Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách cho nạn nhân da cam/dioxin: Không thể chờ lâu

12:11, 27/11/2014

TP. Biên Hòa tiếp tục gặp nhiều khó khăn để khắc phục những hậu quả kép do chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh để lại đối với con người và môi trường.

TP.Biên Hòa tiếp tục gặp nhiều khó khăn để khắc phục những hậu quả kép do chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh để lại đối với con người và môi trường.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Biên Hòa, tổng số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của thành phố đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước hàng tháng là 821 người, trong đó đối tượng tham gia kháng chiến là 747 người và dân thường là 74 người.   

* Hậu quả khó khắc phục

Đến nay, TP.Biên Hòa đã có 86 nạn nhân qua đời vì bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Đáng lo ngại hơn cả là chất độc da cam/dioxin đã bắt đầu ảnh hưởng tới cả “thế hệ F3”, là cháu, chắt của những người trực tiếp bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Đoàn thuộc Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về giải quyết chất độc da cam/dioxin khảo sát tại một khu vực  ở sân bay Biên Hòa đang được xử lý ô nhiễm.
Đoàn thuộc Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về giải quyết chất độc da cam/dioxin khảo sát tại một khu vực ở sân bay Biên Hòa đang được xử lý ô nhiễm.

Bên cạnh việc chăm lo cho các nạn nhân, TP.Biên Hòa còn phải thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân sống quanh khu vực sân bay Biên Hòa, gồm các phường: Tân Phong, Trảng Dài, Trung Dũng, Bửu Long, Quang Vinh về các nguy cơ phơi nhiễm dioxin. Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, cho biết người dân ở các phường nói trên đã được tuyên truyền, cảnh báo về khả năng phơi nhiễm dioxin. Tuy nhiên, việc khắc phục triệt để nguy cơ phơi nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa là điều vô cùng khó khăn vì kinh phí thực hiện rất lớn, trong khi đó ngân sách của thành phố không đủ sức đảm đương.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Biên Hòa, cho biết đến nay 30/30 phường, xã của thành phố có tổ chức Hội phủ kín đã góp phần giúp các hội viên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được chăm sóc tốt hơn. Nhiều hội viên khó khăn đã được xây nhà, tặng học bổng, xe lăn, khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ học nghề, trợ cấp thường xuyên từ các nguồn vận động xã hội hóa. Hội cũng tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các nạn nhân vào các dịp lễ, tết...

* Chờ... chính sách

Phường An Bình không nằm kế sân bay Biên Hòa nhưng là phường có nạn nhân bị phơi nhiễm dioxin nhiều nhất với 73 nạn nhân được hưởng chính sách, chiếm gần 10% số nạn nhân được hưởng chính sách toàn thành phố. Bí thư Đảng ủy phường An Bình Đinh Văn Hùng cho hay số nạn nhân đã được khảo sát, thống kê,  hưởng chính sách mới chỉ là một phần, do chính sách hỗ trợ nạn nhân bị phơi nhiễm dioxin còn quá thấp, nhiều người không muốn kê khai. Đó là chưa kể nhiều trường hợp không dám nhận mình bị phơi nhiễm dioxin vì sợ ảnh hưởng tới chuyện kết hôn, sinh đẻ của con cái sau này.

Nhà nước đang áp dụng nhiều mức trợ cấp khác nhau cho nạn nhân da cam/dioxin, trong đó đối tượng tham gia kháng chiến được trợ cấp từ 1,5-2,2 triệu đồng/tháng; đối tượng dân thường được trợ cấp từ 480-600 ngàn đồng/tháng.

Theo nhiều cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở các phường, xã, chính sách dành cho các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam hiện nay còn quá thấp, do đó chưa bù đắp được những khó khăn mà các nạn nhân đang gặp phải. Thủ tục để được xét duyệt hưởng chế độ thay đổi liên tục, gây lúng túng khi xét duyệt chế độ dẫn đến nhiều trường hợp dù đã được xét hưởng chế độ, nhưng sau đó bị “gác” lại gây bức xúc cho đối tượng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, thời gian tới thành phố không chỉ dừng lại ở nỗ lực chăm sóc tốt hơn đời sống của các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà còn phải tìm mọi cách để giảm thiểu việc có thêm người dân sống gần sân bay Biên Hòa bị phơi nhiễm dioxin. Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là việc kiểm soát hoạt động của người dân quanh sân bay là  vấn đề nan giải.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều