Báo Đồng Nai điện tử
En

Những trận đánh oai hùng trên sông Lòng Tàu

10:12, 09/12/2015

Tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam, viết trong hồi ký: "Trong chưa đầy 2 năm rưỡi (tính từ năm 1965), Mỹ đã xây dựng một hệ thống hậu cần hiện đại tại một nước kém phát triển, có khả năng chi viện cho trên 1,5 triệu quân thuộc các nước khác nhau…".

Tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam, viết trong hồi ký: “Trong chưa đầy 2 năm rưỡi (tính từ năm 1965), Mỹ đã xây dựng một hệ thống hậu cần hiện đại tại một nước kém phát triển, có khả năng chi viện cho trên 1,5 triệu quân thuộc các nước khác nhau…”. Thời đó, sông Lòng Tàu được Mỹ coi là “yết hầu” dẫn đến “dạ dày” Sài Gòn, nơi trung bình mỗi ngày có trên 30 tàu vận tải quân sự cỡ lớn 7-13 ngàn tấn qua sông này.

Bộ chỉ huy Miền xác định, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác phải tấn công liên tục vào các mục tiêu, đánh chìm tàu chở hàng quân sự, ngăn chặn con đường tiếp tế của địch cho chiến trường miền Nam.

* Trận đánh đi vào huyền thoại

Suốt gần 10 năm, với lối đánh tài tình và táo bạo, đặc công Rừng Sác đã tổ chức nhấn chìm hàng trăm tàu chiến lớn, nhỏ của Mỹ dưới dòng sông Lòng Tàu. Trong đó, có những trận đánh tàu quân sự hàng chục ngàn tấn, thực sự khiến quân Mỹ hoang mang và tổn thất nặng nề.

Xuồng đưa 2 chiến sĩ đặc công đi đánh tàu vận tải quân sự trên sông Rạch Lá. Ảnh tư liệu
Xuồng đưa 2 chiến sĩ đặc công đi đánh tàu vận tải quân sự trên sông Rạch Lá. Ảnh tư liệu

Ngay khi thành lập Đoàn 10, mục tiêu đầu tiên là phải đánh chìm con tàu chở vũ khí nặng trên 10 ngàn tấn Baton Rouge Victory của đế quốc Mỹ. Theo đó, một đội nghiên cứu đánh chiếc tàu “khủng” đã bí mật được thành lập. Lúc này, 2 quả thủy lôi KB (nặng 1.075kg/quả) cũng được đưa vào trận địa thành công. Sau nhiều đợt tập dợt, chiều 21-8-1966 ta nhận được lệnh chỉ 2 ngày nữa tàu địch sẽ vào sông Lòng Tàu. Trước trận đánh lớn, cả khu rừng đước, mắm với những con lạch nhỏ chằng chịt bỗng yên tĩnh lạ thường.

20 giờ ngày 22-8, Chỉ huy trưởng trận địa chính Nguyễn Hoàng Sơn ra lệnh xuất phát thả thủy lôi. Sau 5 phút, 2 chiếc xuồng của trinh sát chở theo 2 quả thủy lôi cập “bến” rồi bị nhấn chìm, nằm yên dưới lòng sông. Đến 7 giờ 30 hôm sau, khi con tàu Rouge Victory vừa xuất hiện trên đoạn sông ta chờ sẵn thì 2 tiếng nổ vang lên, làm rung chuyển khắp ngã ba sông, con tàu cùng toàn bộ vũ khí, sĩ quan và binh lính Mỹ vùi xác dưới đáy sông.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy, Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, cho biết: “Trận đánh đi vào lịch sử của đơn vị đã mở màn cho những chiến công mới của anh em đặc công Rừng Sác. Sau Tết Mậu Thân 1968, tổ đánh tàu lớn gồm 3 chiến sĩ: Đinh Hữu Loan, Nguyễn Chất Xê và Trần Văn Dần tiếp tục mang về thắng lợi giòn giã cho Đoàn 10 khi đánh chìm tàu vận tải chở dầu trên 13 ngàn tấn”.

Sau nhiều ngày trinh sát và tận mắt chứng kiến sự to lớn của con tàu chở dầu, chiến sĩ Xê cho rằng nếu để yên cho con “thú dữ” này cập cảng thì bao nhiêu tai họa, tội ác sẽ giáng lên đầu nhân dân và bộ đội ta.

Ngay sau khi con tàu vừa cập bến và chuẩn bị neo dây, 3 trinh sát như những con rái cá nhanh chóng lặn xuống đáy tàu kiểm tra, lắp đặt thiết bị. Một quả mìn hẹn giờ được gắn vào thân quả bom lép nặng 750 cân Anh nằm gọn giữa thân, ngay buồng máy của con “thú dữ”.

Hoàn thành xong, 3 chiến sĩ bơi sang bên bờ xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) ngồi nhai gạo rang chờ thành quả. Lúc này đã 1 giờ sáng 4-10-1969. Chỉ mấy phút sau, một tiếng nổ long trời làm chấn động cả một vùng Nhà Bè, lửa bốc cháy dữ dội không sao dập tắt được.

Quay về báo cáo kết quả trận đánh, cả 3 chiến sĩ nhận được cái gật đầu vui mừng khôn xiết của vị chỉ huy. Đại tá Lê Bá Ứớc nói giọng hào sảng: “Trận đánh đã làm nức lòng dân, còn bọn Mỹ thì điên cuồng, náo loạn. Qua tin đài BBC, họ nói rằng Việt Cộng đã gài mìn đánh chìm tại chỗ một tàu dầu vạn tấn và hư hại hoàn toàn một chiếc khác đậu gần bên”.

* Con sông thành mồ chôn quân thù

Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác thời kỳ 1969-1977, cho rằng: “Rừng Sác là nhà, bến cảng kho tàng là trận địa, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm, có lệnh là đánh, hoàn cảnh nào cũng đánh và đã đánh là thắng”. Với quyết tâm này, mỗi trận xuất quân là mỗi chiến thắng vang dội mà các chiến sĩ đặc công đã kiên gan, anh dũng chiến đấu. Con sông Lòng Tàu sẽ thành mồ chôn xác thù, không biết bao thân tàu hàng vạn tấn cùng những khối vũ khí chiến đấu hiện đại của địch đã nằm sâu dưới lòng sông.

Tuy vũ khí ít ỏi, nhưng tinh thần chiến đấu lập công của cán bộ, chiến sĩ rất cao. Sau những chiến công giòn giã, toàn đơn vị phát động phong trào đánh chìm tàu cỡ lớn của địch, với quyết tâm “chặn cổ sông Lòng Tàu”, làm cho địch đã thất bại càng thất bại nặng nề hơn. Đoàn 10 đã có hàng chục cách đánh được đề đạt lên trên. Nhiều chiến sĩ viết đơn  tình nguyện xin khối nổ chỉ 100kg ém sẵn, khi tàu đến bất ngờ lao ra phóng vào mạn tàu, nếu cần sẵn sàng lấy cả thân mình đánh đổi tàu vạn tấn.

Rừng Sác, một vị trí chiến lược quan trọng, là bàn đạp hiểm yếu để quân ta tấn công vào sào huyệt đầu não của Mỹ - ngụy tại Sài Gòn từ hướng Đông Nam. Con sông Lòng Tàu trở thành con đường vận chuyển chiến lược sống còn của Mỹ với những kho tàng chiến tranh lớn nhất, như: Long Bình, Nhà Bè, Thành Tuy Hạ… mà đặc công Rừng Sác được cấp trên giao nhiệm vụ phải chọc thủng “dạ dày” Sài Gòn.

Kể từ đêm đột phá vào quân cảng Nhà Bè cuối năm 1967 cho đến đầu chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, đặc công Rừng Sác đã đánh chìm, cháy và hư hỏng hàng trăm tàu chiến và sà lan của địch với trọng tải từ 7-13 ngàn tấn. Riêng đội 5 (chuyên đánh tàu địch) đã đánh tan gần 60 tàu, trong đó có 30 chiếc trọng tải trên 10 ngàn tấn, tiêu hủy 15 triệu lít xăng dầu.

Từ những thắng lợi này, Bộ chỉ huy Miền hạ quyết tâm mở chiến dịch trên toàn miền Đông Nam bộ, giao cho Đoàn 10 phải đứng vững trên địa bàn Rừng Sác, dùng lực lượng sẵn có tấn công liên tục vào các mục tiêu bến cảng, sông Lòng Tàu. Trong đó, đối tượng chủ yếu là tàu hàng quân sự chở xăng dầu, bom đạn và dụng cụ chiến tranh; đánh trong cảng, đánh chìm tàu tại chỗ nhằm làm cản trở, gián đoạn vận chuyển của địch trên tuyến sông  Lòng Tàu.

Đại tá Lê Bá Ước nhận định: “Trong 9 năm đương đầu trực tiếp với Mỹ - ngụy, dưới sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, Đoàn 10 đã đánh 595 trận lớn, nhỏ; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu; đánh đắm 133 tàu vận tải từ 8-15 ngàn tấn và bắn cháy 145 tàu vận tải khác. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác thực sự là những anh hùng chiến đấu quả cảm. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều