Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết của vợ lính nhà giàn

07:02, 02/02/2014

Những ngày tết, ngoài nhà giàn các chiến sĩ vững vàng tay súng canh biển trời Tổ quốc để nhân dân đón tết yên bình, còn trong đất liền, vợ con của họ đón xuân một mình, hoặc vui cùng con.

Những ngày tết, ngoài nhà giàn các chiến sĩ vững vàng tay súng canh biển trời Tổ quốc để nhân dân đón tết yên bình, còn trong đất liền, vợ con của họ đón xuân một mình, hoặc vui cùng con.

Làng quân nhân trên đỉnh núi Hồ Mây

Đến được “làng quân nhân” nằm sát đỉnh Núi Lớn Vũng Tàu, gần Trạm rada 585 của Trung đoàn radar 251 Vùng 2 Hải quân, chúng tôi phải chạy xe cài số một, chậm như rùa bò qua đoạn đường ngoằn nghoèo gấp khúc, dốc và trượt. Một bên là biển, một bên là vách đá và rừng nguyên sinh. Chẳng biết cái làng quân nhân này có từ bao giờ và ai đặt tên, nhưng những người lính ở trạm radar 585 cho biết, nó xuất hiện từ khi Vùng 2 Hải quân được thành lập.

Mẹ con chị Vũ Thị Tươi xếp hộp bánh để giành gửi cho anh Bùi Xuân Hoạt. Ảnh: Yến Long
Mẹ con chị Vũ Thị Tươi xếp hộp bánh để giành gửi cho anh Bùi Xuân Hoạt. Ảnh: Yến Long

Theo đại úy Lê Văn Tâm, Chính trị viên ở Trạm radar 585 thì: “Đây là nơi dừng chân của những người vợ lính radar. Trước đây là nhà khách giành cho các chị đến thăm chồng, “tuyển quân”. Vì nhiều chị đến “tuyển quân” phải ở thời gian dài nên mượn phòng ở luôn. Vậy là “làng quân nhân” hình thành. Hơn chục gia đình là hơn chục hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung một điểm là có chồng, cha liên tục vắng nhà. Hoặc là ở nhà giàn, hoặc công tác trên biên giới, chốt biên phòng tận cửa  khẩu giáp Lào.

- Sao lại gọi làng quân nhân trên đỉnh núi Hồ Mây thưa anh? - Chúng tôi hỏi.

- Có hai lý do. Một là trên đỉnh núi Lớn này có khu du lịch Hồ Mây. Thứ hai là tất cả 12 hộ dân nhà đều nằm gần đỉnh núi. Thật ra trên này rất khó khăn, nhất là nước uống. Tiếng là sống trong lòng thành phố song nước ngọt phải mua từng can, chủ yếu là mua nhờ qua đơn vị chúng tôi. Các hộ muốn đi chợ phải xuống núi rất xa. Chị em ở đây thường đi tắt rừng cho nhanh, nhưng đi tắt hay gặp nguy hiểm do đá lăn, rừng rậm nên mỗi lần xuống chợ thường hai người đi đường tắt.

- Các gia đình ở đây thành phần thế nào thưa anh?

- Chủ yếu là vợ lính radar, biên phòng và DK1. Nếu nói tết có đầy đủ sum họp khó lắm. 80% các gia đình đón tết vắng chồng. Có người công tác ngay trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, song để có một đêm giao thừa trọn vẹn bên cạnh vợ con là không thể. Bởi thông thường lính radar phải trực 100%. Những ngày tết trực tăng cường và không bỏ vị trí trực. Các gia đình quân nhân ở đây coi nhau như một gia đình, vì họ đều có chung hoàn cảnh, chồng vắng nhà, nuôi con một mình và tự lo toan gánh vác.

15 năm đón tết vắng chồng

Trong 12 gia đình ở làng quân nhân, gia đình chị Vũ Thị Tươi, vợ của Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Chính trị viên Nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau) là một điển hình. Vợ đón tết xa chồng, con đón tết xa cha nhiều năm. Trong căn nhà nhỏ mặt quay ra hướng biển, chị Vũ Thị Tươi bước sang 40 mà dường như già đi trước tuổi.

