Báo Đồng Nai điện tử
En

Tô đậm truyền thống "Nhằm thẳng quân thù mà bắn"

07:02, 28/02/2015

Ngày mai 1-3, Tiểu đoàn tên lửa 93, nay là Trung đoàn tên lửa 93 (TL93), Sư đoàn Phòng không 367, Quân chủng Phòng không - không quân sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng vì những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày mai 1-3, Tiểu đoàn tên lửa 93, nay là Trung đoàn tên lửa 93 (TL93), Sư đoàn Phòng không 367, Quân chủng Phòng không - không quân sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng vì những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một buổi huấn luyện chiến đấu của Trung đoàn TL 93.
Một buổi huấn luyện chiến đấu của Trung đoàn TL 93.

Những chiến công xuất sắc của Tiểu đoàn TL 93 đã góp phần cùng quân dân ta làm nên trận thắng “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12-1972.

* Bắn rơi nhiều máy bay Mỹ

Nhắc lại truyền thống của Tiểu đoàn TL93 năm xưa, Thượng tá Đỗ Trọng Huệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn TL93 không giấu nổi niềm tự hào. Ông cho biết, Tiểu đoàn TL93 được thành lập vào ngày 13-1-1965, thuộc Trung đoàn TL278, Sư đoàn Phòng không 365, là lực lượng cơ động của quân chủng bảo vệ vòng ngoài thủ đô Hà Nội. Đây cũng là tiểu đoàn đầu tiên của Trung đoàn TL278 bắn rơi máy bay Mỹ.

Tháng 3-1969, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - không quân đã hợp nhất Trung đoàn TL278 và Trung đoàn 261 thành Trung đoàn TL261, từ đó Tiểu đoàn TL93 nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn TL261. Tháng 6-1972, Tiểu đoàn TL93 được lệnh cơ động về Hải Hưng tổ chức đánh địch trên các đường bay từ hướng Đông Nam vào thủ đô Hà Nội và đã liên tục lập công khi bắn hạ 2 chiếc F4 đầu tiên của không quân Mỹ tại trận địa Đào Xá vào ngày 2-6 và ngày 29-9-1972. Thượng tá Đỗ Trọng Huệ sôi nổi cho biết, năm 1972 là năm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ đối với miền Bắc. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã phải chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ, khó khăn, tuy nhiên với tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ an toàn cho bầu trời thủ đô nên cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn đã không quản ngại hy sinh, chiến đấu với tinh thần “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Tiêu biểu cho những chiến công đó là vào ngày 18-10-1972, địch cho nhiều tốp, chiếc máy bay tiêm kích F4 bay vào đánh phá, khống chế sân bay Nội Bài. Trận đánh diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt, khi nhận lệnh chiến đấu, Tiểu đoàn TL93 đã đeo bám, phát hiện mục tiêu và được lệnh phóng 2 quả đạn. Sau khi phóng quả đạn thứ nhất, kíp chiến đấu phát hiện máy bay địch đang phóng tên lửa về phía trận địa của ta. Bằng sự mưu trí, khôn ngoan, kíp chiến đấu ngừng phóng quả đạn thứ 2, bình tĩnh điều khiển quả đạn thứ nhất tới hạ mục tiêu rồi mới hạ cao thế máy phát. Bất ngờ bị mất phương hướng nên tên lửa địch bay vượt qua trận địa và nổ cách đài điều khiển khoảng 50m, toàn tiểu đoàn an toàn.

Đặc biệt hơn là trận chiến đấu vào lúc 20 giờ ngày 20-12-1972, 2 tốp máy bay địch mang số hiệu 383 và 389 gồm 5 chiếc B52 bay vào ném bom sân bay Gia Lâm, Yên Viên phía Đông Nam Hà Nội. Tiểu đoàn mở máy phát sóng radar và phát hiện được các dải nhiễu của tốp mục tiêu 389, cự ly cách trận địa 50km. Ngay lập tức, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hùng lệnh cho 2 đài phát sóng dò bắt mục tiêu nhưng không tìm thấy tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu. Trong tình huống đó, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phóng 2 quả đạn điều khiển theo phương pháp “T”, một quả vượt qua mục tiêu nhưng không nổ. Ngay sau đó, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho kíp trắc thủ chuyển phương pháp bám sát và lệnh cho sĩ quan điều khiển phóng bồi quả đạn thứ 3. Lần này, 2 quả đạn có điều khiển đã bám được mục tiêu và bắn rơi tại chỗ một chiếc B.52 đầu tiên tại Yên Thường (Yên Viên, Hà Nội). Trận đánh xuất sắc của Tiểu đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm tan biến nỗi lo âu, căng thẳng sau đêm 19-12 không bắn rơi chiếc B52 nào. Với kinh nghiệm thực tiễn qua chiến đấu, trong những ngày sau đó, Tiểu đoàn đã bắn rơi thêm 2 chiếc B52 tại Quỳnh Côi, Thái Bình và Đèo Khế, Tuyên Quang vào ngày 22-12-1972.

* Xây dựng trung đoàn “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”

Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, năm 2005, Bộ Quốc phòng đã có quyết định nâng cấp Tiểu đoàn TL93 thành Đoàn TL93, trực thuộc Sư đoàn Phòng không 367 và được trang bị khí tài mới, tên lửa phòng không hiện đại S300 PMU1. Tháng 5-2013, Bộ Quốc phòng đã quyết định tổ chức lại Đoàn TL93, sáp nhập Tiểu đoàn 123 pháo tự hành ZSU-23-4 và Đoàn TL93 thành Trung đoàn TL93 làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đánh trả các cuộc tiến công hỏa lực đường không của địch, bảo vệ vùng trời phía Nam của Tổ quốc.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Trọng Huệ, tuy là đơn vị mới thành lập, cơ sở vật chất và điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, nhất là đứng trước tình hình nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn TL93 đã không ngừng nêu cao cảnh giác, tích cực học tập, rèn luyện chiến đấu. Năm 2014, Trung đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong đó nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã được nâng lên một bước vững chắc. Hội thi, hội thao các cấp đều đạt giỏi và được xếp thứ hạng cao. diễn tập chỉ huy- tham mưu cấp trung đoàn có thực binh tổ hợp tên lửa S300 do quân chủng tổ chức đạt loại giỏi, được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi, trung đoàn đạt danh hiệu đơn vị trong sạch vững mạnh.

Đi suốt cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của địch bằng không quân, Tiểu đoàn TL93 đã bắn rơi 13 máy bay các loại, trong đó có 3 máy bay B52,  góp phần cùng Trung đoàn TL261 và Quân chủng Phòng không - không quân làm nên chiến thắng vang dội trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Nói về nhiệm vụ năm 2015, Thượng tá Đỗ Trọng Huệ cho biết, trung đoàn sẽ tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, của Đảng ủy quân chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện trong tình hình mới. Tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, tính tổ chức kỷ luật, tác phong chính quy, tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong huấn luyện phải tập trung quán triệt và nắm vững đường lối quân sự của Đảng, đối tượng tác chiến, nghệ thuật quân sự, kinh nghiệm chiến đấu và cách đánh của bộ đội phòng không - không quân, vận dụng sáng tạo cách đánh trong tình hình mới.

Theo đó, công tác huấn luyện của đơn vị phải được duy trì nghiêm theo chế độ quy định; huấn luyện cho chỉ huy các cấp và bộ đội nắm vững các hình thức, phương pháp chiến đấu, giỏi chiến đấu bằng loại vũ khí được trang bị, thành thạo cách đánh đột nhập, sử dụng tác chiến điện tử mạnh kết hợp nâng cao chất lượng huấn luyện đội ngũ chiến thuật, diễn tập chiến thuật, thường xuyên luyện tập các phương án chiến đấu trên không; kết hợp huấn luyện chiến đấu với xây dựng chính quy, giáo dục pháp luật, chấp hành điều lệnh tạo bước chuyển biến vững chắc về chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội và chế độ quy định của đơn vị.

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều