Báo Đồng Nai điện tử
En

Bế mạc Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6

11:11, 19/11/2014

Chiều 18/11, tại Đà Nẵng, sau hai ngày làm việc tích cực với gần 40 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" đã thành công tốt đẹp.

Chiều 18/11, tại Đà Nẵng, sau hai ngày làm việc tích cực với gần 40 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã thành công tốt đẹp.

Các đại biểu dự hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.
Tại hội thảo, đánh giá về các xu hướng môi trường địa chiến lược ở Biển Đông hiện nay, nhiều học giả lo ngại Biển Đông đang ngày càng trở thành không gian cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Một số học giả nhìn nhận tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để ASEAN và các đối tác của ASEAN đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Nhiều học giả đã bày tỏ quan tâm tới sáng kiến “Trục hàng hải” của Tổng thống Indonesia J. Widodo vừa đưa ra, cho rằng Indonesia với tư cách là một nước lớn về biển và có nhiều lợi ích ở Biển Đông có triển vọng đóng vai trò lớn hơn, tích cực hơn trong việc thúc đẩy hợp tác biển và củng cố các chuẩn mực, nguyên tắc hợp tác biển ở khu vực.

Các học giả cũng cho rằng các tổ chức khu vực như Liên minh châu Âu cũng cần đóng góp tích cực hơn thông qua chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các biện pháp và các quy định pháp lý đã được sử dụng trong việc phòng ngừa xung đột, quản lý tranh chấp về lãnh thổ và vùng biển ở khu vực châu Âu.

Trong bối cảnh tranh chấp giữa các nước trong khu vực liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế, các học giả đã dành nhiều thời gian phân tích chế độ pháp lý đối với hoạt động xây dựng, cải tạo đảo nhân tạo, quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực nhận diện phòng không tại các khu vực chồng lấn; kinh nghiệm áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Các học giả đã phân tích quá trình hình thành Quy định về Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Theo đó, các quốc gia ven biển có thẩm quyền riêng biệt để phát triển và quản lý quy chế bảo tồn các nguồn tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là có cơ sở pháp lý vững chắc theo luật pháp quốc tế.

Các học giả đặc biệt nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng và có nhiều biến động hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.

Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để củng cố yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Các học giả nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ những thỏa thuận khu vực hiện hành trong đó có DOC và thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn, cơ chế hiện có, các cơ chế diễn đàn đa phương mà quan trọng nhất là các diễn đàn mà ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Các học giả cho rằng thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy việcxây dựng khuôn khổ pháp lý của khu vực dựa trên luật pháp quốc tế là một giải pháp để dung hòa các lợi ích khác biệt của các bên vì lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông.

Nhiều học giả đã nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý tranh chấp và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

Một số đề xuất cụ thể đã được các học giả nêu ra như sau:

Thứ nhất, xây dựng quy tắc ứng xử nhằm củng cố việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông; đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm giải thích Điều 5 của Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xác định rõ những hành động của các bên cần được khuyến khích, cho phép, những hành động cần kiềm chế thực hiện để đảm bảo không làm thay đổi nguyên trạng và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Thứ hai, thảo luận các quy tắc chung về hoạt động của các lực lượng quân sự và các lực lượng thực thi pháp luật trong các vùng biển để đảm bảo tự do và an toàn hàng hải, phòng ngừa các va chạm, sự cố bất ngờ ở Biển Đông, giảm thiểu các sự cố trên biển do việc đơn phương áp đặt quyền thực thi pháp luật của một quốc gia đối với người và tàu của quốc gia khác trong các vùng biển chồng lấn.

Thứ ba, xây dựng cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, tìm kiếm cứu nạn đối với người và tàu trên biển; Đẩy mạnh các biện pháp và các kênh, cơ chế chia sẻ thông tin biển thông qua các hình thức như Cổng thông tin ASEAN (AIP), Trung tâm thông tin biển khu vực ARF (ARF-RMIC).

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên sinh vật biển và bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu môi trường biển.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các học giả, đồng thời nhấn mạnh ba nội dung mong muốn các học giả tiếp tục cùng giúp các nhà hoạch định chính sách làm rõ.

Đại sứ đề nghị các học giả tiếp tục giúp minh bạch hóa môi trường chiến lược ở Biển Đông, điều chỉnh các hiểu biết và nhận thức chưa chính xác, giảm thiểu những tính toán sai lầm có thể dẫn đến các nguy cơ xung đột tiềm tàng; làm rõ “bức tranh nguyên trạng” ở Biển Đông, giúp các nước có liên quan hiểu rõ các điều kiện tự nhiên, thực thể, tài nguyên và môi trường tạo ra nguyên trạng tại Biển Đông và các biện pháp, nghĩa vụ pháp lý mà các bên cần áp dụng để giữ gìn nguyên trạng đó và làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý và đề xuất xây dựng một trật tự pháp lý phù hợp với chuẩn mực của luật pháp quốc tế ở Biển Đông./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều