Báo Đồng Nai điện tử
En

Khỏe để hoàn thành nhiệm vụ (Bài 1)

09:03, 13/03/2014

Góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những thủy thủ của Lữ đoàn tàu tên lửa 167, Vùng 2 Hải quân đã và đang ra sức rèn luyện sức khỏe, thể lực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi đất nước cần.

 

Góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những thủy thủ của Lữ đoàn tàu tên lửa 167, Vùng 2 Hải quân đã và đang ra sức rèn luyện sức khỏe, thể lực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi đất nước cần.

Chiều dần buông trên quân cảng của Lữ đoàn tàu tên lửa 167, Vùng 2 Hải quân. Một tốp chiến sĩ phục vụ trên tàu kéo nhau ra bãi tập thể lực để rèn luyện sức khỏe. “Ở khu tập có những thiết bị tập luyện làm tăng độ bền sức khỏe và thần kinh cho thủy thủ và sĩ quan phục vụ trên tàu”-  Thượng úy Trần Mậu Bình, Thuyền trưởng tàu HQ636, giải thích khi thấy ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi.

* Rèn thần kinh thép

Trong khi 2 đồng đội đứng hai bên thực hiện công tác bảo hiểm, Trung sĩ Trần Văn Sinh, thủy thủ tàu HQ636, làm động tác đánh đu, nhẹ nhàng dùng lực từ thân người rướn lên phía trước, rồi ngả về phía sau, làm chiếc “cầu sóng” chuyển động nhanh dần. Khi “cầu sóng” chuyển động đạt đến độ cao cách mặt đất khoảng 1,2m, Trung sĩ Sinh bắt đầu dang hai tay ra và di chuyển chậm rãi dọc theo thân “cầu sóng”. Vừa di chuyển, anh vừa lựa thế đứng để trụ được trên mặt cầu có bề ngang chưa đến nửa mét. Đến đầu cầu bên này, anh lại dựa theo thế chuyển động của cầu mà đổi hướng đi sang đầu còn lại. Động tác linh hoạt không một chút ngập ngừng, khi tốc độ của “cầu sóng” tăng dần và độ cao được nâng lên đến 1,5m, từng bước di chuyển của anh có chậm lại, nhưng thế đứng vẫn rất vững chãi.

Các chiến sĩ hải quân biểu diễn thể dục, võ thuật trong ngày ra quân huấn luyện.
Các chiến sĩ hải quân biểu diễn thể dục, võ thuật trong ngày ra quân huấn luyện.

“Đây là một trong những thiết bị tập đặc chủng của thủy thủ trên tàu, hoàn toàn chuyển động bằng cơ học mà không có máy móc hỗ trợ. Thiết bị này bao gồm bốn trụ và một tấm ván, được cố định bằng dây cáp, hỗ trợ cho một trong những bài tập bắt buộc của thủy thủ và sĩ quan trên tàu. Thực hiện bài tập này, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) sẽ quen với việc di chuyển và làm việc trên tàu khi có sóng gió lớn” - nói rồi, Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng ban quân huấn Lữ đoàn 167, yêu cầu Trung sĩ Sinh ngừng lại và đích thân anh lên “cầu sóng” giải thích và thực hiện từng bước cho chúng tôi xem.

Sau khi hoàn tất bài tập trên “cầu sóng”, tốp chiến sĩ chuyển sang bài tập ở vòng quay trụ. Lần này, Trung sĩ Nguyễn Minh Quang lên tập đầu tiên. Đặt hai bàn chân vào đúng vị trí để đồng đội dùng dây cố định, hai tay Trung sĩ Quang nắm chặt vào tay cầm phía trên. Lúc này, nhìn anh như tấm vải được căng ra trên khung thêu trước khi giao vào tay người thợ thêu tài hoa. Giống như cách thực hiện bài tập “cầu sóng”, Trung sĩ Quang tự dùng lực của bản thân để làm cho vòng quay chuyển động. Như một nghệ sĩ nhào lộn, vòng quay chuyển động nhanh dần và người thủy thủ đang tập trên ấy cũng theo đó mà quay tròn, tốc độ càng cao thì sức chịu đựng của người tập càng phải mạnh mẽ.