Nhà giàn DK1/10 trong sương gió qua ô cửa tàu, nơi có Trung tá Bùi Xuân Hoạt đang ngày đêm trấn giữ. Ảnh: Mai Thắng
Nhà giàn DK1/10 trong sương gió qua ô cửa tàu, nơi có Trung tá Bùi Xuân Hoạt đang ngày đêm trấn giữ. Ảnh: Mai Thắng

Chị Tươi nhìn ra hướng biển như nhớ lại điều gì đó đang dâng tràn trong tiềm thức: “Anh Hoạt mới gọi điện về động viên ba mẹ con em. Nói thật với anh, cưới nhau 19 năm rồi, nhưng vợ chồng con cái đón tết cùng nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy con lớn rồi nhưng vẫn muốn cha về ăn tết. Nhiều lần các con bảo, tết nào cha cũng vắng nhà. Trước khi về nhà giàn, anh nhà em công tác ở Lạng Sơn cũng thường xuyên xa nhà. Theo chồng vào Vũng Tàu để gần gũi, nhưng thật ra lại xa hơn. Bởi nếu công tác ở đất liền, khi vợ ốm, con đau điện thoại anh còn xin phép về  được, còn ở nhà giàn, biết vợ ốm, con bệnh anh cũng không về được, đó là thiệt thòi”.

Mâm cơm chiều mùng ba tết của vợ lính nhà giàn cũng đầy đủ bánh chưng, giò, thịt, nhưng vẫn thiếu sự sum vầy của người làm chủ gia đình. Chị Vũ Thị Tươi chia sẻ: “Mấy năm đầu đón tết một mình, rồi đến khi sinh con, nhìn gia đình người ta sum vầy, cùng nhau đi hái lộc đầu xuân, trong khi nhà mình vắng ngắt, em rất tủi thân. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn còn hạnh phúc và vinh dự hơn nhiều người khác bởi chồng mình đang làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Chính suy nghĩ ấy đã làm em nguôi ngoai, gắng sức lo chu toàn mọi việc”.

Quà Tết muộn gửi cha ngoài khơi

Cậu bé thứ hai của chị Tươi tên Bùi Xuân Sơn khoe: “Lúc giao thừa cha cháu gọi điện về chúc tết. Giọng cha cháu nói to lắm. Cháu đã mở loa ngoài để mẹ cháu và cả nhà nghe. Lúc đó cháu như thấy cha đang ở nhà”. Còn cậu anh Bùi Xuân Vinh thì lém lỉnh hơn: “Khi còn ở nhà, cha cháu làm hết mọi việc. Lúc ra nhà giàn công tác, cha cháu dặn phải đỡ đần mẹ nhiều hơn. Mấy ngày trước tết, cháu phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Giao thừa, cháu chúc tết ông bà nội, ngoại giống như khi cha cháu ở nhà”.

- Lớn lên cháu có đi bộ đội giống cha không? Tôi hỏi. Cậu bé Vinh trả lời ngay “Có chứ. Cháu muốn làm chú bộ đội giống cha mà. Nhưng thương mẹ lắm. Cha cứ đi hoài, ở nhà mẹ hay khóc”.

Nghe con kể, chị Tươi rưng rưng nước mắt. Chị hiểu hai con trai của chị cũng tâm trạng nhớ cha ngày tết như chị. Chỉ khác, không phải cái nhớ của sự khắc khoải miên man. Dẫu biết giao thừa năm nào chồng cũng gọi điện về động viên, chúc tết, song chị vẫn thấy xót xa thiếu vắng, sự trống trải cô đơn phút giao thừa.

Thành phố Vũng Tàu tấp nập người xe. Từ đỉnh núi Lớn nhìn xuống đường Hạ Long, nắng vàng rực rỡ. Dân TP.Hồ Chí Minh đổ về Bãi Trước du xuân chật kín như nêm. Đường lên Núi Lớn từng đoàn người đi bách bộ. Trong làng quân nhân, ba mẹ con chị Tươi xếp hộp mứt vào giỏ. Chị bảo: “Giữa tháng 2 có tàu đi trực nhà giàn, bánh kẹo này sẽ được gửi cho anh ấy. Đây là quà tết muộn của mẹ con từ đất liền. Cốt là để động viên anh thêm vững vàng tay súng bảo vệ biển đảo quê hương…”.

Mai Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều