành từ tuyến lửa

11:08, 24/08/2016

Tháng 11-1960, trước yêu cầu bức thiết về việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày càng lớn mạnh, Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự Miền đã thành lập đơn vị đào tạo tân binh và cán bộ tiểu đội trưởng cho quân chủ lực trên chiến trường miền Đông (lấy phiên hiệu là C50).

[links()]Tháng 11-1960, trước yêu cầu bức thiết về việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày càng lớn mạnh, Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự Miền đã thành lập đơn vị đào tạo tân binh và cán bộ tiểu đội trưởng cho quân chủ lực trên chiến trường miền Đông (lấy phiên hiệu là C50). Đến tháng 6-1961, Ban Quân sự Miền thành lập thêm C850 để huấn luyện tân binh cho C50.

Học viên Trường đại học Nguyễn Huệ trong buổi huấn luyện súng phòng không 37 ly. (Ảnh do Trường đại học Nguyễn Huệ cung cấp)
Học viên Trường đại học Nguyễn Huệ trong buổi huấn luyện súng phòng không 37 ly. (Ảnh do Trường đại học Nguyễn Huệ cung cấp)

Ngày 27-8-1961, Ban Quân sự Miền quyết định hợp nhất C50 và C850 thành Trường quân chính sơ cấp quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tiền thân của Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan lục quân 2) ngày nay.

* Vừa giảng dạy vừa chiến đấu

Trung tướng Lê Thái Bê, Chính ủy Trường đại học Nguyễn Huệ, cho biết: “Từ khi ra đời đến lúc thống nhất đất nước, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường đã chủ động vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành 19 khóa học, đào tạo trên 10 ngàn cán bộ, đáp ứng kịp thời cho các đơn vị chiến đấu trên toàn chiến trường miền Nam. Cùng với nhiệm vụ đào tạo, nhà trường còn trực tiếp tham gia nhiều trận chiến, diệt hàng ngàn tên địch, lập nhiều chiến công xuất sắc”.

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường đại học Nguyễn Huệ đã được Đảng, Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng nhất và ba; Huân chương Chiến công các hạng nhất, nhì và ba…

 

Hơn một năm từ khi thành lập, cán bộ, học viên nhà trường đã đánh bại cuộc hành quân “Sao Mai” của địch (ngày 16 và 17-10-1962) vào vùng giải phóng Tây Ninh, bảo vệ an toàn hội nghị chính trị các lực lượng vũ trang lần thứ nhất được tổ chức tại trường. Trận chiến này, cán bộ, học viên nhà trường đã bắn rơi 1 trực thăng của Mỹ (đây là chiếc trực thăng Mỹ đầu tiên bị bắn rơi ở khu B của chiến trường Đông Nam bộ). Ngay sau đó, nhà trường được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Sang năm 1970, được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ sang giúp nước bạn Campuchia, nhà trường đã tổ chức nhiều trận chiến đấu với lực lượng Lon Nol tại đây.

Đầu năm 1975, nhà trường phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng thị trấn Châu Thành (TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước).

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà trường lại tham gia chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng phía Bắc Sài Gòn và làm nhiệm vụ quân quản.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, từ tháng 10-1975 đến nay, nhà trường chuyển về đóng quân tại căn cứ Nước Trong (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), tiếp tục nhiệm vụ đào tạo sĩ quan cho quân đội.

* Tập trung đào tạo, nghiên cứu khoa học

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, năm 1998 nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học quân sự ở các chuyên ngành: binh chủng hợp thành, trinh sát bộ binh, trinh sát đặc nhiệm… Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo cao đẳng quân sự cho Bộ Công an; đào tạo giáo viên quân sự, sĩ quan chỉ huy, trinh sát cho Quân đội hoàng gia Campuchia.

Trong quá trình giảng dạy, nhà trường coi trọng việc truyền thụ, vận dụng kinh nghiệm chiến đấu vào giảng dạy, đảm bảo cho học viên có đầy đủ năng lực chỉ huy, quản lý, công tác Đảng… Kết quả các lần thi, kiểm tra có trên 96% học viên đạt khá, giỏi trở lên; học viên các khóa ra trường có trên 75% khá, giỏi.

Trung tướng Lê Thái Bê cho biết: “Hiện đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có 100% đạt trình độ đại học, trên 32% có trình độ sau đại học, trong đó có 17 phó giáo sư, 54 tiến sĩ, gần 400 thạc sĩ. Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên thường xuyên được quan tâm, nhất là việc rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tác phong sư phạm cho đội ngũ giảng viên”.

Cùng với nhiệm vụ giáo dục, công tác nghiên cứu khoa học của Trường đại học Nguyễn Huệ được triển khai tích cực và có hiệu quả. Trong 10 năm gần đây, nhà trường đã hoàn thành nhiều đề tài, tài liệu cấp bộ, tỉnh, ngành…; nhiều sáng kiến, sáng chế có giá trị thực tiễn và hàm lượng khoa học cao.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cao với cơ cấu hợp lý. “Nhà trường phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 60% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, trên 25% tiến sĩ, 3-5 nhà giáo ưu tú và đến hết nhiệm kỳ này nhà trường sẽ có giáo sư” - Trung tướng Lê Thái Bê nhấn mạnh.

Minh Thành

 

 

 

 

Tin xem nhiều