Báo Đồng Nai điện tử
En

Chọn những vấn đề đột phá

10:06, 13/06/2016

Ngày 13-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận kế hoạch, tìm giải pháp mang tính khả thi, sát thực tiễn địa phương nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Ngày 13-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận kế hoạch, tìm giải pháp mang tính khả thi, sát thực tiễn địa phương nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: Công Nghĩa
Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: Công Nghĩa

Mục tiêu tổng quát của dự thảo kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết đại hội XII của Đảng có nêu: tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng và phát triển con người toàn diện; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh.

Con người là nhân tố quan trọng

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa nhận định: cả nước gần như đang có 63 nền kinh tế, mỗi địa phương là một nền kinh tế trong khi việc liên kết vùng trong phát triển kinh tế cũng chưa có. Thực trạng trên đã khiến nền kinh tế chung phát triển thiếu đồng bộ, nguồn lực cũng dàn trải, lãng phí, vì vậy nên thực hiện liên kết vùng trong đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang thì đề cập, dù máy móc có hiện đại, trang thiết bị được đổi mới nhưng con người vẫn là quan trọng nhất. Nếu chỉ nói ở góc độ đại học thôi thì chưa đủ mà phải chú ý lực lượng lao động trình độ kỹ thuật tay nghề cao. Trong bậc đại học nên phân thành 2 loại: chuyên đào tạo về nghiên cứu và chuyên giáo dục nghề nghiệp, có như thế mới đáp ứng nhu cầu vừa có thầy vừa có thợ. Nhiều trường dạy nghề đã bước đầu liên kết được với doanh nghiệp trong đào tạo nhưng khi doanh nghiệp đặt vấn đề phải thay đổi trang thiết bị dạy cho phù hợp yêu cầu thì trường công lập lại không làm được do vướng về khâu hành chính, khâu thủ tục, còn trường tư làm được do ít bị vướng. “Cần phải có cơ chế để các trường thực hiện xã hội hóa, góp phần cho đào tạo nguồn nhân lực chung của đất nước” - Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư nêu thực trạng doanh thu từ du lịch, dịch vụ ở Đồng Nai còn thấp so với tiềm năng của tỉnh. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phải có trách nhiệm tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chính sách, cơ chế đúng về lĩnh vực này. Trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh phải củng cố lại. Đồng chí cũng cho rằng trong thực hiện các chỉ tiêu về gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa; đơn vị có đời sống văn hóa… cũng cần phải rà soát lại; đừng tự khen nhau, dễ dãi với nhau làm mất đi ý nghĩa, động lực phát triển. Tới đây, cần có chế tài, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra “bệnh thành tích”.

Đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ ra điểm chưa hợp lý trong dự thảo kế hoạch, là chỉ một nhiệm kỳ thì không thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các địa phương trong tỉnh được, mà chỉ có thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa. Quan trọng là tích cực hỗ trợ người nghèo vươn lên, chăm lo đối tượng yếu thế…

Mạnh dạn thay thế cán bộ không có đạo đức, năng lực

Nhiều vấn đề khác được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề cập: dự thảo kế hoạch của tỉnh rất coi trọng việc tiếp tục triển khai hiệu quả, chiều sâu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội các cấp, Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết XII của Đảng. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng việc học Bác không được giáo điều, mà quan trọng là từng cá nhân, đơn vị cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhiều nơi vào sáng thứ hai hàng tuần, sau khi chào cờ thì tập trung toàn thể cơ quan đọc về các tấm gương nọ, tấm gương kia về Bác, thế là xong, điều này hết sức tránh, quan trọng là hành động cụ thể. Làm cái gì cũng phải thực chất, đừng chạy theo thành tích. Trong xây dựng nông thôn mới cũng vậy, mục tiêu là bộ mặt, cuộc sống nông thôn, nông dân thay đổi chứ không phải để được nông thôn mới, người dân lâm vào cảnh nợ nần.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn nêu rõ, tỉnh sẽ quyết tâm mạnh dạn thay thế cán bộ không có phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thật sự vì Đảng, vì dân, không gương mẫu trong lối sống, công việc cũng bị thay ngay.

Tới đây, tỉnh cũng sẽ xem lại các đề tài khoa học được Sở Khoa học - công nghệ nghiệm thu hàng năm; hay việc vô địch cuộc thi Sáng tạo robot châu Á - Thái bình Dương hàng năm của Trường đại học Lạc Hồng ứng dụng ra sao vào đời sống, có giúp gì đời sống xã hội. Đồng Nai cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả cải cách hành chính như nội dung văn kiện Đại hội XII của Đảng và Đại hội X của Đảng bộ tỉnh đề cập, bớt đi nỗi khổ cho doanh nghiệp và người dân khi phải giải quyết các công việc liên quan thủ tục hành chính. Đồng thời, để cùng cả nước trấn áp tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, Đồng Nai sẽ sớm ban hành nghị quyết về trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường khẳng định: để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, dự thảo kế hoạch của Tỉnh ủy nhiệm kỳ này cương quyết xử lý bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong đơn vị mình. Đồng thời, cương quyết xử lý cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng, hành vi tham nhũng, vòi vĩnh doanh nghiệp, nhân dân, cấp dưới, trong đó có đội ngũ thi hành án. Quá trình xử lý ắt “đụng” người nọ, người kia nhưng phải cương quyết làm. Cán bộ hưởng lương từ thuế của dân thì phải có trách nhiệm phục vụ lại dân cho tốt. Tất cả phải nỗ lực để chính mình và đơn vị mình tốt hơn.

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh:

Cần làm tốt công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp, coi đây là kênh quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của doanh nghiệp tới người lao động. Đối với công tác Đảng tại địa bàn khu dân cư, cần xây dựng cấp ủy ở các chi bộ ấp, đồng thời có chế độ đãi ngộ đối với bí thư chi bộ ấp.

Cần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất, nhất là chuẩn bị hội nhập TPP. Các ngành như thuế, hải quan có biện phát hỗ trợ cụ thể hơn chứ không chỉ dừng lại ở gặp gỡ, hỏi thăm. Các đơn vị, địa phương có doanh nghiệp nằm trên địa bàn cũng cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu khi nào chúng ta còn thực hiện theo kiểu trên trải thảm, dưới lại rải đinh thì không thể nào nói chúng ta coi trọng doanh nghiệp được.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành:

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết XII của Đảng do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng là rất cụ thể. Tuy nhiên, cần coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi và theo giá trị toàn cầu, có như vậy nông sản của Đồng Nai mới vươn ra được thị trường nông sản quốc tế.

Trưởng ban Kinh tế -ngân sách HĐND tỉnh Quách Ngọc Lan:

Thành tựu kinh tế chúng ta đạt được trong 5 năm qua là rất lớn, nhưng hạn chế không phải là ít. Cần phải quan tâm giải quyết những hạn chế này trong 5 năm tới. Một trong những hạn chế lớn là phát triển đô thị, cụ thể là phát triển các đô thị Biên Hòa, Long Khánh và Nhơn Trạch trong tương lai. Trong đó, đáng lưu ý là đô thị Biên Hòa tuy đã thành đô thị loại I nhưng còn nhiều hạn chế về hạ tầng, hệ thống thoát nước, môi trường...

Công Nghĩa

(lược ghi)

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều