Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người nghèo bằng chính khả năng

09:07, 17/07/2016

Nhằm tạo ra nguồn lực tại chỗ để giúp những hộ nghèo vươn lên, hơn 10 năm qua mô hình "Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn" được huyện Cẩm Mỹ triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Nhằm tạo ra nguồn lực tại chỗ để giúp những hộ nghèo vươn lên, hơn 10 năm qua mô hình “Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn” được huyện Cẩm Mỹ triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Ông Trần Văn Nguyên (ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) vui mừng bên những con thỏ thịt chờ xuất chuồng nhờ số tiền 5 triệu đồng từ mô hình “Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn”.
Ông Trần Văn Nguyên (ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) vui mừng bên những con thỏ thịt chờ xuất chuồng nhờ số tiền 5 triệu đồng từ mô hình “Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn”.

Mô hình này đã giúp người nghèo có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống, học sinh nghèo được tiếp thêm nguồn lực đến trường. Đặc biệt, bằng việc tham gia vào mô hình, tinh thần tương thân tương ái của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong huyện Cẩm Mỹ được nâng cao. Qua đó khuyến khích mỗi người tự giác học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ về lòng yêu thương con người.

* Chắp cánh cho người nghèo

Là một trong những hộ dân được nhận sự hỗ trợ từ mô hình “Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn”, ông Trần Văn Nguyên (ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ) cho biết: “Năm 2015 tôi được các cơ quan của huyện hỗ trợ 5 triệu đồng. Sồ tiền này tôi dùng làm chuồng và nuôi thỏ sinh sản, thỏ thịt. Do là vật nuôi ngắn ngày nên tiền bán thỏ đã giải quyết được những khó khăn về chi phí học tập cho các con và ăn uống hàng ngày cho gia đình. Tiếp đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ, bảo lãnh cho tôi làm thủ tục vay thêm 20 triệu đồng từ nhiều nguồn vốn ưu đãi khác để nuôi thêm dê. Hiện đàn dê là của để dành, còn bầy thỏ là thu nhập hàng tháng của gia đình tôi. Đây chính là điều kiện để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới”.

Một trường hợp khác cũng được nhận sự hỗ trợ từ mô hình này là hộ bà Đỗ Thị Phương Hồng (ngụ ấp 3, xã Nhân Nghĩa). “Không chỉ được nhận 5 triệu đồng để nuôi dê mà gia đình tôi còn được các cơ quan, ban, ngành của huyện quan tâm giúp đỡ. Trong đó, 2 con gái tôi đều được giảm hoặc miễn học phí khi đến trường. Nhờ đó mà một trong 2 người con tôi có điều kiện theo học đại học, đứa còn lại đang là học sinh lớp 11. Ngoài ra, cả nhà 4 người của tôi còn được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, được học các lớp về kỹ thuật vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, tôi được tham gia vào công tác của ấp, vừa được nhận một khoản trợ cấp vừa phối hợp cùng chính quyền nắm bắt tâm tư, tình cảm của những hộ có cùng hoàn cảnh để tìm cách hỗ trợ”. 

* Và rèn luyện đạo đức

Sự đổi thay trong cuộc sống của các hộ khó khăn được nhận sự giúp đỡ từ mô hình “Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn” càng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động của huyện Cẩm Mỹ tuy có mức lương không nhiều nhưng vẫn hăng hái tham gia vào mô hình này.

Để có kinh phí giúp người khó khăn, sau khi được phân công đỡ đầu một gia đình cụ thể nào đó, mỗi cơ quan, đơn vị đều họp bàn để thống nhất phương án hỗ trợ sao cho phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị với hoàn cảnh kinh tế của anh em. Phổ biến nhất vẫn là mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ở từng nơi tiết kiệm hàng tháng từ tiền lương để đầu năm trao cho gia đình mà cơ quan hỗ trợ.

Ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, cho hay năm 2016 toàn huyện có 85 hộ nghèo được các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu để phát triển kinh tế giúp thoát nghèo, giúp con em họ đến trường. Trước đó, mỗi năm cũng có từ 80-85 hộ gia đình khó khăn được nhận hỗ trợ tương tự.

Ngoài ra, không ít cách làm hay đã được đề ra để có thể giúp đỡ được nhiều hơn cho người nghèo. Trong đó, có thể kể đến Trạm y tế xã Xuân Mỹ với mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” phát động trong 10 cán bộ, nhân viên tại trạm. Với cách làm này, mỗi ngày nhân viên tại trạm tiết kiệm 1 ngàn đồng/ngày để bỏ vào ống heo. Đến cuối năm, tiền tích góp được gom lại để trao tặng cho gia đình khó khăn do đơn vị đỡ đầu cũng như những người già neo đơn, gia đình chính sách trong xã.

Còn tại Trường tiểu học Nhân Nghĩa (xã Nhân Nghĩa) có chương trình văn nghệ gây quỹ cho học sinh nghèo hiếu học. Với hoạt động này, lãnh đạo địa phương, các mạnh thường quân tự nguyện đóng góp theo khả năng của mỗi người để giúp học trò nghèo đến trường bằng những phần học bổng có giá trị chứ không chỉ có giảm hoặc miễn học phí.

Còn ở Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, mỗi khi đơn vị được nhận bằng khen, giấy khen hay bất kỳ khoản khen thưởng nào thì toàn bộ số tiền khen thưởng đều được bỏ vào quỹ giúp đỡ người khó khăn của cơ quan. Đến cuối năm, khoản tiền này được dùng làm kinh phí tặng cho hộ kém may mắn mà Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ nhận đỡ đầu.

“Chúng tôi hoàn toàn có quyền dùng số tiền này vào những mục đích chính đáng khác. Song có thể đem nó giúp cho những người khó khăn làm vốn sản xuất thì còn gì ý nghĩa hơn và anh em trong cơ quan ai cũng nhất trí”- ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, nói.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều