Báo Đồng Nai điện tử
En

Thưởng thức cà phê ở thủ đô nước Áo

07:01, 15/01/2012

Khi chuyến bay của Hãng hàng không Austrian Airlines chuẩn bị đáp xuống sân bay Flughafen Wien của thủ đô nước Áo, giai điệu trữ tình “Sông Danube xanh” của nhạc sĩ Johann Strauss trỗi lên như một lời chào đặc biệt: Hân hạnh đón mừng các bạn đã đến với đất nước của âm nhạc, đất nước của những nhạc sĩ thiên tài Beethoven, Mozart, Schubert, đất nước của hội họa và những lâu đài thơ mộng, đất nước của một phong cách cà phê nổi tiếng…

Khi chuyến bay của Hãng hàng không Austrian Airlines chuẩn bị đáp xuống sân bay Flughafen Wien của thủ đô nước Áo, giai điệu trữ tình “Sông Danube xanh” của nhạc sĩ Johann Strauss trỗi lên như một lời chào đặc biệt: Hân hạnh đón mừng các bạn đã đến với đất nước của âm nhạc, đất nước của những nhạc sĩ thiên tài Beethoven, Mozart, Schubert, đất nước của hội họa và những lâu đài thơ mộng, đất nước của một phong cách cà phê nổi tiếng…
Tháng 11 năm rồi, cùng với hát xoan Phú Thọ của Việt Nam, văn hóa cà phê ở thủ đô Vienna của Áo đã được Tổ chức giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách các di sản phi vật thể cần được bảo tồn. Thông tin này có thể làm ngạc nhiên nhiều người nhưng ai đã từng một lần đến Áo chắc sẽ không bất ngờ.

Tòa thị chính Thủ đô Vienna (Áo).
Tòa thị chính Thủ đô Vienna (Áo).

NHƯ LÀ NGHỆ THUẬT
Những quán cà phê ở Vienna từ hàng trăm năm nay đã tạo ra một phong cách nổi tiếng đến mức trở thành thương hiệu "Wiener Kaffehaus". Người Áo nói rằng, thành Vienna không có Wiener Kaffeehaus như nhà hát mà không có nhạc.

Nét thanh lịch cổ kính của châu Âu ở Vienna.
Nét thanh lịch cổ kính của châu Âu ở Vienna.

Người bạn cùng đi với tôi buột miệng, cà phê Vienna có khác gì cà phê ở mình đâu, cũng nhâm nhi, ngắm cảnh, đọc báo, tán gẫu…, nhưng nhà văn trẻ Nguyễn Thị Bích Yến, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Áo nói ngay, có khác đấy, tinh tế lắm. Vâng, mới nhìn qua, cà phê ở Vienna cũng có các loại như ở Việt Nam: đen, sữa, nâu, capuccino, chocolate nóng... Buổi sáng, người ta thường bán thêm các loại bánh ngọt. Buổi trưa, bán thêm một số món ăn đặc trưng của Áo. Hương vị cà phê ở đây cũng khá lạ, khó tả, có cảm giác như trộn một chút cà phê Biên Hòa, một chút cà phê Ý…
Nhưng theo chị Bích Yến, điểm khác biệt là người Áo đã nâng phong cách cà phê ở đây lên thành nghệ thuật.
Không khí quán cà phê ở Vienna yên tĩnh và sang trọng. Người ta có thể đàm đạo bên nhau hàng giờ nhưng không làm ồn ào bàn bên cạnh. Khách có thể ngồi cả buổi sáng để đọc đủ loại báo in có sẵn trong quán. Các quán cà phê ở Vienna như những câu lạc bộ công cộng mà các thành viên tự giác đến với nhau. Cà phê là một phần trong sinh hoạt của người dân ở Vienna. Quán cà phê đối với nhiều thế hệ người dân ở đây là ngôi nhà thứ hai, nơi họ có thể giao lưu kể cả trong mùa đông rét mướt.
Phong cách cà phê Vienna còn thể hiện ở nghệ thuật trang trí không gian, nội thất: kiểu cách và lãng mạn, sang trọng và nhiệt thành. Phong cách cà phê Vienna toát lên từ một tấm khăn trải bàn được chọn lựa tinh tế, từ những chiếc thìa chạm trổ cầu kỳ, từ cái ly cái tách đặt ngay ngắn trên những chiếc đĩa bạc… Phong cách cà phê Vienna còn thể hiện từ nghệ thuật kẹp các tờ báo gọn gàng trong một chiếc kẹp gỗ xinh xắn, treo lên giá hoặc trao tận tay khách.

THƯỞNG THỨC CÀ PHÊ ĐỂ BẢO VỆ DI SẢN
Cũng giống như ở Đà Lạt có cà phê Tùng vẫn còn lưu dấu chỗ ngồi của Trịnh Công Sơn mấy chục năm trước, khá nhiều trong số các quán cà phê nổi tiếng ở Vienna là những nơi đã từng in dấu chân của các nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng thế kỷ XIX, XX như quán Frauenhuber - quán ưa thích của Mozart hay Sacher. Có nhiều quán cà phê ở Vienna nổi tiếng vì đi vào lời một ca khúc hay hoặc là nơi lui tới của giới nghệ sĩ đương đại như cà phê Hawelka ở phố Dorotheergasse, quán Griensteindl ở phố Michaelerplatz. Đây là những Wiener Kaffeehaus còn mang những nét cổ kính như huyền thoại.
Người Áo vẫn bảo tồn không gian của các quán từ thế kỷ XIX, dù hiện nay nó đã chật chội. Những bức tranh trên tường đã sờn cũ, những chiếc đàn piano kiểu cổ, những chùm đèn pha lê có tuổi đời đã hàng trăm năm… vẫn được gìn giữ như chứng nhân của thời gian. Khách từ phương xa đến thường ghé quán Frauenhuber, tự tay sờ vào chiếc bàn, vách tường cũ kỷ của quán cứ như đi ngược thời gian để tìm lại những khoảnh khắc nhà soạn nhạc thiên tài Mozart sáng tạo ra bao giai điệu bất hủ nơi đây! Trong thế kỷ XX, nhiều nhà văn Áo đã viết truyện, làm thơ từ các quán cà phê ở Vienna. Số tác phẩm ra đời như thế nhiều đến nỗi ở Vienna đã từng có dòng văn học được gọi là "dòng văn học cà phê"! Và số quán cà phê “văn chương” này cũng còn được bảo tồn khá nhiều.

Với người dân Áo, cà phê ở Vienna là không gian công cộng.
Với người dân Áo, cà phê ở Vienna là không gian công cộng.

Ngay cả quán cà phê hiện đại vẫn giữ nét tinh tế của phong cách cà phê Vienna. Ví dụ tại tháp Danube cao 252m hiện nay, du khách có thể đi thang máy lên thẳng quán cà phê trên đỉnh. Quán cà phê ấy được tạo với ba trục tháp vàng với các góc độ khác nhau, cứ 30 phút lại quay một vòng. Du khách tới đây vừa nghe nhạc, vừa uống cà phê và ngắm cảnh, đặc biệt là nhìn dòng Danube như một dải lụa xanh vắt qua thành phố thơ mộng này!

THỦ ĐÔ ĐÁNG SỐNG NHẤT HÀNH TINH
Văn hóa cà phê của Vienna được hình thành từ tính cách đặc trưng của người dân trên mảnh đất có bề dày lịch sử đặc biệt này: sang trọng, quý tộc mà vẫn gần gũi; hiện đại mà không ồn ã; lãng mạn mà rất nền nếp, trật tự. Đến với Vienna, người ta không ồ lên kinh ngạc ngay lần đầu trước các công trình kiến trúc như ở Paris hay Rome, nhưng Vienna càng nhìn, càng thấy đẹp - một cái đẹp của sự hài hòa giữa thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây, một cái đẹp của sự giản dị mà tinh tế, sự yên tĩnh mà năng động, sự cổ kính mà hiện đại ở đây. Vienna còn được xem là kinh đô của nghệ thuật kiến trúc với những công trình nổi tiếng trên thế giới như cung điện hoàng gia Schonbrunn, nhà thờ thánh Stephan, tòa nhà Quốc hội Áo. Viên cũng được xem là thủ đô của âm nhạc ở châu Âu với tên tuổi của những thiên tài như Mozart, Strauss, Beethoven.

Quán café Griensteidl.
Quán café Griensteidl.

Văn hóa cà phê của Vienna cũng như tính cách con người Áo: không vồn vã nhưng lịch lãm ngay lần gặp đầu tiên. Khi đã quen nhau, nhiệt tình và đúng mực.
Trong chuyến đi dự Hội nghị báo chí thế giới tổ chức tại Áo vừa qua, đoàn nhà báo Việt Nam may mắn được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh Michael Plazt, chồng của nữ nhà văn Nguyễn Thị Bích Yến. Và cũng như anh Michael, một người Áo rất yêu mến Việt Nam khác mà chúng tôi gặp là Wolfgang Renner, nguyên Tổng biên tập tờ báo Wiener Zeitung của Cộng hòa Áo, một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới - ra mắt từ 1703 - còn hoạt động. Ông Renner hiện là giáo sư báo chí của nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Cuối tháng 11 vừa qua, ông đã đến Việt Nam để giảng dạy báo chí. Dịp này, ông đã gặp GSTS. Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện chính trị hành chính quốc gia - để bàn việc tổ chức các hoạt động hợp tác giữa báo chí Việt Nam và báo chí Áo vào năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Và trong chuyến thăm Cộng hòa Áo đầu tháng 12 năm rồi, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc thân mật với GS. Wolfgang Renner. Những con người thành Vienna tôi gặp từ cô tiếp viên hàng không, anh cảnh sát, anh tài xế taxi, người nhạc công trên phố… đến chị công chức, nhà quản lý đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về sự lịch lãm, hào hoa.
Đi giữa Vienna, thành phố có rất nhiều bảo tàng hoành tráng, có rất nhiều nhà hát quy mô lớn và nổi tiếng, có một hệ thống giao thông hiện đại, có một nghĩa trang đẹp và lớn nhất nhì thế giới - nơi yên nghỉ của những vĩ nhân... chợt hiểu vì sao văn hóa cà phê nơi đây đã trở thành di sản của nhân loại, chợt hiểu vì sao người ta xếp nơi đây là thành phố đáng sống nhất hành tinh.

Phan Văn Tú
 





 

Tin xem nhiều