“Đã là lính biển, đặc biệt là những người trực tiếp phục vụ trên tàu, ai cũng phải thành thục những “món” này. Bài tập này, ngoài việc rèn cho người lính sức khỏe, thần kinh thép, còn tập đức tính theo đến cùng việc mình đã bắt đầu. Nếu giữa chừng mà hoảng sợ buông tay ra sẽ bị thương rất nặng, vì những bài tập ở đây có độ nguy hiểm khá cao” - Thiếu tá Hùng giải thích cho chúng tôi khi những người lính thay phiên nhau thực hiện bài tập.

* Luyện sức khỏe vàng

Bắt đầu từ 5 giờ 30 mỗi sáng, CBCS trên các tàu thực hiện bài thể dục buổi sáng. Liên tục trong ngày sẽ có các bài tập riêng, rồi huấn luyện đặc chủng theo kế hoạch. Từ khi là một tân binh, để trở thành thủy thủ phục vụ trên tàu một chiến sĩ phải mất 3 tháng huấn luyện cơ bản và 6 tháng huấn luyện đặc biệt. Tiêu chuẩn thể lực của các CBCS làm nhiệm vụ trên tàu, gồm: nhanh (chạy tốc độ), mạnh (nâng tạ, tập xà đơn…), bền (chạy cự ly dài), bơi (bơi 1.500m, 3.000m…), đặc chủng và tùy theo độ tuổi mà có tiêu chí huấn luyện phù hợp.

Trung sĩ Lê Đình Tuấn tập xà kép.
Trung sĩ Lê Đình Tuấn tập xà kép.

“Phương châm huấn luyện thể lực năm 2014 là “Khỏe để hoàn thành nhiệm vụ”, nên chúng tôi rất coi trọng việc đảm bảo điều kiện sức khỏe cho các CBCS. Người đi biển quen, nhưng nếu ngưng một thời gian rồi quay trở lại tàu vẫn bị say sóng. Các thủy thủ đều hiểu điều này nên không ai bảo ai, cứ chiều mát, sau khi hoàn thành công tác chuyên môn, các anh em tự khắc ra sân bãi tập luyện. Rèn luyện sức khỏe mà chỉ cần lơ là bỏ tập vài buổi là “mất phong độ” ngay” - Thuyền trưởng Trần Mậu Bình giải thích cho chúng tôi một số vấn đề thường gặp phải với những người mới đi biển lần đầu, không quen với sóng gió.

“Các bài tập thể lực cơ bản của các thủy thủ trên tàu hải quân, gồm: 8 thế đứng, 16 động tác thể dục, 35 thế liên quyền và các kỹ thuật ngã, tấn, công, phòng thủ… Ngoài ra, thủy thủ còn có những bài huấn luyện đặc biệt, như: bơi, đi “cầu sóng”, vòng quay trụ, thang quay…” - Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Huấn luyện thể lực ở Lữ đoàn 167 được chia làm hai phần, gồm: huấn luyện chính khóa và huấn luyện ngoại khóa. Kể cả ngày nghỉ, đơn vị cũng thiết kế những buổi thi đấu thể thao, như: bóng đá, bóng chuyền…, vừa cho CBCS giải trí, vừa là cách tập nâng cao sức khỏe hiệu quả. Trong những chuyến công tác dài ngày trên biển, các tàu của Lữ đoàn 167 cũng trang bị những dụng cụ tập phù hợp với điều kiện diện tích nhỏ trên tàu nhằm đảm bảo duy trì việc rèn luyện sức khỏe cho CBCS.

Trên mỗi tàu đều có trang bị xà đơn, bao cát để tập luyện, một số tàu lớn còn có máy chạy bộ. CBCS cũng tập thể thao bằng cách chạy quanh sàn tàu, tranh thủ lúc nghỉ tổ chức thi nâng tạ, kéo xà nhằm nâng cao sức khỏe ngay cả trong lúc công tác trên biển.

“Từ tháng 11-2013 đến 1-2014, chúng tôi có một chuyến công tác dài ngày trên biển là trực bảo vệ chủ quyền ở khu vực nhà giàn DK1. Lúc đó, biển động mạnh, sóng cấp 6-7, có khi lên tới cấp 9, cả nửa tháng không nhìn thấy ánh mặt trời, nhưng nhờ rèn luyện thể lực tốt nên không có trường hợp CBCS nào say sóng, hay đổ bệnh trên tàu vì sóng to gió lớn. Người lính biển phải có sức khỏe thật tốt mới có thể đảm đương việc bảo vệ Tổ quốc ở ngoài khơi xa” - Thuyền trưởng Trần Mậu Bình tự hào kể.

Minh Thành

 

 

Tin xem nhiều