Báo Đồng Nai điện tử
En

Phong cách Hồ Chí Minh - Phong cách của một nhà văn hóa lớn

08:01, 20/01/2012

Một mùa xuân mới lại đến với chúng ta!

Trong không khí thiêng liêng của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, lòng mỗi người Việt Nam chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu - một người Bác, một người ông thân thiết.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một mùa xuân mới lại đến với chúng ta!

Trong không khí thiêng liêng của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, lòng mỗi người Việt Nam chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu - một người Bác, một người ông thân thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại, một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn hóa lớn. Nhưng với phong cách Hồ Chí Minh, Người luôn luôn nói những điều giản dị, mà ai cũng có thể hiểu được.

Một nhà văn lớn ở nước ngoài đã viết: Ông Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng của quần chúng. Ông là người đã biến chủ nghĩa Mác - Lênin từ một khối thép khổng lồ thành những đồng xu nhỏ để ai cũng có thể tiêu được.

Nói về Chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ nói một cách giản dị: Đó là một xã hội do nhân dân làm chủ, một xã hội quyền lực thuộc về nhân dân. Mục tiêu của xã hội ấy là làm sao cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được ấm no, hạnh phúc và tự do. Thật là dễ hiểu, dễ nhớ.

Khi nói nước ta là một nước dân chủ, Bác cũng viết một cách giản dị, dễ hiểu:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì Dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của Dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của Dân.

... Nói tóm  lại, quyền hạn và lực lượng đều ở nơi Dân”.

Bài báo này Bác Hồ viết từ ngày 15 tháng 10 năm 1949, cách đây hơn 60 năm, nhưng Bác đã nói đến “Đổi mới” rồi. Hình như Cách mạng và Đổi mới luôn luôn đi liền với nhau, đổi mới để tiến lên đó là mục tiêu của Cách mạng.

Đến thăm và nói chuyện với một lớp học của cán bộ, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, Bác Hồ hỏi:

- Bác đố các chú, ai to nhất nước ta?

Tất cả trả lời:

- Thưa Bác, là Bác ạ! Bác Hồ cười:

- Các chú nhầm rồi, các chú còn phong kiến quá. Để Bác đọc cho các chú nghe nhé: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Bác nhấn mạnh chữ Dân chủ, rồi hỏi lại:

- Ai là chủ ở đây các chú?

- Thưa Bác, Dân là chủ ạ. Bác nói thêm, các chú phải luôn nhớ Dân là chủ, nhân dân là lực lượng to lớn nhất. “Dễ mười lần không Dân cũng chịu. Khó trăm lần Dân liệu cũng xong”.

Lại nói về câu ca này, đây là một câu trong bài ca dao của nhà thơ Thanh Tịnh, ca ngợi sức mạnh của nhân dân. Sau này nhiều người thường nhắc lại: “Dễ trăm lần không Dân cũng chịu. Khó vạn lần Dân liệu cũng xong”. Nhưng với phong cách thiết thực, khoa học, Bác đã nói: “Dễ mười lần không Dân cũng chịu. Khó trăm lần Dân liệu cũng xong”. Từ khó vạn lần, Bác đã đổi lại thành khó trăm lần. Cụ Hồ là vậy, Cụ không thích khoa trương.

Một nhà báo trẻ nước ngoài đến Việt Nam trong những ngày đánh Mỹ. Được vào thăm Bác, anh đưa Bác xem một bài báo nhan đề “Một bài học từ Việt Nam”. Bác đọc xong và góp ý: Bạn chỉ cần viết là “Một kinh nghiệm từ Việt Nam” thế là đủ.

Tiến sĩ  triết học Anilendu Sacơrabôrôty, Viện nghiên cứu Tagore, Ấn Độ, trong bài báo “Hồ Chí Minh - Con người giản dị và ý chí sắt thép” đã viết: “Đức tính giản dị có sức thuyết phục với ý nghĩa đáng mến, là một điều đặc biệt khác thường, không dễ có trong đời sống văn minh hiện đại ở những tầng lớp cao thượng. Bác Hồ mặc bộ áo giản dị, nói giản dị, cách xử sự và tính nết giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị, với vẻ mặt tươi cười làm tỏa ra một sự trong sáng của một tâm hồn giản dị”.

Phong cách sống giản dị và thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đặc điểm nổi bật, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng kính yêu của bè bạn năm châu. Một nhà văn nước ngoài đã viết: Trên thế giới không có một vị tổng thống nào lại lấy chiếc nhà sàn giản dị và cái ao nuôi cá làm cung điện của mình.

Tổng thống Chi Lê Salvador Allende thì phát biểu: “Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của ông”.

CÂU ĐỐI

Nghị quyết Đảng soi sáng hành trình công nghiệp hóa

Tư tưởng Bác chỉ đường hạnh phúc kỷ nguyên Xuân

Lê Tân

 

Chính vì phong cách giản dị và gần gũi nhân dân ấy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người Bác kính yêu của cả dân tộc ta.

Một cán bộ đã nhiều năm được sống bên Bác nói rằng: “Khi nói đến sự giản dị của Bác thì đừng chỉ nhìn vào cách sống giản dị, trong sạch của Bác qua bộ quần áo đơn sơ hay đôi dép cao su, mà phải hiểu trong lúc nhân dân còn thiếu thốn thì người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo không được sống xa cách với dân, phải hòa cuộc sống của mình vào cuộc sống của nhân dân, phải biết giữ mình trong sạch. Và cũng chính vì lẽ sống trong sạch đó, mà Bác Hồ rất nghiêm khắc với nạn tham ô, lãng phí”.

Có lần Bác đã nói: “Con người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn, mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp là không có đạo đức”.

Chính giáo sư Trần Văn Giàu đã tự phê bình và kể lại:  Vào thời điểm tháng 9 năm 1945, những ngày đầu cách mạng gian khổ, Bác Hồ kêu gọi toàn thể quốc dân mỗi tuần nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đồng bào đói. Tại trụ sở Bắc bộ phủ, mọi người ăn uống kham khổ, cơm hai lưng bát, cà muối và canh trong vắt. Đứng đầu Ủy ban Cách mạng Nam bộ, Trần Văn Giàu đã đến Hà Nội và không chịu được chế độ ăn uống đó, đã đến ăn ở nhà một người bạn. Biết chuyện đó, Bác Hồ hỏi nhỏ: “Ở Phủ Chủ tịch chú chê cà muối hả? Lúc này đồng bào đang đói, chú không chia cái khổ với đồng bào được à?”. Được Bác góp ý, từ đấy bữa nào ông Giàu cũng ăn ở Bắc bộ phủ.

Nhà sàn Bác Hồ - hình ảnh Việt Bắc giữa Thủ đô Hà Nội.
Nhà sàn Bác Hồ - hình ảnh Việt Bắc giữa Thủ đô Hà Nội.

Một lần, Bác bận việc phải ăn cơm sau. Một mình vừa ngồi vào bàn, vừa bưng bát cơm lên thì một người vào báo: Thưa Cụ, có ông Vĩnh Thụy (tức Vua Bảo Đại, lúc đó là cố vấn Chính phủ) muốn vào gặp Cụ. Bác Hồ đã định đứng dậy, sau lại bảo: Chú cứ mời ông ấy vào đây cũng được. Ông Vĩnh Thụy vào nhìn thấy bữa cơm đạm bạc của Cụ Hồ, một ít cơm, một ít rau muống luộc và một quả trứng nhỏ. Ông Vĩnh Thụy liền nói:

- Thưa Cụ, từ mai để tôi xin cho người nấu cơm đem đến hầu Cụ.

Bác Hồ cười vui vẻ:

- Tôi xin cảm ơn ông. Nhưng thôi, tôi cùng ăn với anh em ở đây đã quen rồi!

Nhiều năm qua, chúng ta đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Nhưng để trở thành một người lãnh đạo, một cán bộ đảng viên tốt, chúng ta cần phải học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Đó là phong cách giản dị, khoa học, gần gũi quần chúng. Đó là phong cách nêu gương, phong cách ứng xử dân chủ, cởi mở, tế nhị và khoan dung Hồ Chí Minh.

Chính nhờ phong cách ấy, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một khối nam châm khổng lồ, không những tập hợp được đông đảo quần chúng cách mạng, mà còn thu hút được biết bao những trí thức, tôn giáo, đồng bào các dân tộc đi theo Người, giành lại mùa Xuân cho đất nước.

Mùa Xuân này nhớ Bác, chúng ta lại nhớ đến những câu thơ của Việt Phương:

“Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ

Tránh nói chữ to và đi rất nhẹ cả trong vườn

Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời, góc bể

Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn...”.

Xuân Nhâm Thìn 2012

Bùi Công Bính

 

 

 

Tin xem nhiều