Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trẻ khởi nghiệp

02:01, 19/01/2012

Họ là những ông chủ, bà chủ còn rất trẻ, mỗi người một câu chuyện khởi nghiệp nhưng đều theo cách rất trẻ: giàu ý tưởng, kinh doanh sáng tạo để với khoản đầu tư nhỏ vẫn thu được hiệu quả kinh tế cao. Sự năng động, lòng đam mê và sức sáng tạo là thế mạnh giúp những người trẻ ấy chạm đến thành công.

Họ là những ông chủ, bà chủ còn rất trẻ, mỗi người một câu chuyện khởi nghiệp nhưng đều theo cách rất trẻ: giàu ý tưởng, kinh doanh sáng tạo để với khoản đầu tư nhỏ vẫn thu được hiệu quả kinh tế cao. Sự năng động, lòng đam mê và sức sáng tạo là thế mạnh giúp những người trẻ ấy chạm đến thành công.

1. Z! Café, kinh doanh sáng tạo

Hà Vũ Bảo Giang (26 tuổi) và Ngô Công Tuấn (25 tuổi) cùng là chủ của chuỗi 10 ki-ốt Z! Café tại Biên Hòa và huyện Long Thành. Ý tưởng kinh doanh café dưới dạng “shop & go”, thức uống mang đi, nhanh và tiện lợi hình thành khi hai bạn trẻ quan sát thị trường nhận thấy đối tượng khách không có thời gian ngồi quán ngày càng đông.

Chủ của mô hình Z! Café Hà Vũ Bảo Giang (trái) và Ngô Công Tuấn.
Chủ của mô hình Z! Café Hà Vũ Bảo Giang (trái) và Ngô Công Tuấn.

Năm 2009, ki-ốt Z! Café đầu tiên ra đời với chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Những ki-ốt này tận dụng mặt bằng nơi vệ đường, góc phố như dạng quán cóc vỉa hè. Nhưng đây là mô hình kinh doanh có thương hiệu với đội ngũ nhân viên phục vụ trẻ trung, chuyên nghiệp. Nước uống đến vài chục loại, được đóng vào ly nhựa lịch sự, tiện lợi để khách mang đi. Mô hình này đầu tư ít vốn nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, nhanh thu hồi vốn và tính rủi ro thấp nên dễ tồn tại trong điều kiện làm ăn, kinh doanh khó khăn hiện nay - Bảo Giang chia sẻ.

Mọi công đoạn thực hiện dự án các bạn đều tự làm, từ thiết kế, trang trí ki-ốt, lên thực đơn thức uống đến xây dựng đội ngũ bán hàng. Đến nay, Z! Café đã hình thành chuỗi 10 điểm bán hàng, chỉ riêng chi phí đầu tư một ki-ốt Z! Café đã trị giá khoảng 70-80 triệu đồng và khoảng 200 triệu đồng với điểm bán có thêm khu vực cho khách ngồi uống nước.

Z! Café có khoảng 100 lao động trẻ đang làm việc, trong đó không ít bạn là sinh viên, học sinh. Cái khó nhất với những người chủ trẻ tay ngang này là công tác quản lý con người. Lao động thời vụ nên không gắn bó lâu dài, lại đều là những bạn trẻ mới bỡ ngỡ vào đời nên càng khó. Nhân viên tại Z! Café không chỉ được đào tạo những kỹ năng để làm tốt trong một ngành dịch vụ mà họ có cơ hội rèn luyện sự năng động, sáng tạo trong tư duy, tính chủ động xử lý công việc, điều rất cần cho bạn trẻ khi vào đời. Thiếu kinh nghiệm quản lý, nhưng 2 chàng trai này tư duy theo cách làm chủ phải nghĩ trên lợi ích của nhân viên, tạo môi trường làm việc thoải mái thì họ mới có thái độ phục vụ khách tốt nhất. Chủ động, có tinh thần làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành tốt công việc là môi trường làm việc mà Z! Café xây dựng.

Sau hiện tượng Z! Café đã hình thành trào lưu khởi nghiệp trong giới trẻ Biên Hòa với mô hình kinh doanh “shop & go”, chuyên bán đồ uống, thức ăn nhanh. Với hai bạn trẻ này, ra làm ăn là phải chấp nhận cạnh tranh, điều đó giúp họ càng nỗ lực hoàn thiện chất lượng dịch vụ để giữ chân khách hàng.

Cung cấp thêm sự đa dạng về khẩu vị cho thị trường thức uống tại Biên Hòa, Giang và Tuấn vừa mở thêm Café Iris. Đây là mô hình được đầu tư bài bản theo phong cách hiện đại, trẻ trung, sang trọng với café mang phong vị, nghệ thuật Ý, nguyên liệu chế biến và hệ thống máy móc pha chế được nhập khẩu hoàn toàn. Với hai chàng trai trẻ này, cơ hội không tự đến mà phải nỗ lực tìm kiếm và có sự chuẩn bị tốt để khi nó đến thì mình đã sẵn sàng.

2. Hai cô gái trẻ mê hoa đất

Ngũ Thanh Ngọc và Lâm Kim Phi Yến là 2 cô chủ trẻ của cửa hàng hoa đất N.Y.Flower (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, Biên Hòa). Từ sở thích cá nhân làm và chơi hoa đất, họ đã tổ chức thành mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cách đây vài năm, hoa đất khá lạ tại thị trường Việt Nam, chủ yếu là hàng nhập nên giá cả triệu đồng/sản phẩm. Vẻ đẹp tự nhiên, sinh động của loài hoa làm từ đất sét đã cuốn hút 2 cô gái trẻ. Khi biết có trung tâm mở khóa dạy làm hoa đất, cô sinh viên ngành dược Lâm Kim Phi Yến và Ngũ Thanh Ngọc theo nghề kế toán đều đăng ký vào học, họ trở thành bạn thân chính từ cái duyên với hoa đất. Biết Thái Lan rất thịnh nghề làm hoa đất, Yến và Ngọc đi tận nơi để tìm hiểu, rồi học thêm kiến thức ở những người thầy giàu kinh nghiệm.

Ngũ Thanh Ngọc và Lâm Kim Phi Yến đem nghề mới về Biên Hòa.
Ngũ Thanh Ngọc và Lâm Kim Phi Yến đem nghề mới về Biên Hòa.

Mê hoa, 2 cô sinh viên ra trường không theo nghề đã học mà chọn nghiệp làm hoa đất. Họ chỉ mở một cửa tiệm nhỏ tại nhà ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng hoa làm đẹp nên ngày càng đông khách tìm đến tận nơi đặt hàng. Có giai đoạn, họ nhận làm hàng cung cấp cho siêu thị, nhiều người mua đem ra nước ngoài. Khi nhận đơn hàng cần giao gấp, 2 chị em phải làm thâu đêm suốt sáng mà vẫn rất mê việc. 2 cô gái trẻ giờ có thói quen thấy hoa đẹp là tỉ mỉ quan sát từng cánh hoa, vân lá để thể hiện hết vẻ sinh động đó bằng hoa đất. Với hoa đất, người thợ thỏa sức sáng tạo. Từ chất liệu đất sét, bàn tay người thợ có thể tạo ra đủ chủng loại hoa cỏ: hoa cành cắm bình, giỏ hoa, hoa bonsai, tranh hoa… Hoa đất cũng làm theo mùa với nhiều chủ đề khác nhau, được chuộng nhất vẫn là các loại lan vì nó thể hiện được sự tinh tế của những cánh hoa mỏng manh mà nhiều chất liệu khác khó theo kịp.

Theo chị Ngọc, hiệu quả kinh tế nghề làm hoa đất khá cao vì mình tận dụng được thời gian nhàn rỗi, thị trường rất tiềm năng do hoa đất lạ và có giá thành cao. Hoa đất đang rất thịnh tại TP.Hồ Chí Minh nhưng còn khá mới ở Biên Hòa nên 2 cô gái trẻ quyết định về đây mở cửa hàng N.Y.Flower, chuyên bán và dạy làm hoa đất. Tuy chỉ mới ra lò vài tháng, nhưng cửa hàng này đã thu hút cả chục thợ đến học và làm việc. Ngoài mục đích kinh doanh, niềm vui của 2 cô chủ trẻ là giới thiệu nghề mới về Đồng Nai, tạo được sự hứng thú của nhiều người trẻ.

3. Khởi nghiệp thời khó

DNTN Anh Nghĩa (Trảng Bom) là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, uy tín được khẳng định khi chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy cho các thương hiệu lớn, như: Honda, Yamaha, SYM, Trường Hải… Với 90 công nhân, hiện trung bình mỗi tháng đơn vị sản xuất khoảng 220 ngàn sản phẩm, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Chủ của doanh nghiệp (DN) này là chàng thanh niên Nguyễn Văn Nghĩa (31 tuổi), với điểm xuất phát từ công nhân cơ khí.

Năm 2001, Nguyễn Văn Nghĩa xin vào làm công nhân kỹ thuật tại một công ty nước ngoài trong lĩnh vực lắp ráp xe máy. Thời điểm đó, đa số linh kiện xe máy, ô tô đều phải nhập khẩu, có lô hàng về chậm là hoạt động lắp ráp đình trệ. Tích lũy kinh nghiệm qua một năm làm việc, anh quyết định tự mở cơ sở gia công cơ khí vì thấy trong nước hoàn toàn sản xuất được linh kiện, phụ tùng xe máy với chi phí rẻ hơn. Khởi nghiệp ở tuổi 21 chỉ với 20 triệu đồng vay mượn, anh mua một máy gia công đơn giản, tận dụng góc nhà làm nơi sản xuất. 2 năm sau, Anh Nghĩa lên DN vì cơ sở nhỏ không đáp ứng được nhu cầu đơn hàng của khách dù lúc ấy chỉ có khoảng 5 lao động thường xuyên. Thời gian đầu, ông chủ DN trẻ này phải xoay xở nhiều đường để có thu nhập trả lương thợ và duy trì sản xuất. DN thường chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ lẻ vì giai đoạn đó, ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam hầu như chưa định hình, sản phẩm do một DN nhỏ không tên tuổi khó chiếm được lòng tin của khách hàng. Anh chủ động làm hàng mẫu, tiếp cận giới thiệu sản phẩm đến tận tay đơn vị có nhu cầu.

Giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa hướng dẫn công nhân tại xưởng sản xuất.
Giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa hướng dẫn công nhân tại xưởng sản xuất.

Năm 2008 khủng hoảng kinh tế, DNTN Anh Nghĩa cũng rơi vào tình trạng khó khăn, đơn hàng giảm 70%, có lúc thị trường gần như đóng băng. Kinh tế khó khăn, DN lắp ráp buộc phải tìm cách giảm tối đa mọi chi phí nên quan tâm hơn đến việc thay thế hàng nhập bằng hàng sản xuất tại chỗ với giá thành hợp lý hơn. Nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, ông chủ trẻ của Anh Nghĩa đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm máy móc thiết bị, hoàn thiện nhà xưởng để có thể đáp ứng những đơn hàng linh kiện, phụ tùng đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật. Khi tình hình sản xuất hàng gia công đi vào quỹ đạo phát triển, chàng giám đốc trẻ này lại nghĩ đến việc mở rộng hướng đi cho DN. Năm 2011, anh đầu tư chi phí làm ISO cho sản phẩm thương hiệu riêng của Anh Nghĩa, mở rộng sản xuất thêm dòng hàng phụ tùng xe máy, ô tô đưa ra thị trường.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều