Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để ngư dân "cô đơn" trên vùng biển Việt Nam

10:04, 29/04/2016

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng được xem là còn khá non trẻ so với nhiều lực lượng thuộc các lực lượng vũ trang khác. Năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam mới tròn 20 năm thành lập.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng được xem là còn khá non trẻ so với nhiều lực lượng thuộc các lực lượng vũ trang khác. Năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam mới tròn 20 năm thành lập. Tuy vậy trong bối cảnh hiện tại, khi nhiệm vụ giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo đang là vấn đề rất nóng từ nghị trường Quốc hội đến cuộc sống đời thường, thì Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng rất được quan tâm.

Gắn bó với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã 11 năm, Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển cũng trải qua nhiều buồn vui với nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt này. Ông chia sẻ, trong suy nghĩ của mình, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở  trên đất liền hay dưới biển là nhiệm vụ của mỗi công dân dù ở bất kỳ vị trí nào. Ông bày tỏ tin tưởng vào trách nhiệm, lòng yêu nước, lý tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại.

* Hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển

 Thách thức lớn nhất đối với lực lượng được xem là còn khá non trẻ như Cảnh sát biển là gì, thưa ông? Đặc biệt trong bối cảnh bờ biển Việt Nam luôn nằm trong trạng thái cần bảo vệ nghiêm ngặt?

- Công việc của các lực lượng vũ trang nhìn chung đều vất vả, cảnh sát biển cũng không ngoại lệ với đặc thù địa bàn hoạt động trên biển xa. Anh em phải hoạt động dài ngày, đối mặt với nhiều hiểm nguy trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền cũng như phòng chống tội phạm trên biển.

Thách thức lớn nhất với chúng tôi là vùng biển quá rộng lớn, trong khi trang bị phương tiện còn hạn chế, nhiều khi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Song vài năm tới đây, trang bị phương tiện sẽ dần đáp ứng được nhu cầu.

 Bảo vệ và giải cứu ngư dân có phải là nhiệm vụ nặng nề không khi Việt Nam có hơn 3 ngàn km bờ biển và rất nhiều đảo, quần đảo? Điểm yếu của ngư dân Việt Nam xét trên khía cạnh tự bảo vệ mình trong quá trình đánh bắt xa bờ trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam?

- Đặc thù nghề nghiệp của ngư dân Việt Nam là “vươn khơi, bám biển”. Đầu tiên là để bảo đảm đời sống, hơn nữa là khẳng định chủ quyền vùng biển Việt Nam một cách thường xuyên và cụ thể nhất. Do đó có những tàu, thuyền của ngư dân Việt Nam ra khơi rất xa, tận cả những quần đảo đang bị tranh chấp như Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc những khu vực biển giáp ranh với vùng biển của các nước khác. Điểm yếu của ngư dân nước ta là tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị thiếu thốn, thêm nữa do kinh tế còn eo hẹp nên nhiều ngư dân vẫn chưa thể chú trọng đến việc bảo đảm an toàn cho thuyền của mình, vì vậy mà dễ xảy ra những tai nạn, rủi ro trên biển.

Đáng mừng là gần đây Chính phủ rất quan tâm đến những chương trình hỗ trợ ngư dân, như: cho vay vốn để cải tạo thiết bị đánh cá, chuyển tàu gỗ thành tàu sắt... Do đó, tôi hy vọng các điểm yếu trên sẽ dần được cải thiện.

 Có lần giải cứu ngư dân hay đụng độ trên biển nào làm ông nhớ mãi không?

- Chúng tôi trải qua nhiều thử thách của sóng gió, bão tố trên biển. Mỗi khi tuần tra trên biển khơi, giữa mênh mông trời biển, quan sát nhiều nơi chỉ có nhóm vài tàu đánh cá nhỏ nhoi của ngư dân Việt nhấp nhô theo sóng, chúng tôi lại cảm nhận được lòng thủy chung gắn bó với biển và yêu biển biết nhường nào của ngư dân ta.

Lần cứu nạn ngư dân ấn tượng nhất mà tôi không quên, là lần giải cứu 7 ngư dân ở vùng biển Bình Thuận vào tháng 7-2014. Một tàu đánh cá bị chìm cách biển Vũng Tàu chừng 60 hải lý với 7 người trên tàu. Tàu CSB 2009, tàu sa của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn và tàu cá của ngư dân đã “quần” nát tìm kiếm khắp vùng biển đó, nhưng mãi đến 2 ngày sau mới tìm thấy dấu vết và vớt được ngư dân đầu tiên sau 2 ngày rưỡi gặp nạn. Rồi chúng tôi vớt đủ 7 người sau nửa ngày nữa, may mắn là họ đều còn sống dù tình trạng sức khỏe rất yếu sau 3 ngày lênh đênh trên biển.

Cảnh tượng tôi nhớ nhất là khi tàu CSB 2009 và tàu SA của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn 3 đưa các ngư dân về đến cảng để bàn giao thì hàng trăm người thân của 7 ngư dân đã chờ sẵn. Họ không ngờ được người thân của mình vẫn sống sau gần 3 ngày nhận tin tàu chìm. Họ òa khóc nức nở và chúng tôi cũng rơi nước mắt vì mừng. Những khoảnh khắc ấy không dễ gì đánh đổi được và cũng là động lực khiến anh em cảnh sát biển gắn bó với nghề.

* Ý thức để tự bảo vệ mình

 Nhiều lần báo chí đặt ra câu hỏi, liệu ngư dân Việt Nam trên biển có quá “cô đơn” hay không khi họ nhiều lần bị tấn công bởi “tàu lạ”? Ông nghĩ về câu hỏi này ra sao với cương vị một người trong ngành có nhiệm vụ bảo vệ ngư dân?

- Tôi không nghĩ họ cô đơn trên vùng biển Việt Nam. Các anh em từ lực lượng hải quân, cảnh sát biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, kiểm ngư, biên phòng… luôn hỗ trợ họ khi cần thiết. Nhưng có những ngư dân mải mê theo luồng cá, không xác định được đâu là ranh giới của vùng biển Việt Nam, đâu là vùng biển thuộc nước khác nên lạc sang khu vực đánh bắt của nước khác, dễ bị các lực lượng khác bắt hoặc đe dọa.

Trong 4 Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 có địa bàn quản lý và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc rất quan trọng: từ Cù lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh) bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Tôi cũng muốn chia sẻ một chút ở khía cạnh này là để tự bảo vệ mình hiệu quả nhất, ngư dân nên tìm hiểu kỹ, nắm chắc các vùng biển Việt Nam và ranh giới vùng biển mình được quyền đánh bắt, các điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển và chuẩn bị những phương tiện cần thiết để liên lạc với cơ quan chức năng khi có sự cố. Khi nhận được thông tin, chúng tôi không bao giờ để ngư dân đơn độc trên biển, đặc biệt là trên vùng biển Việt Nam.

 Còn đối phó với cướp biển thì sao, thưa ông?

- May mắn là chưa xảy ra tình trạng cướp biển trên các vùng lãnh hải  Việt Nam. Chỉ có vài lần chúng tôi hỗ trợ cảnh sát biển Indonesia hay vài nước khác bắt cướp biển từ các vùng biển nước khác chạy qua vùng biển Việt Nam. Do đó, về cơ bản nếu ngư dân đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn tàu thuyền và ra khơi đúng phạm vi vùng biển Việt Nam thì tôi nghĩ những nguy hiểm trên biển cũng không quá nặng nề.

 Dưới góc nhìn của ông, cảnh sát biển có phải là một nghề hấp dẫn giới trẻ?

- Hấp dẫn hay không còn tùy thuộc vào quan điểm và mơ ước nghề nghiệp của từng người. Nếu chỉ nhìn vào vài khía cạnh thì nghề nào cũng có mặt hấp dẫn và kém hấp dẫn riêng của nó. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù như cảnh sát biển thì để đeo bám với nghề, ngoài những điều kiện khác thì còn cần đến tinh thần khát khao bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và sự thủy chung với niềm khát khao đó.

 Nếu nói về lý tưởng thì ông có nhìn thấy và tin tưởng vào lý tưởng của giới trẻ Việt Nam hiện tại, đặc biệt là lý tưởng về bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc?

- Có thể có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng bản thân tôi thì tin tưởng vào điều đó. Vài năm trở lại đây, nhiều thanh niên chủ động chọn thi vào các ngành lực lượng vũ trang và phấn đấu rất nghiêm túc trong quân ngũ. Chúng tôi thực sự rất vui mừng. Tôi cũng nhìn thấy những hoài bão ở những cán bộ, chiến sĩ trẻ trong chính lực lượng cảnh sát biển của chúng tôi.

Một điều đáng mừng khác là ngoài hoài bão thì giới trẻ giờ đây giỏi hơn chúng tôi ngày trước khá nhiều. Hiện tại trong lực lượng cảnh sát biển, nhiều anh em chưa đến 30 tuổi đã được bổ nhiệm là thuyền trưởng, trong khi độ tuổi trung bình để bổ nhiệm ở thời trước phải 35-40 tuổi. Họ giỏi về ngoại ngữ và chuyên môn, nghiệp vụ,  nhanh nhạy trong xử lý các tình huống, đó là điều rất đáng tự hào và an tâm.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều